"Vui Tết Độc lập" – Lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống
Xuống chợ cùng đồng bào vùng cao là hoạt động điểm nhấn tại chương trình

Xuống chợ cùng đồng bào vùng cao là hoạt động điểm nhấn tại chương trình "Vui Tết Độc lập" năm 2024 ở Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam. (Ảnh: BTC)

Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh 2/9, từ ngày 31/8 - 3/9/2024, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn với sự tham gia của gần 300 nghệ nhân, đồng bào, nghệ sĩ, diễn viên quần chúng của 16 dân tộc anh em đang sinh sống tại Làng như Nùng, Tày (Thái Nguyên); Dao (Tp. Hà Nội); Mông (Hà Giang); Mường (Hoà Bình); Lào, Thái, Khơ Mú (Sơn La); Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); Ba Na, Gia Rai (Gia Lai); Xơ Đăng (Kon Tum), Raglai (Ninh Thuận), Ê Đê (Đắk Lắk), Khmer (Sóc Trăng)….

Hoạt động điểm nhấn đầu tiên là tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc phía Bắc với chủ đề “Chợ phiên vùng cao - Vui Tết độc lập” tạo không khí đậm nét chợ vùng cao cho du khách đi chợ. Du khách sẽ được trải nghiệm không khí xuống chợ của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Thái… vui Tết độc lập. Cùng với đó là các hoạt động giới thiệu nghệ thuật múa khèn của dân tộc Mông, tỉnh Thái Nguyên, một nhạc cụ độc đáo thể hiện nghi thức, tín ngưỡng truyền thống và là vật linh thiêng trong các nghi thức lễ hội của dân tộc Mông.

Đến với ngôi nhà chung 54 dân tộc anh em dịp Quốc khánh, du khách còn được trải nghiệm trình diễn giã bánh dày của dân tộc Mông, tỉnh Thái Nguyên. Đây là món bánh cổ truyền được làm từ gạo nếp nương, không thể thiếu trong dịp lễ Tết của đồng bào Mông gắn với những câu chuyện truyền thuyết về gốc sinh ra con người và muôn loài trên Trái đất.

Cũng trong dịp này còn tái hiện các lễ hội truyền thống như lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Nùng, tỉnh Thái Nguyên, nghi lễ gội đầu của dân tộc Thái, tỉnh Sơn La ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc.

Giới thiệu nghề làm tranh dân gian Đông Hồ

Giới thiệu nghề làm tranh dân gian Đông Hồ

Đặc biệt là chương trình “Không gian Bắc Ninh trong lòng Hà Nội”, giới thiệu các giá trị tiêu biểu về di sản văn hóa và du lịch Bắc Ninh. Khu trưng bày “Không gian văn hóa, du lịch Bắc Ninh trong lòng Hà Nội'' năm 2024 gồm 30 gian hàng cách điệu mang nét kiến trúc và hình ảnh làng quê Bắc Ninh - Kinh Bắc.

Trong 3 ngày từ 31/8- 2/9 các nghệ nhân, liền anh, liền chị Câu lạc bộ Quan họ sẽ cùng giao lưu, biểu diễn dân ca Quan họ, trình diễn têm trầu cánh phượng. Điểm thú vị là du khách có thể khoác lên mình những bộ trang phục Quan họ truyền thống để giao lưu, hóa thân thành những liền anh với khăn xếp, áo the và những liền chị duyên dáng trong bộ áo mớ ba, mớ bảy, đội nón thúng quai thao, cùng nhau hát đối những câu ca mộc mạc, đằm thắm, thể hiện nét văn hóa tinh tế của người Quan họ.

Khu trưng bày sẽ diễn ra nhiều hoạt động nổi bật, sôi động như: Các hoạt động trải nghiệm làm nghề truyền thống tranh dân gian Đông Hồ, mây tre đan Xuân Lai, gốm Phù Lãng, đồng Đại Bái...; Các hoạt động giới thiệu chương trình kích cầu du lịch, khuyến mại, giảm giá các tour du lịch, dịch vụ du lịch của các Công ty lữ hành, khách sạn…; Các hoạt động chế biến và giới thiệu sản phẩm ẩm thực nổi tiếng của Bắc Ninh như bánh tẻ làng Chờ, nem Bùi Xá, bánh phu thê Đình Bảng, phở gan cháy Đáp Cầu, bánh đúc riêu cua…

Giới thiệu ẩm thực truyền thống của Bắc Ninh. (Ảnh: BTC)

Giới thiệu ẩm thực truyền thống của Bắc Ninh. (Ảnh: BTC)

Đặc biệt, đến với “Không gian Bắc Ninh trong lòng Hà Nội” du khách được thưởng thức các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống đa dạng và phong phú như: trình diễn Di sản Dân ca Quan họ, trình diễn nghi lễ và trò chơi Kéo co bằng tre làng Hữu Chấp, múa rối nước Đồng Ngư, … do các nghệ sỹ và nghệ nhân đến từ các câu lạc bộ trong tỉnh trình diễn.

“Vui Tết Độc lập” năm 2024 sẽ là dịp để du khách cảm nhận và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Việt Nam./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất