|
Các chiến sỹ đại đội 3 đoàn X pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô mưu trí, dũng cảm, nổ súng kịp thời và chính xác, góp phần bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
|
Tròn 70 năm sau ngày Giải phóng, Hà Nội đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị hàng đầu của cả nước, khẳng định vai trò tiên phong trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.
Sự chuyển mình sau Ngày Giải phóng
Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là một trong những mốc son rực rỡ, không chỉ đánh dấu sự thắng lợi của một dân tộc nhỏ bé trước một thực dân xâm lược hàng đầu thế giới, mà còn mở ra thời kỳ mới trong tiến trình phát triển của Thăng Long-Hà Nội.
Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo Nhân dân nhanh chóng ổn định tình hình, bắt tay vào khôi phục và cải tạo Thủ đô. Chỉ một năm sau, Hà Nội đã hoàn thành cải cách ruộng đất, một nhiệm vụ chiến lược cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ.
Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, hàng chục vạn người con Thủ đô đã lên đường tòng quân chiến đấu khắp các chiến trường.
Nơi hậu phương, Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho tiền tuyến với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.
Tự hào hơn nữa, Hà Nội đã cùng các địa phương, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” vào tháng 12/1972, buộc đế quốc Mỹ phải quay lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27/1/1973). Đây là tiền đề quan trọng để cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thu non sông về một mối.
Đất nước thống nhất, Hà Nội là một công trường lớn, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân.
Đến năm 1982, Hà Nội cơ bản đã hồi phục các cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế-xã hội và đã có những bước tiến.
Đặc biệt, từ năm 1986, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với thực tiễn của địa phương, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đặc biệt, từ năm 1986, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với thực tiễn của địa phương, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, từ ngày 1/8/2008, Thủ đô Hà Nội chính thức được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Hà Tây; điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc và toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số 4 xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình vào Thủ đô Hà Nội.
Việc mở rộng địa giới hành chính là thay đổi quan trọng, mang tầm vóc mới, cơ hội mới và diện mạo mới cho Thủ đô.
16 năm qua, Thủ đô Hà Nội tiếp tục đi đầu trên mọi “mặt trận”, đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của cả nước.
Kinh tế tăng trưởng mạnh theo hướng hiện đại, bền vững
Trong nhiều năm qua, Hà Nội luôn duy trì vai trò là một trong hai đầu tàu kinh tế, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích và 8,5% về dân số nhưng Hà Nội hiện đóng góp 16% GDP cả nước, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.
Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2011-2022 đạt 6,67%/năm, gấp 1,12 lần mức tăng chung cả nước; năm 2023 đạt 6,27%, gấp 1,24 lần mức tăng cả nước. Thu nhập của người dân liên tục được cải thiện, bình quân 150 triệu đồng/người/năm.
Hai năm gần đây, Hà Nội đứng đầu cả nước về thu nội địa. Năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 332.089 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 302.917 tỷ đồng, cao nhất cả nước. Năm 2023, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt hơn 410.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa tiếp tục dẫn đầu cả nước với trên 381.000 tỷ đồng.
Hà Nội cũng là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong nhiều năm. Năm 2023, Hà Nội thu hút được trên 2,94 tỷ USD vốn FDI, tăng 70,5% so với năm trước và là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI.
Trong các ngành kinh tế, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với nhiều kết quả ấn tượng. Hà Nội được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới.
Năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Thủ đô ước đạt 24 triệu lượt, tổng doanh thu từ ngành du lịch ước đạt 87,65 nghìn tỷ đồng (tăng 27% về lượng khách và tăng 45,5% về doanh thu so với năm 2022).
Bên cạnh du lịch, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng cũng phát triển mạnh và chiếm khoảng 16% tổng sản phẩm của thành phố. Hà Nội hiện có 9 khu công nghiệp hoạt động (tổng diện tích 1.670,6ha), 3 khu công nghiệp đã thành lập, đang triển khai xây dựng hạ tầng (diện tích 663,4ha).
Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, năm 2023, xuất nhập khẩu của Hà Nội chiếm tỷ trọng gần 9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, đưa Hà Nội lên vị trí thứ 8 trên 63 tỉnh, thành phố.
Hoạt động thương mại luôn duy trì tăng trưởng. Hà Nội hiện có một hệ thống kinh doanh thương mại khá hiện đại, gồm khoảng 30 trung tâm thương mại, gần 150 siêu thị, 455 chợ (cả đầu mối và dân sinh), hàng nghìn cửa hàng tiện ích, hàng trăm máy bán hàng tự động. Ngoài ra, có hàng chục nghìn hộ bán lẻ với hàng trăm nghìn cơ sở kinh doanh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước đạt 776,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4%.
Có thể thấy 70 năm sau Ngày Giải phóng, sau 16 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính, kinh tế Thủ đô đã có những bước tăng trưởng ấn tượng, theo hướng hiện đại và bền vững.
Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí đầu tàu, là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế cả nước.
Văn hóa-xã hội phát triển toàn diện
70 năm sau Ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội đã vươn mình trở thành một trong những trung tâm văn hóa, chính trị và xã hội quan trọng nhất của Việt Nam.
Hà Nội không chỉ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống mà còn có những bước phát triển vượt bậc về đời sống xã hội, với nhiều thành tựu ấn tượng.
Hà Nội là vùng đất có tài nguyên văn hóa phong phú và đa dạng bậc nhất cả nước, với hệ thống di sản văn hóa dày đặc, hạ tầng phong phú; là nơi hội tụ nhiều thế hệ văn nghệ sỹ, trí thức, doanh nhân, thợ thủ công tài hoa.
Hà Nội đã xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Thăng Long-Hà Nội, đồng thời đẩy mạnh việc tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử. Hà Nội tự hào sở hữu 5.922 di tích, bao gồm 1.793 di tích cấp quốc gia và 13 di tích đặc biệt cấp quốc gia.
Hà Nội tự hào sở hữu 5.922 di tích, bao gồm 1.793 di tích cấp quốc gia và 13 di tích đặc biệt cấp quốc gia. (Nguồn: TTXVN) |
Các địa danh nổi tiếng, như: Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Hồ Hoàn Kiếm, Chùa Một Cột, Đền Ngọc Sơn, Cột cờ Hà Nội… là những biểu tượng sống động của lịch sử. Đặc biệt, các Di sản Văn hóa Phi Vật thể như Ca trù, Hội Gióng... đã được UNESCO công nhận, góp phần nâng cao vị thế văn hóa của Thủ đô trên trường quốc tế.
Không chỉ bảo tồn di sản, Hà Nội còn chú trọng phát triển ngành công nghiệp văn hóa, từ âm nhạc, thời trang, mỹ thuật đến nhiếp ảnh, tạo cơ hội việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Việc Hà Nội được công nhận là "Thành phố sáng tạo" của UNESCO năm 2019 trong lĩnh vực thiết kế là minh chứng cho bước tiến đáng kể trong văn hóa sáng tạo của thành phố.
Trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, Hà Nội đã ghi dấu ấn với nhiều thành tích xuất sắc. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 đạt 99,8%, cao hơn mức trung bình cả nước là 99,4%.
Năm 2023, có 184 học sinh xuất sắc đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, cùng với nhiều học sinh giỏi quốc tế, khẳng định vị thế của thành phố trong lĩnh vực giáo dục. Hà Nội còn tự hào là trung tâm đào tạo nhân lực của cả nước với hơn 2.900 trường học các cấp và gần 100 trường đại học, học viện.
Trong lĩnh vực y tế, Hà Nội là nơi tập trung nhiều bệnh viện lớn và hiện đại nhất của đất nước với 42 bệnh viện công, 5 trung tâm chuyên khoa, 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, cùng hàng nghìn cơ sở y tế tư nhân.
Hà Nội cũng là địa phương tiên phong trong việc áp dụng những thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến vào công tác khám chữa bệnh. Các bệnh viện lớn đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật điều trị phức tạp, như: phẫu thuật tim, ghép tạng và điều trị ung thư bằng xạ trị, hóa trị...
Một trong những thành tựu đáng chú ý về an sinh xã hội của Hà Nội là công tác giảm nghèo.
Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo tại thành phố đã giảm xuống chỉ còn 0,03% và tỷ lệ hộ cận nghèo là 0,7%. Đây là kết quả của những chính sách hỗ trợ toàn diện về giáo dục, y tế, việc làm và an sinh xã hội, giúp người dân thoát nghèo và ổn định cuộc sống.
Hà Nội còn là địa phương đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2023, thành phố có 18/18 huyện đạt chuẩn nông thôn mới với 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 183 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Diện mạo nông thôn đổi thay tích cực theo hướng ngày một văn minh, hiện đại; các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống được lưu giữ và phát huy.
Hướng đến thành phố thông minh
Trong những năm qua, Hà Nội không chỉ chú trọng phát triển kinh tế-xã hội mà còn dành ưu tiên lớn cho việc hiện đại hóa và nâng cấp kết cấu hạ tầng. Diện mạo Thủ đô ngày càng trở nên sáng-xanh-sạch-đẹp và văn minh, xứng đáng với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước.
Đặc biệt, việc huy động nhiều nguồn lực cho các dự án giao thông trọng điểm đã góp phần đáng kể vào sự phát triển này.
|
Tuyến tàu điện đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: TTXVN)
|
Nhiều công trình lớn, như: cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, Đường Vành đai 2, Đường Vành đai 3 và các tuyến đường sắt đô thị như Cát Linh-Hà Đông đã được hoàn thành và đưa vào khai thác. Nhờ đó, diện mạo đô thị ngày càng hiện đại, tình trạng ùn tắc giao thông được cải thiện, giao thương thuận tiện, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Hà Nội cũng tập trung phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Mạng lưới xe buýt đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã; 510/579 số xã, phường thị trấn; 65/75 bệnh viện; 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông; 27/27 các khu, cụm công nghiệp lớn; 33/37 các khu đô thị; 23/24 làng nghề; 23/25 khu di tích lịch sử, văn hóa, khu du lịch; kết nối với 6 tỉnh lân cận (Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc).
Về việc phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, thành phố đã triển khai thực hiện nhiều Kế hoạch, Đề án, trong đó có Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội năm 2023, Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn…
Hạ tầng công nghệ thông tin cũng được đẩy mạnh. Hà Nội là một trong những trung tâm công nghệ hàng đầu của Việt Nam. Thành phố đã đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng công nghệ, phát triển các khu công nghệ cao và các trung tâm nghiên cứu, sáng tạo.
|
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nằm trên địa bàn 2 huyện Thạch Thất, Quốc Oai (Hà Nội), tổng diện tích quy hoạch gần 1.600ha. (Ảnh: TTXVN)
|
Với sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn, các trường đại học danh tiếng và những nhân tài trẻ đầy sáng tạo, Hà Nội là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ.
Bên cạnh đó, Hà Nội đang tích cực thúc đẩy chuyển đổi số, với mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tạo thuận tiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực cấp nước, Hà Nội đã có những bước tiến quan trọng.
Tính đến năm 2023, mạng lưới cấp nước của thành phố đã đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho 100% dân cư khu vực đô thị và khoảng 90% dân cư nông thôn. Thành phố phấn đấu nâng tỷ lệ cấp nước cho người dân nông thôn lên 100% vào năm 2025.
Với mục tiêu hướng đến là thành phố thông minh, Hà Nội đã quan tâm dành nhiều nguồn lực đầu tư cho chiếu sáng công cộng, từng bước đầu tư, lắp đặt hệ thống chiếu sáng hiện đại.
Hiện nay, Hà Nội là đô thị có quy mô hệ thống chiếu sáng công cộng lớn thứ hai cả nước, với tuyến đường chiếu sáng dài hơn 5.300km trên địa bàn 30 quận, huyện.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, thành phố sẽ thực hiện chuyển đổi số, phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Tất cả những nỗ lực trên không chỉ tạo ra một Hà Nội hiện đại, văn minh mà còn khẳng định quyết tâm của thành phố trong việc xây dựng một tương lai bền vững và hạnh phúc cho người dân.
Nhìn lại 70 năm sau Ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội không chỉ là một thành phố với bề dày lịch sử, mà còn là biểu tượng của sự phát triển mạnh mẽ, sáng tạo và hội nhập.
Với những thành tựu đã đạt được, Thủ đô đang hướng tới một tương lai tươi sáng, tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong lòng cả nước và trên trường quốc tế. Hành trình này không chỉ là trách nhiệm của chính quyền và Nhân dân Hà Nội, mà còn là trách nhiệm chung của toàn thể dân tộc Việt Nam./.
Nguồn: vietnamplus.vn