Vang mãi điệu cồng chiêng xứ Quảng
Lễ khai mạc Liên hoan “Âm vang cồng chiêng” huyện Nam Giang lần thứ VI năm 2024 với chủ đề “Nam Giang - Lung linh sắc màu văn hóa”. (Ảnh: Thủy Lê)

Lễ khai mạc Liên hoan “Âm vang cồng chiêng” huyện Nam Giang lần thứ VI năm 2024 với chủ đề “Nam Giang - Lung linh sắc màu văn hóa”. (Ảnh: Thủy Lê)

Để tiếng cồng chiêng vang xa

Huyện biên giới Nam Giang là nơi sinh sống của hơn 26 ngàn người dân, trong đó có hơn 80% là đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng... Cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện sở hữu nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc đang được giữ gìn, phát huy trong đời sống, sinh hoạt của người dân địa phương. Trong đó có những hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào DTTS tại chỗ như cồng chiêng, nghệ thuật nói lý - hát lý và hệ thống các nghi lễ, âm nhạc, ẩm thực phong phú gắn liền với việc diễn tấu cồng chiêng và vũ điệu tung tung da dá.

Triển khai thực hiện theo Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, thời gian qua, lãnh đạo huyện Nam Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các địa phương của huyện đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả để nâng cao nhận thức trong cộng đồng trên địa bàn. Theo đó, các ban, ngành chức năng và UBND của 11 xã, thị trấn Thạnh Mỹ trên địa bàn huyện Nam Giang đã tích cực triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả thông qua tuyên truyền trực quan như hệ thống phát thanh-truyền hình, băng rôn, khẩu hiệu... Bên cạnh đó, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa có ý nghĩa gắn với hoạt động “không gian văn hóa cồng chiêng” như tổ chức các cuộc thi kể truyện cổ tích, trình diễn dệt thổ cẩm, thi ẩm thực truyền thống của các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng, tổ chức môn thể thao truyền thống như bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy...

Một điểm nhấn đặc biệt ghi dấu nỗ lực của địa phương và người dân trong việc bảo tồn, tôn vinh văn hóa truyền thống là việc tổ chức định kỳ 2 năm/lần Liên hoan “Âm vang cồng chiêng” của huyện Nam Giang. Mỗi kỳ liên hoan thực sự là ngày hội của đồng bào, người dân Nam Giang, thu hút hàng trăm nghệ nhân, diễn viên, già làng, trưởng bản và đồng bào các dân tộc của 12 xã, thị trấn tham gia với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, phong phú.

Để bảo tồn không gian văn hóa, môi trường diễn xướng cồng chiêng gắn với hệ thống các nghi lễ, lễ hội, hoạt động văn hóa-văn nghệ, du lịch trên địa bàn, lãnh đạo huyện Nam Giang còn quan tâm dành kinh phí hỗ trợ, cấp cồng chiêng cho các thôn, làng đồng bào DTTS; thành lập và duy trì tập luyện, biểu diễn của các câu lạc bộ, đội, nhóm cồng, chiêng, văn nghệ quần chúng; thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với các đội cồng chiêng có thành tích tiêu biểu. Năm 2024, đã tổ chức biểu diễn 4 nghi thức truyền thống gồm: Lễ mừng lúa mới của đồng bào Giẻ Triêng tại xã Đắc Tôi; Lễ cưới truyền thống của đồng bào Cơ Tu tại xã Tà Bhing; Lễ cưới truyền thống của đồng bào Giẻ Triêng của xã Đắc Pre và Lễ cúng đất lập làng của đồng bào Cơ Tu của xã Zuôih. Các hoạt động biểu diễn này thu hút hàng ngàn người dân và du khách tham gia. Ngoài ra, huyện Nam Giang cũng tổ chức 4 lớp truyền dạy kỹ năng sử dụng cồng, trống chiêng cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện, với sự tham gia của 10 nghệ nhân truyền dạy và 238 học viên tham gia; 1 lớp tập huấn truyền dạy hát lý, nói lý cho đồng bào Cơ Tu và Giẻ Triêng. Đồng thời tiếp tục mua sắm, trang bị bộ cồng trống chiêng và âm thanh phục vụ cho hoạt động của nhà văn hóa các thôn.

Với sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành, các giá trị văn hóa cồng chiêng của các DTTS trên địa bàn huyện Nam Giang đang từng bước được bảo tồn, phát huy có hiệu quả. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung.

Còn đó những trăn trở

Văn hóa truyền thống và tập tục của đồng bào các dân tộc thường mang các yếu tố về con người và tâm linh vũ trụ, hội tụ các giá trị về vật thể và phi vật thể. Cuộc sống đời thường đã tạo nếp sống riêng biệt, giúp đồng bào vùng cao thích ứng và gần gũi với cuộc sống hoang dã đầy màu sắc. Vì thế, ngoài văn hóa cồng chiêng, đồng bào Cơ Tu còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo khác như: nghề dệt thổ cẩm, kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc, đan lát, điệu nói lý - hát lý... trở thành những di sản, nét đẹp trong đời sống văn hóa của đồng bào vùng cao.

Tái hiện lễ cưới người Ve tại Liên hoan “Âm vang cồng chiêng” huyện Nam Giang lần thứ VI năm 2024. (Ảnh: Thủy Lê)

Tái hiện lễ cưới người Ve tại Liên hoan “Âm vang cồng chiêng” huyện Nam Giang lần thứ VI năm 2024. (Ảnh: Thủy Lê)

Đặc biệt, không gian văn hóa cồng chiêng của các DTTS có liên quan đến hàng loạt các loại hình di sản văn hóa khác như: kiến trúc (nhà cửa), phong tục tập quán (thói quen sinh hoạt, ứng xử xã hội), tín ngưỡng (đời sống tâm linh), ẩm thực (đồ ăn thức uống)... Hoạt động diễn tấu cồng chiêng cũng gắn liền với trang phục, nghi lễ dân gian, ẩm thực, không gian kiến trúc... Vì vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng, ngoài những việc cụ thể liên quan mang tính vật chất, kỹ thuật thì một điều hết sức quan trọng mà gần đây chúng ta chưa chú trọng, đó là việc phục dựng lại môi trường, không gian diễn tấu cồng chiêng, vì đây là nền tảng đầu tiên tạo nên giá trị của di sản không gian văn hóa cồng chiêng. Nếu những lễ hội mất dần đi, những điểm sinh hoạt văn hóa dân gian của buôn làng cứ phai nhạt theo thời gian thì rõ ràng tiếng cồng chiêng không cất lên được. Một khi tiếng chiêng không cất lên thì làm sao còn thể hiện được những giá trị văn hóa của nó, kể cả vấn đề lễ nghi, phong tục, tập quán... Do vậy, việc phục dựng lại các lễ hội, môi trường diễn tấu cồng chiêng trong cộng đồng buôn làng các DTTS là yếu tố cần thiết và tiên quyết. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần quan tâm, tạo điều kiện, định hướng để bà con các dân tộc bản địa phát huy vai trò chủ thể của mình trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng.

Trong tương lai không xa, với tình yêu mãnh liệt của cộng đồng người Cơ Tu, Ve, Tà Riềng nơi miền Tây xứ Quảng, cộng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các địa phương, tiếng cồng chiêng sẽ còn tiếp nối, vang mãi giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ này./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất