|
Ủy
ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến
các vị ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
các thời kỳ vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ
XIII. (Ảnh: TTXVN)
|
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện quan trọng của đất nước, thu hút sự quan tâm của toàn bộ hệ thống chính trị.
Để nâng cao chất lượng dự thảo văn kiện trình Đại hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức các hội nghị chuyên đề phân theo nhóm đối tượng, qua đó, các đại biểu đã đóng góp, đề xuất nhiều ý kiến, nội dung thiết thực xoay quanh vấn đề về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng làm cho “ý Đảng hợp lòng dân,” góp phần tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
Tăng cường quản lý để hạn chế tha hóa, biến chất trong cán bộ, đảng viên
Tại các hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, đa số các ý kiến thống nhất đánh giá các dự thảo văn kiện được chuẩn bị công phu, tổng kết thực tiễn sâu sắc, toàn diện, khách quan, nhiều chiều; bố cục chặt chẽ, nội dung có tính khái quát cao.
Với vai trò là báo cáo trung tâm, dự thảo Báo cáo Chính trị đã đề cập đến những vấn đề cơ bản, then chốt nhất liên quan đến vận mệnh và tiền đồ phát triển của đất nước, của dân tộc.
Về vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng được nêu trong dự thảo Báo cáo Chính trị, đa số ý kiến đề nghị cần đánh giá thẳng thắn hơn về công tác cán bộ, nhất là công tác quản lý, đánh giá, giám sát cán bộ, đảng viên có chức vụ; nhấn mạnh hơn nữa đến công tác quản lý cán bộ, đảng viên, chỉ rõ những sơ hở, bất cập, thiếu sót, khuyết điểm trong công tác quản lý cán bộ, bởi đây là một trong những điểm hạn chế lớn nhất, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tha hóa, biến chất, vi phạm pháp luật của cán bộ lãnh đạo.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị không nên dùng cụm từ "không có vùng cấm" trong phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, vì dễ gây hiểu lầm là thừa nhận "đã từng có vùng cấm"; đồng thời nên tách “kiểm soát quyền lực” thành một nội dung riêng để làm rõ hơn; mở rộng, nâng cao chất lượng công tác phát hiện, điều tra, xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng.
Cũng có ý kiến đề nghị dự thảo Báo cáo Chính trị nên đề cập nhiều hơn tới việc tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước các cấp, từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.
Đối với dự thảo Báo cáo Công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng, bên cạnh các ý kiến về việc chỉnh sửa từ ngữ, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung đánh giá ý thức thực hiện nghĩa vụ nơi cư trú của đảng viên và công tác quản lý đảng viên của chi bộ nơi công tác; trách nhiệm giám sát, đánh giá của chi bộ nơi cư trú, vì hiện nay ở nhiều nơi vấn đề này đang thực hiện khá lỏng lẻo, hình thức.
Ngoài ra, các ý kiến cũng thống nhất với nội dung về trách nhiệm của Đảng viên, theo đó Đảng viên phải bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, đấu tranh với các hành vi xuyên tạc, vu khống, hạ thấp uy tín của tổ chức Đảng.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị dự thảo các văn kiện cần nhấn mạnh nội dung về việc thường xuyên kiện toàn các cấp ủy, tiếp tục nêu gương của Ban Chấp hành Trung ương, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, nhất là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các đồng chí bí thư chi bộ, kiên quyết loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất.
|
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch MTTQ Việt Nam phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
|
Cùng với việc khẳng định vai trò cầm quyền của Đảng trong dự thảo các văn kiện, các đại biểu đề nghị cần sớm thể chế, cụ thể hóa pháp luật về vai trò lãnh đạo và hoạt động của Đảng; tăng cường vai trò giám sát của nhân dân, thực hiện tốt các biện pháp để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; bổ sung, hoàn thiện cơ chế pháp luật về quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước; làm rõ cơ chế Đảng lãnh đạo và mối quan hệ Đảng-Nhà nước-nhân dân, đảm bảo cân đối các thành tố trong sự phát triển chung.
Kiên quyết lập lại quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn
Đóng góp vào dự thảo các văn kiện, Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, thời gian qua, Đảng ta đã rất quyết tâm trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức tổ chức và cán bộ, kết quả này được nhân dân rất ghi nhận.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Lân Dũng, tình trạng các vụ án mà người phạm tội là đảng viên còn rất phổ biến.
“Các vụ án gây thất thoát hàng tỷ đồng, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng đều liên quan đến những cán bộ đảng viên, cho thấy tính đảng chưa được các đảng viên và các tổ chức Đảng quan tâm thật sự đúng mức,” ông Nguyễn Lân Dũng bày tỏ.
Nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư,” theo ông Nguyễn Lân Dũng, đó là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên, bởi: “Đảng viên đi trước làng nước theo sau, nếu đảng viên đều thật sự quán triệt lời dạy thì làm sao có thể làm mất uy tín cho mình, tổn thương uy tín của Đảng.”
Do đó, ông Nguyễn Lân Dũng đề nghị các chi bộ Đảng cần có trách nhiệm cao hơn, thực sự nghiêm túc trong việc quản lý đảng viên, kể cả đảng viên đang giữ cương vị cao trong Đảng ở cơ quan Nhà nước.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hậu, Ủy viên Hội đồng Tư vấn về Khoa học, Giáo dục và Môi trường của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá: Vấn đề đấu tranh chống tham nhũng đã được dự thảo các báo cáo nêu khá đầy đủ, với tinh thần phòng, chống kiên quyết, kiên trì.
Song, theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Hậu, để đạt được hiệu quả cụ thể hơn, các dự thảo văn kiện cần có thêm nội dung đi sâu vào nguồn gốc của hiện tượng tham nhũng, lãng phí, đó chính là chủ nghĩa quan liêu, bởi chống chủ nghĩa quan liêu cũng là một trong những thành tố quan trọng trong quá trình chủ động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
“Chủ nghĩa quan liêu sản sinh ra tệ độc đoán, chuyên quyền, chủ quan duy ý chí, gia trưởng phong kiến, xa dân, thói đặc quyền đặc lợi, lợi ích nhóm..., đó là mảnh đất dung dưỡng nạn tham nhũng, lãng phí. Do vậy để chống tham nhũng tận gốc, cần phải chống chủ nghĩa quan liêu, chống chính sách và cơ chế quan liêu, chống tác phong lãnh đạo, chống việc quản lý quan liêu,” ông Trần Hậu nhấn mạnh.
Trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, theo ông Trần Hậu, cần kiên quyết xử lý những vụ tham nhũng lớn, nhưng không xem nhẹ chống tham nhũng vặt-vấn đề gây nhức nhối đối với cuộc sống hằng ngày của người dân, gây ảnh hưởng tới lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Đồng nhất với ý kiến của Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Hậu, ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam cho rằng, tham nhũng, quan liêu là một trong những vấn nạn nghiêm trọng nhất cần phải được khắc phục trong Đảng: “Tham nhũng làm suy giảm lòng tin của người dân, bệnh quan liêu khiến dân bất bình rồi xa rời chế độ-đó là sự nguy hiểm chết người. Tham nhũng, lãng phí như con đỉa hai vòi, một vòi hút máu nhân dân, vòi kia là piston đẩy của cải của nhân dân ra sông ra biển.”
Theo ông Vũ Trọng Kim, có nhiều nguyên nhân sinh ra tệ nạn tham nhũng, song chủ yếu là do thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực, do đó, cần kiên quyết lập lại quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị để lấy lại tự trọng, liêm sỉ, thực hiện kỷ luật sắt cho người cán bộ, đảng viên; mặt khác, phải kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của họ và công khai cho nhân dân giám sát, tránh bệnh hình thức như lâu nay./.
Nguồn: TTXVN