|
Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Hoàng Hiếu)
|
“…Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Tổ quốc không mất tên Anh
Chỉ lặng thầm nhận về mình nỗi đau xanh cùng năm tháng…”
Đất nước đã thống nhất, hòa bình nhưng những nỗi đau chiến tranh để lại vẫn hiện hữu. Biết bao gia đình đến nay vẫn khắc khoải ngóng trông, mỏi mòn tìm hài cốt người thân.
Hàng vạn liệt sỹ vẫn nằm lại nơi điệp trùng rừng núi, hay dưới những thung sâu. Ở nhiều nghĩa trang vẫn có những ngôi mộ “liệt sỹ chưa xác định được danh tính”. Tìm kiếm, quy tập và trả lại tên cho liệt sỹ chính là mệnh lệnh trái tim, là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Nỗi day dứt trả lại tên cho liệt sỹ
Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên ở Hà Giang có hơn 2.000 ngôi mộ liệt sỹ là những người đã từng anh dũng chiến đấu và hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong đó có hàng trăm mộ chưa xác định được thông tin.
Những ngày tháng Bảy này, hương khói vấn vít quanh Đài hương và các phần mộ liệt sỹ như khẳng định, đồng bào, nhân dân cả nước không bao giờ quên sự hy sinh anh dũng để bảo vệ từng tấc đất Tổ quốc của các anh hùng, liệt sỹ.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang Phạm Ngọc Dũng, trong tổng số hơn 2.900 mộ liệt sỹ ở 9 nghĩa trang theo dọc biên giới của tỉnh có hơn 1.600 mộ là liệt sỹ có danh tính, còn lại hơn 1.300 phần mộ liệt sỹ "thiếu một phần hoặc chưa xác định được danh tính thông tin". Do hoàn cảnh chiến tranh để lại nên việc này là nỗi day dứt đối với những gia đình, thân nhân liệt sỹ, đồng đội họ và của cả tỉnh Hà Giang.
Ông Phạm Ngọc Dũng cũng khẳng định tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ là việc làm hết sức ý nghĩa, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm và thể hiện sâu sắc đạo lý, truyền thống "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc đối với công lao to lớn của các anh hùng, liệt sỹ.
|
Thắp hương tưởng nhớ các liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. (Ảnh: Minh Tâm)
|
Tỉnh Hà Giang đã, đang tập trung chỉ đạo thực hiện công tác này. Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã giao cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện phương án điều tra thông tin về liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ, phối hợp với các ngành bên Quân đội, các huyện và nhân dân trên địa bàn rà soát và phát hiện, quy tập hài cốt liệt sỹ về các nghĩa trang ở tỉnh.
Các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, tích cực, hiệu quả công tác này. “Phương châm của tỉnh là làm dứt điểm, rõ thông tin trước, phát hiện đến đâu, làm ngay đến đó; từng bước kết luận địa bàn, khoanh vùng các khu vực trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên tìm kiếm, quy tập; tổ chức khảo sát tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ dứt điểm tại địa bàn các xã biên giới huyện Vị Xuyên. Đặc biệt là chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong giám định ADN nhằm xác định danh tính các liệt sỹ còn thiếu thông tin”, ông Phạm Ngọc Dũng cho biết.
Không chỉ ở Hà Giang, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin là chủ trương, nhiệm vụ chính trị thiêng liêng của Đảng, Nhà nước cũng như của toàn quân và toàn dân.
Trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, đất nước ta có khoảng 1,2 triệu người con ưu tú ngã xuống, hiện còn gần 200.000 hài cốt liệt sỹ chưa được tìm thấy và gần 300.000 liệt sỹ chưa xác định được danh tính. Ngay từ sau năm 1975, Đảng, Nhà nước và Quân đội đã tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt bộ đội hy sinh tại chiến trường về các nghĩa trang liệt sỹ để chăm lo hương khói. Song, đây là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp vì có rất nhiều liệt sỹ hy sinh từ thời chống Pháp, ở nhiều địa bàn cả trong nước và ngoài nước.
Sau chiến tranh, địa giới hành chính các tỉnh, thành phố cũng có nhiều thay đổi, một số đơn vị chiến đấu trước đây nay đã giải thể, sáp nhập, cơ động về các địa bàn khác. Nhân chứng lịch sử người còn, người mất, tuổi cao, trí nhớ suy giảm; địa hình đồi núi phức tạp, còn sót lại nhiều bom, mìn, vật cản.
Trong chiến tranh, việc chôn cất, an táng hài cốt liệt sỹ và quản lý hồ sơ báo tử chưa được lập sơ đồ đầy đủ. Một bộ phận không nhỏ mộ không có hài cốt hoặc mẫu đã được chôn cất trong thời gian quá dài không có khả năng giám định hoặc chất lượng ADN còn lưu lại kém.
Bên cạnh đó, trang thiết bị giám định của các đơn vị đã quá cũ, chưa được tự động hóa, thường xuyên hỏng hóc, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ phân tích. Thậm chí, một số kết quả giám định có sự trùng lặp ngẫu nhiên về AND, có trường hợp một mẫu hài cốt liệt sỹ trùng lặp với trên 20 thân nhân liệt sỹ ở các tỉnh khác nhau dẫn tới việc phân tích mất rất nhiều thời gian mới ra kết quả.
Mở ra hy vọng xác định danh tính liệt sỹ
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, thời gian qua, Bộ đã chủ động phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, các cơ quan, chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu, đề ra các giải pháp nhằm tăng cường xử lý vấn đề xác định danh tính hài cốt liệt sỹ. Trong đó, đã tiếp nhận và khai thác kết quả giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị Quân đội trong chiến tranh để xác định địa điểm liệt sỹ hy sinh, phục vụ cho việc xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt ngân hàng gene (ADN) liệt sỹ chưa xác định được thông tin. (Ảnh: Dương Giang)
|
Việt Nam cũng nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm thông qua việc hợp tác với Chính phủ Argentina trong vấn đề nhân chủng học và giám định pháp y; Bản ghi nhớ ý định về việc Mỹ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực định danh hài cốt trong chiến tranh được ký giữa Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ...
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hai đề án liên quan việc quy tập và xác minh hài cốt, danh tính liệt sỹ, đó là: Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo (Đề án 1237) do Bộ Quốc phòng triển khai; Đề án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin (Đề án 150) do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội triển khai.
Đề án 150 được thực hiện chủ yếu với phương pháp giám định ADN và thực chứng. Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sỹ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sỹ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sỹ để báo tin về cho thân nhân liệt sỹ.
Thực hiện kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin đến năm 2030, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chuyển đổi Số Quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, trên nền tảng hiện nay, các đơn vị đã lưu trữ được số liệu của trên 25 ngàn dữ liệu ADN hài cốt liệt sỹ và thân nhân.
Hiện nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an đề xuất Chính phủ xây dựng và ra mắt Ngân hàng Gene (ADN) liệt sỹ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sỹ. Việc thực hiện lấy mẫu ADN chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân trực tiếp của các liệt sỹ chưa xác định thông tin để giám định, lưu trữ trong Ngân hàng Gene sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin.
“Đây là việc làm rất có ý nghĩa, rất linh thiêng, phải chạy đua với thời gian, càng làm càng nhanh càng tốt vì thời gian không cho phép chúng ta kéo dài. Song đây cũng là nhiệm vụ nặng nề, gian nan, chúng ta làm bằng mệnh lệnh của trái tim trong hành trình tìm kiếm, trả lại tên cho các anh hùng, liệt sỹ.
Việc kết nối Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư và công nghệ ADN sẽ đem lại hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình, góp một phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thân nhân liệt sỹ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh./.
Hạnh Quỳnh
Nguồn: vietnamplus.vn