|
Đồng bào dân tộc thiểu số trình diễn nghệ thuật tại Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, tỉnh Bình Phước. (Ảnh: TTXVN)
|
Phát huy giá trị bản sắc văn hóa
Hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước sinh sống chủ yếu bằng nghề nông - lâm nghiệp, tập trung ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và có vị trí chiến lược quan trọng. Văn hóa truyền thống nơi đây khá đa dạng, chủ yếu tồn tại ở dạng văn hóa dân gian qua các loại hình như: âm nhạc, lễ hội, tín ngưỡng, ẩm thực, phong tục tập quán... Dù có sự tiếp nhận, giao thoa văn hóa của người Kinh và giữa các tộc người với nhau trong quá trình sinh sống nhưng đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn giữ được đặc thù riêng, mang bản sắc của từng cộng đồng.
Thời gian qua, các ban, sở, ngành, trong đó có ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cùng các địa phương đã tổ chức phục dựng nhiều lễ hội truyền thống. Bước đầu, các địa phương đã khôi phục và phát huy được nghề dệt thổ cẩm, đan lát, kỹ thuật chế biến rượu cần truyền thống; tổ chức truyền dạy cồng chiêng, biểu diễn nghệ thuật dân gian; triển khai khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Ngoài ra, các địa phương còn thực hiện tôn tạo, trùng tu các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh, bước đầu triển khai hiệu quả mô hình du lịch văn hóa như: Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy miền Nam Việt Nam…
Điển hình tại huyện biên giới Bù Đốp, cộng đồng dân tộc S’tiêng (xã Thiện Hưng) nhiều năm qua thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Ông Điểu Cần, Trưởng thôn Thiên Cư cho biết, trên địa bàn, dân tộc S’tiêng chiếm 76,5%. Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực, mục tiêu của sự phát triển bền vững, nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung nguồn lực triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”. Trong đó, chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn. Xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đồng bào các dân tộc thiểu số chủ động, tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
“Để phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cấp chính quyền, già làng, người có uy tín thường xuyên tuyên truyền, vận động để người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ ý thức trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Đồng thời, khôi phục và duy trì các lễ hội truyền thống như mừng lúa mới. Địa phương tạo điều kiện cho người cao tuổi, các nghệ nhân tham gia các buổi tuyên tuyền chia sẻ kinh nghiệm kiến thức về các lễ hội, làn điệu dân ca, múa hát cồng chiêng… cho các thế hệ trẻ học hỏi và noi theo”, ông Điểu Cần chia sẻ.
Trên địa bàn tỉnh Bình Phước, không ít thế hệ trẻ là đồng bào dân tộc thiểu số đã tiếp bước thế hệ trước để lưu truyền lại các nghề truyền thống của dân tộc. Những việc làm thầm lặng của nhiều cá nhân, tập thể đã giúp các địa phương phát huy nghề truyền thống của dân tộc thiểu số.
Bà Điểu Thị Xia là một trong những thế hệ 8X thực hiện tốt công tác gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc thiểu số. Hiện nay, bà Điểu Thị Xia (dân tộc S’tiêng) đang là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Minh (huyện Bù Đăng). Trong cộng đồng, bà được nhiều người biết đến khi đã xây dựng thành công thương hiệu với sản phẩm rượu cần truyền thống ở sóc Bom Bo huyền thoại, những sản phẩm thổ cẩm đa dạng, phong phú với nhiều họa tiết đặc sắc... Từ đó, góp phần giúp kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng Bình Phước được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo bà Điểu Thị Xia, từ thuở nhỏ, bà vốn có niềm đam mê, tự hào và yêu thích nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Bà yêu những hoa văn trang trí trên tấm thổ cẩm có nhiều nét vừa độc đáo, vừa quen thuộc như: Con người, núi rừng, muôn thú... Từ đó, bà bắt đầu học theo mẹ cách sử dụng khung cửi dệt thổ cẩm, cách nhuộm màu bông đã được se thành sợi, cách phối màu trên hoa văn. Bà còn học và đã nấu được rượu cần, canh thục, canh bồi, cơm lam.
Thời gian qua, trong thời gian nhàn rỗi, bà Xia luôn chủ động hướng dẫn, chỉ dạy cho con cháu về nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, cách chế biến các món đặc sản... Ngoài ra, bà còn thành lập hội nhóm phụ nữ trong sóc, trồng rau nhíp nhằm cải thiện bữa ăn gia đình và bán thực phẩm sạch cho các quán ăn, chợ, nhà hàng… tạo thêm nguồn thu nhập.
Khai thác các giá trị văn hóa truyền thống
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước Nguyễn Khắc Vĩnh cho biết, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn. Việc kiểm kê, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và việc đầu tư xây dựng các thể chế văn hóa cơ sở, nhất là vùng dân tộc miền núi chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn lực, nguồn nhân lực chất lượng cao trong công tác giữ gìn văn hóa phi vật thể đang còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc truyền dạy các di sản văn hóa phi vật thể, phục dựng các lễ hội truyền thống... chưa được triển khai sâu rộng ở các địa phương. Hoạt động khai thác các giá trị di sản văn hóa để tạo sản phẩm đặc trưng gắn với du lịch chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có…
Theo ông Nguyễn Khắc Vĩnh, để xây dựng và phát triển văn hóa Bình Phước đa dạng, bản sắc và hội nhập cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương. Các hoạt động tuyên truyền thông qua các liên hoan, hội thi, hội diễn, hoạt động sự kiện, giao lưu văn hóa, văn nghệ, dân ca, dân vũ… cần được đẩy mạnh. Tỉnh cần xây dựng cơ chế, chính sách thu hút học sinh, sinh viên là con em các dân tộc thiểu số học chính quy tại các trường văn hóa, nghệ thuật về công tác tại địa phương.
Ngoài ra, việc ứng dụng khoa học, công nghệ để nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình văn hóa truyền thống, đặc biệt là các loại hình có nguy cơ mai một, thất truyền rất cần thiết. “Số hóa dữ liệu” các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân ca, dân vũ, dân nhạc và các loại hình di sản truyền thống khác để phục vụ công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, quảng bá, quản lý và tuyên truyền. Tỉnh cần gắn kết chặt chẽ việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn với dịch vụ du lịch trong sự phát triển hài hòa, bền vững của các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng phát triển du lịch văn hóa lịch sử, nghỉ dưỡng, sinh thái, cộng đồng dựa trên các thế mạnh về các danh lam thắng cảnh, tài nguyên sinh thái rừng, văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số.
K gửiH
Nguồn: baotintuc.vn