Lễ Kathina - Nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của đồng bào Khmer
Một gia đình làm chủ Lễ Kathina cùng các phẩm vật dâng cúng cho nhà chùa

Một gia đình làm chủ Lễ Kathina cùng các phẩm vật dâng cúng cho nhà chùa

Lễ Kathina của đồng bào Khmer là nghi lễ truyền thống có từ lâu đời, được bà con giữ gìn và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Hàng năm, sau 3 tháng an cư nhập hạ (khoảng thời gian các vị sư sãi tập trung tu tập, không được vi phạm giới luật) là mùa Lễ Kathina, diễn ra từ ngày 16/9 âm lịch đến rằm tháng 10 (tức 15/10 âm lịch).

Bà con Khmer chủ yếu theo Phật giáo Nam tông, nên rất tôn thờ Đức Phật, kính trọng sư sãi. Theo ông Sơn Cưm, thành viên Ban Quản trị chùa Phù Ly 2, xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, “mùa Lễ Kathina” diễn ra trong 30 ngày. Theo quy định, mỗi chùa một năm chỉ được tổ chức đại lễ dâng y Kathina một lần vào bất cứ ngày nào trong vòng một tháng ngay sau mùa an cư nhập hạ kết thúc. Mỗi chùa sẽ ấn định ngày tổ chức Lễ cụ thể, rồi thông báo đến bà con phật tử trong phum sóc biết, để các gia đình có tâm nguyện tổ chức đám dâng y cà sa chuẩn bị chu đáo nhất.

Chủ lễ cùng các phật tử bưng các vật phẩm chuẩn bị đi 3 vòng xung quanh Chánh điện chùa hành lễ Phật

Chủ lễ cùng các phật tử bưng các vật phẩm chuẩn bị đi 3 vòng xung quanh Chánh điện chùa hành lễ Phật

“Các gia đình làm đám Kathina phải có sự chuẩn bị từ sớm. Những vật phẩm dâng cúng dịp lễ là những vật dụng hàng ngày như bình bát để sư sãi khất thực, tập, viết để sư học tập, hoa quả, thực phẩm, thuốc men… Nhưng có một vật phẩm quan trọng nhất, không thể thiếu trong Lễ Kathina là “áo cà sa”, thể hiện sự tôn kính các chư tăng”, ông Sơn Cưm cho biết thêm.

Áo cà sa được xem như báu vật của nhà Phật, là biểu tượng của lòng từ bi, của giới hạnh và của sự giải thoát. Khi khoác lên mình chiếc áo cà sa, các vị tỳ khưu như luôn được nhắc nhở mình là người xuất gia, phải giữ giới. Bên cạnh đó, chiếc áo cà sa như đem đến cho các vị tỳ khưu sự an lạc, giúp phát lộ lòng từ bi, giúp tăng sự can đảm, sức mạnh và trí tuệ để vượt qua những chướng ngại trên con đường tu tập.

Theo quan niệm của bà con Khmer, ai làm chủ lễ dâng y cà sa sẽ luôn gặp điều may mắn, tích được nhiều phước báu, sống lâu, sống khỏe, an lạc, sức mạnh và trí tuệ. Do vậy, ai cũng mong muốn được một lần đứng ra tổ chức Lễ Kathina. Về điều này, ông Thạch Dênh, phật tử chùa Khươne, phường 7, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, từng là chủ Lễ Kathina cho rằng: “Phật tử thực hiện Lễ dâng y cà sa là để thể hiện thiện tâm của mình đối với các vị chư tăng, tỏ lòng thành kính với Đức Phật. Cầu cho phum sóc yên ấm, gia đình bình an, không phiền não, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tạo không khí vui tươi cho trong phum sóc. Gia chủ muốn tổ chức Lễ Kathina phải có kế hoạch và đăng ký với nhà chùa từ 1 năm trước. Được tổ chức Lễ Kathina là niềm tự hào và ước nguyện của mỗi gia đình, góp phần bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tăng cường sự đoàn kết, đồng lòng giữa chư tăng, phật tử trong phum sóc”.

À char Sơn Sa Vết ở ấp Hòa Lạc B, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh cho biết, Trà Vinh là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, nên dịp Lễ Kathina hàng năm, mỗi chùa nhận trung bình từ 3 - 5 đám dâng y cà sa, cá biệt có những chùa nhận đến vài chục đám, nhưng tất cả các đám phải dâng đúng ngày nhà chùa đã ấn định. Ngày nay, các vật phẩm được dâng cúng trong dịp lễ được các gia chủ chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, phong phú hơn. Qua đó, cho thấy đời sống của bà con Khmer ngày càng khấm khá hơn.

“Thông thường Lễ Kathina sẽ tổ chức trong 2 ngày. Ngày thứ nhất, các gia đình làm chủ lễ thỉnh các nhà sư đến tụng kinh cầu an cho gia chủ và cư dân trong phum, sóc. Ngày thứ hai, gia đình chủ lễ đón tiếp khách mời đến tham dự và cùng đông đảo bà con phật tử long trọng dâng các vật phẩm vào chùa, được các vị sư dẫn đầu đi 3 vòng xung quanh Chánh điện chùa hành lễ Phật. Sau đó thực hiện nghi thức Dâng y và nghi thức Thọ y tại Chánh điện. Các gia đình chủ lễ dâng cúng tiền cho nhà chùa, từ đó nhà chùa có nguồn tài chính trùng tu, sửa chữa, xây dựng các hạng mục cần thiết, tạo diện mạo khang trang hơn”, À char Sơn Sa Vết cho biết thêm.

Các phẩm vật được dâng lên cho các vị sư dịp Lễ Kathina

Các phẩm vật được dâng lên cho các vị sư dịp Lễ Kathina

Dịp Lễ Kathina, các gia đình làm chủ lễ tùy theo điều kiện kinh tế mà tổ chức với quy mô khác nhau, mời bà con trong phum sóc, những người thân đến tham dự, cùng nhau đóng góp, hùn phước để gieo duyên với Phật.

Theo bà Sơn Thị Hồng La, ở ấp Phù Ly 2, xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long dịp này các phum sóc có đông đồng bào Khmer sinh sống rất rộn ràng, vui nhộn. Bà con đến dự lễ mặc những bộ trang phục truyền thống của dân tộc Khmer, càng làm cho dịp lễ lung linh sắc màu, tô đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài âm thanh từ dàn nhạc ngũ âm, để tăng thêm phần long trọng, tạo bầu sinh khí náo nhiệt, một số chủ lễ còn kết hợp thêm phần trình diễn của các đội múa trống Sa-dăm, múa Rô băm... giúp cho buổi lễ càng thêm ấn tượng.

Đội Rô băm múa dẫn đường giúp cho không khí Lễ thêm náo nhiệt

Đội Rô băm múa dẫn đường giúp cho không khí Lễ thêm náo nhiệt

“Dịp này, bà con sẽ tranh thủ sắp xếp việc nhà để tham gia Lễ dâng y cà sa, đi chùa, vừa tích phước, vừa hòa mình vào không khí náo nhiệt, tưng bừng của phum sóc. Thông qua hoạt động của Lễ dâng y cà sa giúp bà con sống gần gũi và thân thiện, đoàn kết, sống có trách nhiệm và luôn thương yêu đùm bọc lẫn nhau”, bà Sơn Thị Hồng La chia sẻ.

Lễ Kathina là một nghi lễ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, gắn liền với tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào Khmer, thể hiện sự tôn kính của bà con phật tử đối với các chư tăng. Lễ Kathina đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa của Phật giáo Nam tông, đây là dịp để tôn vinh những giá trị truyền thống Phật giáo có từ thời Đức Phật và được gìn giữ, bảo tồn cho đến ngày nay.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất