Gìn giữ di sản cho muôn đời sau: Trao truyền cho thế hệ sau
Vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của bến đò Tràng An. (Ảnh: TTXVN)

Vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của bến đò Tràng An. (Ảnh: TTXVN)

Sống trong di sản, bảo vệ và hưởng lợi từ di sản

Ngồi thuyền, xuôi theo dòng sông để thưởng ngoạn Quần thể danh thắng Tràng An, du khách được trải nghiệm cảnh quan mênh mông sông nước, núi và hang động với thảm động, thực vật hoang sơ nguyên vẹn, còn cảm nhận sự mến khách, vẻ đẹp văn hóa của Ninh Bình. Gần 20 năm gắn bó với nghề chèo đò, bà Đỗ Thị Hường, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ. Tay đều nhịp chèo, đi qua mỗi điểm, bà lại giới thiệu, chia sẻ câu chuyện văn hóa, lịch sử gắn liền với địa danh ấy.

Bà Hường chia sẻ, ở Ninh Bình, người dân không dùng thuyền máy để chở du khách bởi sẽ gây ồn ào và ô nhiễm dòng sông. Người chèo đò kiêm luôn công nhân vệ sinh, nhặt từng mẩu rác trên sông và nhắc nhở du khách giữ vệ sinh môi trường. Đồng thời, những người làm du lịch thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ du lịch tạo cho du khách sự thoải mái, thân thiện nhất khi đến mảnh đất văn hóa Cố đô lịch sử.

Người dân còn tận dụng để tạo ra sản phẩm du lịch mang lại giá trị kinh tế. Văn hóa lúa nước là ví dụ điển hình. Di sản Tràng An là cái nôi lưu giữ văn hóa lúa nước, khởi đầu cho khai thác nguồn sinh dưỡng săn bắt, hái lượm từ rừng và biển, con người bắt đầu biết canh tác nông nghiệp. Qua thời gian, các lớp cư trú của cư dân cổ Tràng An cùng nhau bồi đắp nên giá trị truyền thống trong quá trình lao động sản xuất, tạo ra đặc trưng độc đáo của nền văn minh lúa nước. Đến nay, người dân nơi đây tiếp tục lưu giữ nét đẹp văn hóa này đồng thời tạo ra sản phẩm du lịch từ nông nghiệp mang lại giá trị về kinh tế, quảng bá nét đẹp văn hóa của quê hương.

Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động thuộc địa phận huyện Hoa Lư sở hữu cánh đồng lúa Tam Cốc được coi là kiệt tác của thiên nhiên - con người, tạo ra vẻ đẹp bình dị bởi sự dung hòa giữa đất trời mênh mông và thành quả lao động của con người. Những năm gần đây, sức hấp dẫn của cánh đồng lúa không chỉ nằm ở vị trí đẹp, nơi giao thoa giữa thiên nhiên và con người mà còn được ngành Du lịch Ninh Bình sáng tạo thành sản phẩm du lịch đặc sắc. Mỗi mùa lúa chín, cánh đồng lại được tạo hình thành những bức tranh khác nhau mang thông điệp về văn hóa góp phần quảng bá nét đẹp quê hương.

Bà Simona Mirela Miculescu, Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42 khẳng định, nhờ cách tiếp cận đa bên và hợp tác sáng tạo, Tràng An trở thành hình mẫu trong bối cảnh năng động về phát triển bền vững, nơi các cộng đồng địa phương không chỉ là người hưởng lợi mà còn là nhân vật chính việc cân đối hài hòa giữa du lịch bền vững và bảo tồn di sản.

Ngoài sức hấp dẫn về thẩm mỹ, Tràng An còn là bằng chứng cụ thể về việc bảo tồn tính đa dạng của di sản và chia sẻ công bằng những lợi ích thu được từ khai thác danh thắng, nâng cao ý thức thuộc về nơi này, tôn trọng lẫn nhau, gắn kết xã hội cũng như sự tự do về lựa chọn và hành động của các cá nhân và tập thể. Thành tựu này là kết quả của nỗ lực chung của tất cả chúng ta trong việc khai phóng sức mạnh đột phá của di sản để làm phong phú thêm cuộc sống của cả thế hệ hiện tại và các thế hệ tương lai.

Sử dụng di sản trong dạy học

Giáo viên, học sinh tham quan triển lãm “Kể chuyện di sản qua tranh”. (Ảnh: TTXVN)

Giáo viên, học sinh tham quan triển lãm “Kể chuyện di sản qua tranh”. (Ảnh: TTXVN)

Ninh Bình luôn quan tâm tạo điều kiện để thế hệ trẻ tiếp cận di sản bằng nhiều hình thức. Năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp Sở Du lịch tỉnh và tổ chức UNESCO tổ chức cuộc thi "Kể chuyện di sản qua tranh". Hoạt động này không chỉ góp phần làm sống động hơn di sản mà còn lan tỏa, bồi đắp tình yêu lịch sử, trách nhiệm của thế hệ tương lai. Cuộc thi là hoạt động ý nghĩa, thu hút hơn 1.000 tác phẩm của học sinh đến từ các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở trên địa bàn tỉnh. Các tác phẩm sau đó được triển lãm và chuyển thành định dạng bưu thiếp tô màu, sản phẩm lưu niệm du lịch Tràng An.

Lên ý tưởng, vẽ tranh, lấy biểu tượng Tràng An làm chính, có ngôi chùa, mái ngói cong cong, xung quanh là núi bao phủ, bên dưới là dòng sông, người lái đò, em Trần Thị Ngọc Ánh (Trường Trung học Cơ sở Đông Hải, xã Kim Đông, huyện Kim Sơn) hoàn thành bức tranh "Di sản Tràng An" trong vòng một tháng. Qua bức tranh, Ngọc Ánh muốn giới thiệu hình ảnh con người cũng như cảnh quan thiên nhiên của tỉnh Ninh Bình đến với du khách.

Em Trần Thị Ngọc Ánh chia sẻ, em đi tham quan nhiều nơi nhưng ấn tượng nhất là Quần thể danh thắng Tràng An với hình ảnh non nước hữu tình. Thông qua bức tranh của mình, em mong muốn mọi người cùng chung tay bảo vệ, quảng bá di sản.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình, Sở triển khai nhiều chương trình nhằm giúp học sinh thêm hiểu, tự hào và có ý thức bảo vệ, gìn giữ những di tích lịch sử, di sản văn hóa cha ông để lại.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình cho biết, ngành giáo dục ban hành khung nội dung giáo dục địa phương và triển khai kịp thời, hiệu quả việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, giới thiệu đầy đủ về lịch sử, văn hóa, con người, điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh, trong đó giảng dạy về các di sản quê hương.

Sở thực hiện thành công hai đề tài khoa học cấp tỉnh: "Biên soạn bộ tài liệu giới thiệu di sản văn hóa địa phương để sử dụng trong dạy học tại các trường phổ thông của tỉnh" và "Quản lý và tổ chức dạy học tích hợp theo chủ đề di sản văn hóa địa phương tại các trường Trung học phổ thông tỉnh Ninh Bình". Hai đề tài thể hiện sự quan tâm đặc biệt của ngành đối với việc sử dụng di sản trong dạy học, hệ thống di sản của tỉnh được nghiên cứu kỹ lưỡng, lựa chọn phù hợp trong đó các Di sản thuộc Quần thể danh thắng Tràng An được lựa chọn chiếm số lượng lớn.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh mong muốn cung cấp vốn hiểu biết toàn diện, thực tiễn về truyền thống lịch sử, văn hóa, con người, từ đó, góp phần bồi đắp, phát huy tinh thần yêu nước, yêu quê hương lòng tự tôn dân tộc đồng thời khơi dậy, nuôi dưỡng niềm tự hào và khát khao cống hiến trong các thế hệ học sinh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất