Giữ mãi di sản Hồ Chí Minh - Souphanouvong, Kaysone Phomvihane
Chị Duongthay Tathula giới thiệu về hình ảnh Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu lưu niệm Hồ Chí Minh ở Xiềng Vang. (Ảnh: Văn Chương)

Chị Duongthay Tathula giới thiệu về hình ảnh Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu lưu niệm Hồ Chí Minh ở Xiềng Vang. (Ảnh: Văn Chương)

Chương trình Giao lưu sĩ quan trẻ Biên phòng Việt Nam - Lào lần thứ 3, năm 2024 được tổ chức từ ngày 21 đến ngày 24/8 trên đất nước bạn Lào và câu chuyện về lịch sử quan hệ hai nước, về Hoàng thân Souphanouvong, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành chủ đề xuyên suốt và được những người lính trẻ hai nước nhắc đến.

Hoàng thân Souphanouvong, sinh năm 1909, là con cháu hoàng gia và được gia đình đưa sang Bắc Kỳ (Tonkin, Việt Nam) để học tập từ năm 10 tuổi. Sau 10 năm ở Việt Nam, ông sang Pháp học chuyên ngành cầu đường và trở về làm công chức ở Nha Trang, thuộc Đông Dương lúc bấy giờ. Còn Chủ tịch Kaysone Phomvihane có tên Việt Nam là Nguyễn Trí Mưu, sinh năm 1935, người thiếu niên trẻ tuổi này đã sang Việt Nam học tập. Sau này khi trưởng thành, cả Hoàng thân Souphanouvong và Chủ tịch Kaysone Phomvihane đều đi theo con đường cách mạng để giành độc lập cho dân tộc Lào. Cả hai đều từng học tại các trường bảo hộ của Pháp là Albert Sarraut, Lycée du Protectorat (tiếng Việt là trường Bưởi).

Trong nhật ký của Hoàng thân Souphanouvong viết về lần đầu tiên được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1945, ghi rõ: “Cùng ăn rau muống, cùng ngủ trên nền nhà”, sau đó ông trở thành chiến sĩ cách mạng. Riêng Chủ tịch Kaysone Phomvihane từng nói: “Nhân dân Lào chúng tôi vô cùng hãnh diện có nhân dân Việt Nam anh hùng vừa là đồng chí, vừa là anh em thân thiết của mình". Những câu nói này đều được nhắc lại nhiều lần trong các bài phát biểu của lãnh đạo hai đoàn đại biểu Việt Nam – Lào trong các hoạt động giao lưu sĩ quan trẻ Biên phòng Việt Nam - Lào lần này.

Buổi sáng đầu tiên của hoạt động giao lưu (ngày 21/8), 47 quân nhân BĐBP Việt Nam đã được chào đón tại Đại đội Biên phòng 320, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Savannakhet, Lào. Các quân nhân trẻ ở đơn vị luôn tự hào nói về Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Hồ Chí Minh và cho biết, những bài học thời còn ngồi trên ghế nhà trường đã giúp họ hiểu được lịch sử, mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào. Các sĩ quan trẻ còn chia sẻ nhiều câu chuyện về Hoàng thân Souphanouvong cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Bắc, về mối quan hệ gắn bó giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chủ tịch Kaysone Phomvihane.

Các sĩ quan trẻ Biên phòng trẻ hai nước Việt Nam - Lào luôn khắc ghi tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa hai nước. (Ảnh: Văn Chương)

Các sĩ quan trẻ Biên phòng trẻ hai nước Việt Nam - Lào luôn khắc ghi tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa hai nước. (Ảnh: Văn Chương)

Thiếu tá Phoxay Sounthakid, Phó phòng Quân huấn nhà trường, Bộ Tổng tham mưu QĐND Lào là người đã đồng hành với các hoạt động của đoàn giao lưu từ ngày 21 đến ngày 24/8. Những bài phát biểu được Thiếu tá Phoxay Sounthakid chuyển cho các đơn vị để tổ chức các chuỗi sự kiện giao lưu luôn trích lời của Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời dùng hình tượng dòng sông Mekong để so sánh mối quan hệ sâu nặng giữa hai nước. Có thể thấy, Chương trình Giao lưu sĩ quan trẻ Biên phòng Việt Nam - Lào lần thứ 3, năm 2024 đã kế thừa di sản hữu nghị vĩ đại, đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mà các vị lãnh tụ và các thế hệ lãnh đạo hai nước đã dày công vun đắp. Hình ảnh và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thân Souphanouvong và Chủ tịch Kaysone Phomvihane luôn song hành, đi vào mọi mặt đời sống của người dân ở đất nước Triệu Voi.

Bảo tàng Truyền thống Liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam là điểm đến trong lộ trình hoạt động 4 ngày trên đất Lào của các đại biểu tham dự chương trình giao lưu. Tại bảo tàng, các đại biểu đã dừng thật lâu trước tấm ảnh Hoàng thân Souphanouvong cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tấm ảnh này được lồng trong một khung ảnh có màu xanh, đỏ mang biểu tượng quốc kỳ của Lào và Việt Nam. Còn tại Khu lưu niệm Hồ Chí Minh ở Xiềng Vang, tấm ảnh ở vị trí trung tâm, ngay trước cửa ra vào là chân dung Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau này, trong các bài phát biểu tại sự kiện tọa đàm giao lưu sĩ quan trẻ Biên phòng Việt Nam – Lào; trong hoạt động giao hữu bóng chuyền giữa sĩ quan trẻ Biên phòng hai nước, những câu nói về tình hữu nghị Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào tiếp tục được các đại biểu hai bên trích dẫn. Đại úy Phetyopha Soulivongsack, một cán bộ trẻ từng có 7 năm học tập tại Học viện Biên phòng Việt Nam đã chia sẻ lý tưởng của một sĩ quan trẻ khi đứng trong hàng ngũ QĐND Lào. Anh dành tình cảm đặc biệt và sự kính trọng, ngưỡng mộ đối với Hoàng thân Souphanouvong, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Qua câu chuyện và sự chỉ dẫn của anh, chúng tôi tìm đến bến đò cũ từng là điểm chở khách từ thành phố Kaysone Phomvihane băng qua sông Mekong sang vùng Đông Bắc của Thái Lan. Tại nơi này, chính quyền địa phương đã đặt một tấm bia khắc dòng chữ: “Tháng 6 năm 1926, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó bí danh là Thầu Chín, hoạt động ở vùng Đông Bắc Xiêm đã từ Mục Đa Hản vượt sông Mekong sang thị xã Savannakhet...”. Các hướng dẫn viên du lịch cho biết, nơi đặt tấm bia cũng là điểm đến để người dân Việt Nam dừng lại bên dòng Mekong và thắp hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ những năm đầu thế kỷ XX, Hoàng thân Souphanouvong và người thanh niên trẻ Kaysone Phomvihane sang Việt Nam học tập, người dân nghèo trên bán đảo Đông Dương đều sống trong lầm than. Còn ngày nay, Lào, Việt Nam đều là những quốc gia độc lập. Thành quả đó có được nhờ biết bao xương máu của các thế hệ đi trước và bao lần vào sinh ra tử của các vị lãnh tụ cách mạng Hồ Chí Minh, Souphanouvong, Kaysone Phomvihane.

Ngày nay, trong các doanh trại QĐND Lào đều treo ảnh Chủ tịch Kaysone Phomvihane và lưu lại câu nói của Hoàng thân Souphanouvong: “Tình hữu nghị anh em giữa nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam thật là vĩ đại mà bất cứ bài ca, bản nhạc nào, bất cứ bài thơ nào hay nhất cũng không sao diễn tả trọn vẹn được. Tình hữu nghị đó cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất. Tình hữu nghị cao đẹp đó đã được vun trồng, xây đắp với tất cả tấm lòng thành thật của chúng ta. Do đó, không thể có hung thần nào, không thể có kẻ thù nào phá vỡ nổi”./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất