(TTĐN) - Bản sắc văn hóa là giá trị cốt lõi, thể hiện tâm hồn, sức mạnh của dân tộc. Văn hóa dân tộc không chỉ là biểu tượng của sự trường tồn, mà còn là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc mà thanh niên sẽ là người tiếp tục giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đó. Do vậy, để giữ gìn văn hóa truyền thống, các nghệ nhân ở huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) đã luôn nỗ lực truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số.
|
Thanh niên S’tiêng xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú hăng say luyện tập đánh cồng, chiêng. (Ảnh: Thúy Hạnh)
|
Là huyện có địa bàn rộng nên trước đây, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, người dân ở huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước sống không tập trung. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Nhờ tinh thần đoàn kết nên tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đã đạt nhiều kết quả tích cực. Từ đó, huyện đã huy động mọi nguồn lực từ Trung ương đến địa phương, vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, xã hội để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của 17 thành phần đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát huy lợi thế số người ở độ tuổi thanh niên chiếm 20% dân số, trong đó có 22 cơ sở đoàn với 2.779 đoàn viên, huyện Đồng Phú đã chú trọng công tác tuyên truyền để thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số tự hào và ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong bảo tồn, giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần xây dựng một Đồng Phú văn minh nghĩa tình và giàu bản sắc.
Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, các thanh thiếu niên người dân tộc S’tiêng lại tập trung tại Nhà văn hóa ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú hăng say luyện tập đánh cồng, chiêng. Người già chỉ bảo cho lớp trẻ. Người học trước lại kèm cho người học đến sau. Cứ như thế, thu hút được nhiều thanh niên tham gia và có thể sử dụng thành thạo các bài chiêng của dân tộc mình. Anh Điểu Kha, ở xã Thuận Lợi vui vẻ nói: “Mới đầu học, tôi thấy rất khó khăn. Ví dụ, mỗi người một tiếng đánh chiêng khác nhau nên tôi phải lắng nghe chăm chú từng chi tiết, rồi từ từ tôi đã đánh được”.
Với đồng bào dân tộc S’tiêng, cồng, chiêng là tài sản vô giá, là biểu tượng cho sức mạnh vật chất lẫn tinh thần. Vì vậy, người dân ở Thuận Tiến biết đánh cồng chiêng, đang từng ngày nỗ lực chỉ dạy cho thế hệ trẻ như một cách truyền lửa để lớp kế cận có lòng đam mê, tình yêu với cồng chiêng, với văn hóa truyền thống. Anh Điểu Ênh, ở xã Thuận Lợi chia sẻ: “Tôi cũng học hỏi theo người trước về truyền thống văn hóa của mình. Mong muốn của tôi được giao lưu văn hóa giữa các dân tộc”.
Đồng thời, khi người Tày, Nùng ở các tỉnh phía Bắc vào Đồng Phú lập nghiệp những năm 1990, tài sản họ mang theo là đàn tính và hát Then. Họ coi đó là món ăn tinh thần không thể thiếu, động viên mọi người hăng say lao động, sản xuất. Từ đó, các câu lạc bộ lần lượt ra đời, cùng tập luyện biểu diễn, đem lời ca tiếng hát phục vụ người dân trong các sự kiện trọng đại của địa phương. Nhằm giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa dân tộc, câu lạc bộ hát Then xã Đồng Tiến mỗi tháng sinh hoạt một lần tại nhà văn hóa ấp và duy trì đều đặn qua các năm. Trong đó, nhiều em học sinh, các bạn trẻ đã tham gia tích cực, là những hạt nhân để các nghệ nhân truyền dạy, tổ chức các hoạt động diễn xướng.
Được truyền lửa đam mê, em Lương Ngọc Mai, ở xã Đồng Tiến được các bà, các cô trong câu lạc bộ đàn tính, hát Then dạy đàn, dạy hát từ năm 12-13 tuổi. Đến nay, Mai có thể đàn, hát được những bài truyền thống và được tham gia biểu diễn ở những sân khấu trong và ngoài tỉnh. Lương Ngọc Mai tự hào nói: "Đàn tính, hát Then là một loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc Tày, Nùng chúng em. Khi được mặc lên mình trang phục của dân tộc mình để biểu diễn, em cảm thấy rất hãnh diện và tự hào, vì em đã giới thiệu cho bạn bè, du khách thấy được sự đặc sắc và đa dạng văn hóa của dân tộc mình”.
Không chỉ kế thừa, “giữ lửa” mà lớp trẻ còn góp phần phát huy, lan tỏa mạnh mẽ văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Tại các kỳ liên hoan văn hóa, văn nghệ quần chúng của huyện, người xem ấn tượng về một vùng đất hội tụ nhiều nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, qua các câu lạc bộ văn hóa cồng chiêng dân tộc S’tiêng, câu lạc bộ văn nghệ dân tộc Tày...
|
Em Lương Ngọc Mai (thứ 2, từ phải sang) luyện tập đàn tính, hát Then tại câu lạc bộ hát Then. (Ảnh: Thúy Hạnh)
|
Phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển mạnh, hiện nay, 11 xã, thị trấn ở huyện Đồng Phú đều đã thành lập các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ. 73 ấp, khu phố có các đội, nhóm hoạt động theo sở thích về văn hóa. Nhưng tỷ lệ lớp trẻ tham gia sinh hoạt chưa cao, chưa trở thành những hạt nhân nòng cốt.
Phó Bí thư Huyện đoàn Đồng Phú, chị Đoàn Thị Nhuần cho biết: “Chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên trong việc giữ gìn và xây dựng nền văn hóa. Thông qua các buổi tọa đàm, các chương trình về nguồn, các lớp tập huấn, chúng tôi vận động thanh niên xây dựng và thành lập các câu lạc bộ sở thích về văn hóa để tạo ra một môi trường, sân chơi sinh hoạt. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho các cán bộ đoàn, hội. Lực lượng cán bộ đoàn, hội sẽ định hướng và hướng dẫn thanh niên tiếp cận, chung tay xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc”.
Cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tuổi trẻ huyện Đồng Phú thể hiện sự quyết tâm, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo trong bảo tồn và phát triển văn hóa, xây dựng hình mẫu con người Đồng Phú năng động, nghĩa tình, văn minh, thân thiện./.
Thúy Hạnh
Nguồn: bienphong.com.vn