Dòng người xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dài như vô tận
Đông đảo người dân chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Anh Tuấn)

Đông đảo người dân chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Anh Tuấn)

Sáng sớm 26/7, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được tổ chức tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Tối 25/7, do số lượng người dân đến viếng Tổng Bí thư rất đông, Lễ viếng tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông đã kéo dài đến 24 giờ.

Tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Lễ viếng đã kéo dài đến 23 giờ thay vì 22 giờ như thông báo trước nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trắng đêm tại khu vực Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội

Theo chương trình, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 26/7, người dân tiếp tục được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ 7 giờ và kết thúc lúc 12 giờ 30 phút cùng ngày.

Từ sáng sớm, trên nhiều ngõ phố dẫn vào Nhà Tang lễ Quốc gia, hàng nghìn người dân đã có mặt xếp hàng, nhiều người thậm chí đã thức trắng đêm, nhiều người kiên nhẫn chờ xếp hàng từ rạng sáng, với chung một mong muốn sớm được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tiễn biệt Tổng Bí thư lần cuối.

Dòng người xếp hàng dài trên phố Lò Đúc chờ đến lượt qua phố Nguyễn Công Trứ, Tăng Bạt Hổ, Trần Thánh Tông... để vào Nhà tang lễ. Trong dòng người thành kính đó, cô giáo Đặng Thị Thu Hương (Trường Tiểu học Văn Yên, Hà Đông, Hà Nội) cho biết chị có mặt tại phố Hàn Thuyên lúc 23 giờ đêm hôm trước (25/7) để đến viếng Tổng Bí thư. Vì thấy dòng người đổ về các ngả ngày một đông nên chị Hương quyết định không về nhà và ngồi chờ cả đêm.

Chị chia sẻ: “Còn có nhiều người ở các tỉnh xa cũng chờ xếp hàng. Mọi người cùng nhau xem lại những hình ảnh của Tổng Bí thư, kể cho nhau nghe những câu chuyện, lời dạy của Tổng Bí thư để đêm mau qua đi. Ai cũng mong muốn vào viếng Tổng Bí thư".

Từ huyện Kinh Môn (tỉnh Hải Dương), ông Trần Văn Duyên cùng người thân đến Hà Nội từ 5 giờ sáng. Dù phải xếp hàng chờ đợi nhưng ông vẫn không cảm thấy mệt mỏi hay phiền lòng. Người dân không ngần ngại xếp hàng hàng giờ đồng hồ để chờ đến lượt được vào Nhà tang lễ, dâng nén hương thơm tỏ lòng thành kính đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiều người đã không cầm được nước mắt sau khi viếng Tổng Bí thư.

Cũng tại khu vực Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, phóng viên đã gặp em Thèn Trung Thành, 17 tuổi, một mình vượt 340km từ Xín Mần, Hà Giang xuống Hà Nội để kịp vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thành kể sáng sớm 24/7, Thành chuẩn bị vài bộ quần áo, tiền tiết kiệm và bắt xe khách để kịp xuống Hà Nội. Ngày 25/7, khi đến Hà Nội, Thành lập tức bắt xe buýt về quê nhà của Tổng Bí thư tại làng Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh - một trong hai địa điểm tổ chức tang lễ ở Hà Nội.

Sau khi viếng ở làng Lại Đà, Thành lại quay về Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông để chờ vào viếng lần hai. Chàng trai người Nùng dự định chiều nay sẽ ra nghĩa trang Mai Dịch đưa tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.

Đây là lần đầu tiên cậu học sinh người Nùng xuống Thủ đô. Kế hoạch xuống Hà Nội viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của Thành đã có ngay khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần. Bố mẹ Thành chỉ bảo, hướng dẫn em đi đường.

"Em ngưỡng mộ Tổng Bí thư đã lâu và nghĩ đây là thời điểm người Việt Nam xích lại gần nhau hơn nên quyết định đi Hà Nội viếng bác", Thèn Trung Thành chia sẻ.

Người dân xếp hàng dài hàng km chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: TTXVN)

Người dân xếp hàng dài hàng km chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: TTXVN)

Trong dòng người đổ về Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông sáng 26/7, bà Lò Thị Măng, gần 70 tuổi, người dân tộc Mường tại xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết từ 5 giờ sáng bà đã có mặt để mong được sớm vào viếng Tổng Bí thư.

Bà chia sẻ: “Nghe tin bác Trọng mất, tôi sững sờ, bàng hoàng. Vẫn biết sinh, lão, bệnh, tử đời người không tránh khỏi, nhưng tôi thương bác vì đến những giây phút cuối đời vẫn tận hiến cho đất nước, cho nhân dân. Người dân Võ Miếu chúng tôi rất biết ơn bác Nguyễn Phú Trọng, nhờ có bác Trọng, có Đảng và Nhà nước quan tâm nên quê hương tôi có con đường, nhờ đó mà việc đi lại, làm ăn, sinh sống được thuận lợi, kinh tế phát triển, đời sống của người dân được nâng lên. Người dân chúng tôi gọi đó là con đường 'bác Trọng'.''.

Đôi mắt ngấn lệ, giọng run run, bà Lò Thị Măng nói: “Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh của bác Trọng khi đến thăm quê hương tôi. Trông bác Trọng rất giản dị, bác mặc chiếc sơ mi màu xanh nhạt, bên ngoài mặc áo khoác tối màu, mái tóc đã bạc trắng, nụ cười tươi sáng, hiền từ trò chuyện, hỏi thăm, động viên bà con các dân tộc ở Võ Miếu chúng tôi. Bác giản dị và gần gũi lắm, giọng nói rất từ tốn, chậm rãi để bà con dễ nghe, dễ hiểu. Bác xưng "chúng ta" và gọi người dân là các cụ, các ông, các bà, các anh, các chị, các cháu… rất thân thiết, mến thương vô cùng. Ngày hôm nay, bác đã đi xa chúng tôi tiếc thương bác vô cùng, trong lòng chúng tôi luôn nhớ ơn bác Trọng".

Trong dòng người vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày hôm nay không chỉ có các đồng chí lão thành cách mạng, người lớn tuổi mà còn có rất nhiều bạn trẻ, với nhiều tâm tư tình cảm dành cho Tổng Bí thư.

Em Nguyễn Thanh Hằng, sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội, cho biết: “Em đến đây từ sớm nhưng không ngờ lại thấy rất đông người đã xếp hàng dài. Bác Nguyễn Phú Trọng để lại những bài học quý giá về đạo đức con người, những mục đích cao cả để phấn đấu… Là con người của thời đại mới, em sẽ cố gắng học hỏi để góp chút công sức nhỏ đưa nước ta ngày càng phát triển, nâng cao uy tín hơn nữa với bạn bè thế giới".

Còn chị Nguyễn Thị Hòa, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, chị là một trong những người đã xếp hàng chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ chiều đến nửa đêm hôm qua (25/7) mà vẫn chưa đến lượt vào viếng. Nhiều người đã phải về để sáng 26/7 quay lại tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi với mong muốn được thắp nén nhang tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chị Hòa chia sẻ: "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người cộng sản mẫu mực, tận hiến, kiên trung, hết mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tôi và nhiều người dân kính trọng và vô cùng thương tiếc Tổng Bí thư. Khi còn sống, Tổng Bí thư rất gần gũi với người dân, sự ra đi của Tổng Bí thư, chúng tôi cảm giác như mất đi một người thân trong gia đình. Xin được thắp nén tâm nhang tiễn biệt mong bác yên nghỉ", chị Hòa nghẹn ngào nói.

Tấm lòng thành kính của người dân phương Nam

Sáng 26/7, hàng ngàn người dân tiếp tục tập trung về Hội trường Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hầu hết mọi người dân đều mặc tang phục màu đen thể hiện sự nghiêm trang và tỏ lòng thành kính đối với sự ra đi của vị lãnh đạo đất nước. Không chỉ riêng người dân thành phố, trong hàng dài người đến tiễn đưa có nhiều người dân đến từ các địa phương khác nhau. Có người phải di chuyển hàng trăm cây số, có người thức dậy từ lúc đêm khuya, có người phải đi từ ngày hôm trước. Những giọt nước mắt, sự ngậm ngùi, thương tiếc bao trùm Hội trường Thống Nhất.

Đông đảo người dân Thành phố Hồ Chí Minh vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất sáng 26/7. (Ảnh: Thu Hương)

Đông đảo người dân Thành phố Hồ Chí Minh vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất sáng 26/7. (Ảnh: Thu Hương)

Xuất phát từ 3 giờ sáng, bà Nguyễn Thị Tuyết (66 tuổi, ngụ huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) mang theo khung ảnh gồm di ảnh của Tổng Bí thư và bài thơ tự sáng tác, bà Tuyết xúc động nghẹn ngào: “Suốt từ lúc hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời đến nay tôi vô cùng đau xót. Suốt mấy đêm tôi không ngủ được và sáng tác nên bài thơ này: Bác ơi bác đã đi rồi/Người dân cả nước ngậm ngùi tiếc thương/Cả cuộc đời bác dâng trọn cho quê hương/Cho đất nước đẹp giàu, sánh cùng bốn bể năm châu".

Trong bộ trang phục nữ du kích miền Nam, bà Trần Thị Thu Trang (còn gọi là Sáu Trang) nâng niu bó huệ trắng mà bà tự tay mang từ quê hương Tiền Giang đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Từ chiều hôm trước, bà Trang đã di chuyển từ Tiền Giang đến Thành phố Hồ Chí Minh ở nhà một người họ hàng để 6 giờ sáng kịp có mặt tại Hội trường Thống Nhất để viếng nhà lãnh đạo đáng kính của đất nước. Từng là một người hoạt động trong phong trào Hội Liên hiệp phụ nữ, những năm qua, bà Trang luôn dõi theo các hoạt động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và bày tỏ sự ngưỡng mộ một con người hết lòng vì nước, vì dân.

Từ huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, sáng 26/7, chị Nguyễn Thị Ngọc Thắm mang theo hai con 7 tuổi và 5 tuổi về Thành phố Hồ Chí Minh để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chị Thắm kể chiều hôm qua (25/7), chị một mình đến viếng Tổng Bí thư nhưng sau khi về nhà kể chuyện cho các con nghe, các cháu đã mong muốn được mẹ dẫn đi “viếng ông Trọng".

Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng nên chị rất trân trọng và biết ơn những người đã cống hiến công sức của mình cho đất nước, nhân dân. Đưa con đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chị Thắm mong muốn các con của mình cũng nhận thức và biết trân trọng những giá trị thiêng liêng này.

"Dù mới 4 giờ sáng nhưng khi nghe mẹ bảo dậy đi viếng ông, cả 2 con đều thức dậy ngay và sẵn sàng cùng mẹ lên đường. Hôm nay, ba mẹ con xin được cúi đầu trước vong linh của bác", chị Thắm bùi ngùi chia sẻ.

“Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” - câu nói được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng những ngày qua đã thôi thúc bạn Nguyễn Anh Duy (22 tuổi, sinh viên đang theo học tại một trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh) tìm hiểu về thân thế, cuộc đời của Tổng Bí thư.

"Thú thật, trước đây em không quan tâm nhiều đến vấn đề chính trị nhưng càng tìm hiểu về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, em càng thấy kính trọng vô cùng. Hôm nay, em đến đây để được nghiêng mình trước nhân cách của bác", Nguyễn Anh Duy chia sẻ.

Tình cảm nơi quê nhà Đông Hội

Sáng sớm 26/7, tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội, dòng người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp nối. Những gương mặt trang nghiêm, những đôi mắt hoe đỏ luôn hướng về tấm di ảnh người con ưu tú của mảnh đất Đông Anh được đặt trang trọng giữa lớp hoa vàng.

Do đông người dân đến viếng Tổng Bí thư nên Ban tổ chức đã sắp xếp khu vực gửi xe khá xa Nhà văn hóa để tránh ùn tắc, đồng thời bố trí hệ thống xe điện đưa đón. Tuy nhiên, hầu hết người dân chọn cách đi bộ để bày tỏ lòng thành kính với nhà lãnh đạo xuất sắc của đất nước. Trong nắng sớm, những bước chân đều đều hướng về nơi tổ chức lễ tang.

Chị Ngô Thị Ngọc Ly (xóm 14, xã Đông Hội), tình nguyện viên phục vụ lễ tang cho biết tối 25/7, không chỉ người dân huyện Đông Anh mà còn có nhiều người dân khác từ các địa phương trên cả nước, với lòng thành kính, tiếc thương, đã về Lại Đà để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

"Đến hơn 23h đêm 25/7, lễ viếng Tổng Bí thư mới tạm dừng. Trong số những người tới viếng muộn, tôi thấy có khá nhiều bạn trẻ sau khi tan làm, tan học đã trở về quê cho kịp viếng bác. Dù muộn nhưng chúng tôi vẫn ở lại hỗ trợ, phục vụ để lễ tang bác được vẹn toàn", chị Ngô Thị Ngọc Ly chia sẻ.

Nỗi buồn của người dân khi đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: TTXVN)

Nỗi buồn của người dân khi đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: TTXVN)

Cựu chiến binh Đặng Văn Bình (xã Việt Hùng, huyện Đông Anh) cho biết theo lệnh điều động của Ban Chỉ huy quân sự huyện Đông Anh, ông nhận nhiệm vụ hỗ trợ các lực lượng chức năng đảm bảo an ninh, an toàn tại lễ tang Tổng Bí thư tại thôn Lại Đà.

"Gần 1h sáng nay tôi mới về nhà, tranh thủ chợp mắt vài tiếng rồi lại tiếp tục đi làm nhiệm vụ. Mệt nhưng vinh dự, tự hào lắm khi được phục vụ lễ tang Tổng Bí thư - người con của quê hương Đông Anh", ông Đặng Văn Bình chia sẻ.

Nhờ cháu nội chở đến cổng thôn Lại Đà từ 5 giờ 45 phút, cụ Nguyễn Thị Hiển (92 tuổi, thôn Đông Ngàn, xã Đông Hội, huyện Đông Anh) chầm chậm đi bộ vào khu vực Nhà văn hóa để viếng Tổng Bí thư. Vừa đi, cụ vừa kể lại những kỷ niệm với nhà lãnh đạo giản dị, trọng dân.

"Tôi nhớ mãi hình ảnh Tổng Bí thư mỗi lần về thăm quê. Ông giản dị lắm, không rình rang, hoành tráng, lúc nào cũng quan tâm đến lớp người già chúng tôi. Vẫn biết là quy luật tự nhiên, nhưng một con người đầy nhân cách như thế mất đi thật đáng tiếc", cụ Nguyễn Thị Hiển rưng rưng cho biết.

Hòa trong dòng người xếp hàng tới viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sáng 26/7 tại quê nhà Đông Anh, những phụ nữ trong trang phục truyền thống dân tộc Tày (tỉnh Lào Cai) đã thành kính dâng nén hương thơm trước anh linh Tổng Bí thư đáng kính. Chị Lương Ngọc Hà cho biết 12h đêm 25/7, các bà, các chị đã tập trung và lên xe về Thủ đô và 6h sáng 26/7, đoàn đã có mặt tại quê hương Tổng Bí thư.

"Đoàn chúng tôi có 37 người dân làng Chiềng, xã Cam Đường, tỉnh Lào Cai. Chúng tôi là những người tin yêu, cảm phục nhân cách, con người Tổng Bí thư. Dù chưa một lần được gặp mặt bác, nhưng khi nghe tin bác mất, ai ai cũng nghẹn ngào, tiếc thương. Có nhiều cụ cao tuổi muốn đi viếng bác nhưng sức khỏe không cho phép nên chúng tôi đại diện đến để bày tỏ tấm lòng thành kính, biết ơn nhà lãnh đạo vì nước, vì dân", chị Lương Ngọc Hà xúc động chia sẻ…/.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất