Xây dựng Tràng An xứng tầm di sản thế giới - Bài 2: Phát huy giá trị của di sản
Vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của bến đò Tràng An. (Ảnh: TTXVN)

Vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của bến đò Tràng An. (Ảnh: TTXVN)

Với lợi thế cạnh tranh đó, tỉnh Ninh Bình bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả, bền vững với mục tiêu biến di sản thành tài sản để Tràng An tiếp tục là điển hình mẫu mực về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng Ninh Bình trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo của UNESCO.

Tài nguyên du lịch đặc sắc, khác biệt

Sự đa dạng về văn hóa, thiên nhiên và thẩm mỹ của Quần thể danh thắng Tràng An cộng hưởng với hệ thống các lễ hội, làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực… là nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc, mang tính đặc trưng văn hóa Việt Nam, nguồn lực quan trọng, tạo thế mạnh và sự khác biệt của du lịch Ninh Bình.

Tại Quần thể danh thắng Tràng An hiện có các lễ hội truyền thống như lễ hội Cố đô Hoa Lư, lễ hội Đức thánh Quý Minh Đại Vương, lễ hội đền Thái Vi… cùng nghề thủ công truyền thống rất phát triển. Trong đó, nghề thêu ren (huyện Hoa Lư) có từ thời nhà Trần với nhiều sản phẩm đặc sắc, mang đậm nét văn hóa Việt, được du khách ưa chuộng, tạo uy tín tại thị trường các nước phát triển Tây Âu và có thị trường vững chắc ở những thành phố lớn trong nước; nghề chạm khắc đá (huyện Hoa Lư) là nghề thủ công mỹ nghệ nổi tiếng của Ninh Bình…

Theo Tiến sỹ, Kiến trúc sư Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Viện Nhà ở và Phát triển đô thị, Viện Kiến trúc Quốc gia, với tiềm năng to lớn về hệ thống di sản văn hóa và di sản thiên nhiên như vậy, các di sản tại Ninh Bình đang rất được quan tâm thông qua việc thực hiện các dự án bảo tồn di sản, văn hóa. Chắc chắn đó sẽ là nguồn lực quan trọng không thể thiếu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trên con đường hội nhập và phát triển. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm du lịch, loại hình du lịch gắn với phát huy giá trị di sản, văn hóa được các địa phương khai thác thành công đang tạo nên dấu ấn trên bản đồ văn hóa du lịch quốc gia, quốc tế như: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch thắng cảnh, trải nghiệm; du lịch thể thao…

Chị Đào Minh Lan, du khách đến từ Đà Nẵng bày tỏ sự hài lòng khi tham quan, trải nghiệm tại Ninh Bình. Chị Minh Lan cho rằng, Ninh Bình có nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng mang đậm thương hiệu địa phương gắn với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, di sản. Chính điều này tạo nên sự độc đáo của du lịch Ninh Bình, góp phần thu hút và tạo ấn tượng tốt với du khách khi đến đây.

Nhiều sự kiện, lễ hội văn hóa, ẩm thực được xây dựng và phát triển thành sản phẩm du lịch nổi bật như: Lễ hội Hoa Lư, lễ hội Tràng An, Tuần du lịch sắc vàng Tam Cốc - Tràng An, sản phẩm thịt dê, cơm cháy… đã đưa Ninh Bình trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam, được các chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế đánh giá, bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn.

Với tiềm năng to lớn về hệ thống di sản văn hóa và thiên nhiên là cơ hội để Ninh Bình phát triển bền vững, mở rộng giao lưu văn hóa, kinh tế với các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh, du lịch di sản được xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh. Ninh Bình đang đẩy mạnh quảng bá, khai thác giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới Tràng An để tạo ra sản phẩm mang màu sắc, đặc trưng riêng của vùng đất cố đô Hoa Lư.

Phát triển kinh tế di sản, tạo sinh kế bền vững

Khung cảnh đền Trần (thuộc Quần thể danh thắng Tràng An) nhìn từ trên cao, nơi cảnh đẹp gắn liền với lịch sử kinh đô nước Đại Cồ Việt. (Ảnh: TTXVN)

Khung cảnh đền Trần (thuộc Quần thể danh thắng Tràng An) nhìn từ trên cao, nơi cảnh đẹp gắn liền với lịch sử kinh đô nước Đại Cồ Việt. (Ảnh: TTXVN)

Sau 10 năm di sản Tràng An được vinh danh đã mang lại giá trị kinh tế lớn cho chính quyền và cộng đồng địa phương. Ninh Bình lựa chọn mô hình quản lý bảo tồn nguyên vẹn, bền vững giá trị của di sản và phát huy các giá trị đó vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Có thể thấy, phát triển du lịch di sản ở Ninh Bình đã thu được những thành công nhất định, qua đó góp phần khẳng định chỉ khi di sản được sử dụng, khai thác để phát triển mới là di sản sống. Bà Simona Mirela Miculescu, Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO nhấn mạnh, nhờ cách tiếp cận đa bên và hợp tác sáng tạo, Tràng An trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế và du lịch bền vững.

Ngày 23/8/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TƯ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2030. Trong đó mục tiêu đến năm 2025 sẽ thực hiện hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, đồng thời sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gắn với định hình tính chất đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là "Đô thị di sản thiên niên kỷ", dựa trên các giá trị độc đáo về địa tự nhiên - sinh thái, văn hóa - lịch sử, sở hữu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, nằm trong mục tiêu chung đưa tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương.

Để chuyển hóa giá trị di sản sang giá trị kinh tế, trong Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 4/3/2024 xác định phương án phát triển du lịch ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển các khu du lịch dựa vào giá trị di sản. Trong đó, Khu Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An là trung tâm du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh hàng đầu của Việt Nam, mang tầm quốc tế.

Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, từ khi Tràng An được vinh danh là Di sản thế giới, cơ quan quản lý Nhà nước của tỉnh thực hiện đầy đủ các khuyến nghị của UNESCO. Từ việc củng cố bộ máy tổ chức và tăng cường vai trò, chức năng, nhiệm vụ đến bổ sung nguồn nhân lực, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý di sản; xây dựng, ban hành văn bản luật, quy chế bảo vệ các di sản thế giới; xây dựng và thực thi các Kế hoạch quản lý; quy hoạch, đầu tư nguồn lực tài chính để triển khai dự án bảo vệ, tu bổ, tôn tạo, ngăn chặn nguy cơ tác động, ảnh hưởng xấu tại di sản thế giới. Đặc biệt, việc phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ, du lịch; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học… được chú trọng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ, phát huy các giá trị di sản tại Ninh Bình, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước, địa phương, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng quê trong vùng di sản.

Hoạt động du lịch ở khu vực di sản mang lại nhiều lợi ích về mặt bảo tồn và phát triển cộng đồng, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên tự nhiên, văn hóa, lịch sử thông qua sự kết nối, tham gia của người dân trong cộng đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ninh Bình đón gần 6,3 triệu lượt khách, doanh thu đạt gần 6.000 tỷ đồng, gấp hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến Quần thể danh thắng Tràng An chiếm tỉ lệ rất cao. Điều này cho thấy di sản có tiềm năng lớn trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững, giảm nghèo và cải thiện sinh kế bền vững của cộng đồng địa phương.

Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, sự xuất hiện các cơ hội kinh tế tại nhiều địa phương có ý nghĩa nổi bật và tạo ra nhiều hình thức việc làm mới. Ninh Bình với mục tiêu xây dựng “Ðô thị di sản thiên niên kỷ”, cần thiết phát triển các cơ chế đặc thù thúc đẩy hợp tác công - tư song hành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội như một cách tiếp cận bền vững. Cách tiếp cận này coi di sản là nguồn lực cho phát triển lâu dài, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ và hướng tới đối tượng thụ hưởng chính là người dân địa phương.

Bài cuối: Bảo tồn và phát huy giá trị nổi bật toàn cầu

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất