(TTĐN) - Sóc Trăng là một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm khoảng 31% tổng số dân của toàn tỉnh). Trải qua nhiều biến động trong quá trình hình thành, phát triển, người Khmer ở Sóc Trăng vẫn giữ gìn, phát huy được văn hóa, tiếng nói và chữ viết đặc sắc, riêng biệt của dân tộc mình.
|
Múa Rom Vong của đồng bào Khmer tại Sóc Trăng. (Ảnh: Thúy Hạnh)
|
“Xứ Giồng” Sóc Trăng là vùng đất được khai hoang khoảng 300 năm trước và có sự đan xen giữa các dân tộc với văn hóa lâu đời, chủ yếu là Kinh, Khmer, Hoa và một số ít là dân tộc Chăm, Tày, Nùng. Qua nhiều thế kỷ cùng sinh sống, các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã có sự giao thoa với nhau về văn hóa, vay mượn và có sử dụng lẫn nhau về ngôn ngữ, hình thành một diện mạo văn hóa riêng của tỉnh Sóc Trăng vừa đa dạng, vừa phong phú, đặc sắc.
Rất nhiều người dân, nhất là những hộ kinh doanh mua bán nhỏ, để tiện giao dịch, họ nói được ba thứ tiếng Việt - Khmer - Hoa. Không biết từ khi nào, cả ba dân tộc sinh sống trên vùng đất này đều xem lễ, tết của dân tộc khác như của dân tộc mình. Sóc Trăng có nhiều sản vật địa phương mang đậm bản sắc giao thoa giữa các nền văn hóa điển hình của ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, thể hiện rõ rệt nhất là món bún “nước lèo”. Món bún “nước lèo” đặc sắc của Sóc Trăng từng đạt giải nhất tại Liên hoan du lịch Mekong cũng chính là món ăn của cả ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa ở Sóc Trăng.
Trong vị ngọt bùi của trứng và ruột cá lóc (hay còn gọi là cá quả, cá chuối), có hương vị mặn mà, đậm đà món mắm gia vị của người Khmer “bò hóc” (prahok hay pro-hoc) ăn kèm với bắp chuối non, rau muống thái sợi, giá sống là món ăn của người Kinh, nhưng miếng da lợn quay giòn giòn, dai dai, béo béo lại là khẩu vị của người Hoa. Món bún “nước lèo” của người Khmer được cả người Kinh, người Hoa ưa thích và đã trở thành một đặc sản ẩm thực chung.
Tuy có nhiều dân tộc cùng chung sống, nhưng người dân Khmer vẫn giữ được một nền văn hóa đặc sắc, riêng biệt. Điều này được thể hiện rất rõ nét trong các hoạt động thường ngày, trong văn hóa ngôn ngữ, tinh thần tín ngưỡng tâm linh... Khi nói đến Sóc Trăng, nhiều người nghĩ đến các chùa Khmer nổi tiếng như chùa Chén Kiểu, chùa Dơi hay chùa Đất Sét. Bởi đa số đồng bào Khmer đều theo Phật giáo Nam Tông nên mọi sinh hoạt đời sống văn hóa, tinh thần luôn gắn với ngôi chùa. Đây vừa là nơi thờ phụng, sinh hoạt tôn giáo, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa-văn nghệ, vừa là nơi học tập.
Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc nói chung và của người dân Khmer nói riêng, tỉnh Sóc Trăng đã huy động các nguồn lực đẩy mạnh đầu tư thực hiện các chương trình, dự án. Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh đã vận động 92 chùa Phật giáo Nam Tông Khmer trên địa bàn tiếp tục duy trì mở các lớp dạy chữ Khmer vào dịp hè; hỗ trợ kinh phí để các sư sãi đi học các lớp Pali tại chùa và học nâng cao tại Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ. Dưới sự chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành, đồng thời quan tâm tạo điều kiện thuận lợi với những chính sách ưu đãi, đã góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và bảo tồn tiếng nói, chữ viết người Khmer, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào.
Hòa thượng Tăng Nô, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Tôi rất phấn khởi là hiện nay, đồng bào, các phật tử, các cháu học sinh rất quan tâm tham gia học tập tiếng nói, chữ viết của mình”.
Sóc Trăng còn là vùng đất hội tụ nhiều lễ hội. Kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh đã duy trì thực hiện tốt công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể như: lễ cưới truyền thống của người Khmer, lễ hội Lôi Protip (thả đèn nước), lễ hội cúng trăng... và khai thác một số lễ hội lớn như: lễ hội Chrôi Rum Chếk (Phước biển Vĩnh Châu), lễ Thắk Côn (cúng dừa), Lễ hội Nghinh Ông. Đặc biệt, thu hút khách du lịch nhiều nhất chính là Lễ hội Oóc Om Boc đua ghe Ngo của đồng bào Khmer. Nhằm thu hút công chúng khu vực và cả khách quốc tế, Chính phủ đã quyết định nâng lễ hội lên tầm quốc gia và tổ chức "Fesival đua ghe Ngo Sóc Trăng" đầu tiên vào năm 2013. Với quy mô lớn, được tổ chức hoành tráng, nhiều hoạt động hấp dẫn, độc đáo, thực sự trở thành ngày hội lớn, là sự kiện văn hóa - du lịch cấp vùng, quốc gia, thu hút gần 500 ngàn lượt du khách tới Sóc Trăng.
|
Ban nhạc cụ truyền thống của người Khmer ở chùa Dơi (Mahatup). (Ảnh: Thúy Hạnh)
|
Ngoài tiếng nói, chữ viết, người dân Khmer vẫn giữ được một nền văn hóa đặc sắc, riêng biệt như: nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề truyền thống. Vào cuối năm 2020, đồng bào dân tộc Khmer vui mừng đón nhận thêm hai loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của người Khmer được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc Ngũ âm và múa Rom Vong tại lễ kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu Dù Kê.
Nhằm bảo tồn cái riêng biệt, đặc trưng trong sự đa dạng và hiện đại, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và tiếp tục giữ gìn, phát huy nét văn hóa độc đáo “xứ Giồng” của cộng đồng dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng, các cấp, các ngành cần nghiên cứu, xây dựng các chương trình, đề án bảo tồn và phát triển. Từ nét văn hóa độc đáo của người Khmer, sẽ tạo điều kiện để các hoạt động du lịch và dịch vụ được đa dạng hơn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hộ gia đình, tăng ngân sách cho địa phương. Khi hoạt động du lịch, văn hóa, văn nghệ, đời sống tinh thần phát triển, người dân sẽ có nhiều cơ hội nâng cao cuộc sống vật chất và tinh thần./.
Thúy Hạnh
Nguồn: bienphong.com.vn