(TTĐN) - Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào được hình thành, phát triển qua quá trình lao động, sản xuất, là kết quả sáng tạo của nhiều thế hệ, được tồn tại, lưu giữ trong nhân dân.
Ngày 8/11, Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) tổ chức Lễ công bố và trao Chứng nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia đối với Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào.
Trước đó, ngày 9/4/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố “Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào” của huyện Điện Biên và Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Đây là cơ sở pháp lý và khoa học, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc tôn vinh các di sản văn hóa, đồng thời quảng bá, tuyên truyền, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương.
Điện Biên có 41 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (trong đó có 2 nghệ nhân là đồng bào Lào); 20 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, trong đó dân tộc Lào có 3 di sản là Nghệ thuật trang trí trên trang phục, Tết té nước và Nghệ thuật múa Lào là một trong 19 dân tộc ở Điện Biên, sinh sống tập trung trong 23 bản thuộc 9 xã của 2 huyện Điện Biên và Điện Biên Đông.
Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào được hình thành, phát triển qua quá trình lao động, sản xuất, là kết quả sáng tạo của nhiều thế hệ, được tồn tại, lưu giữ trong nhân dân.
Trang phục thổ cẩm của phụ nữ gồm: Áo, váy, khăn đội đầu, thắt lưng. Tất cả đều bằng vải nhuộm chàm, được thêu nhiều họa tiết hoa văn như hình voi, rồng, chim công, các loại hoa lá... với nhiều màu chỉ, kết hợp khéo léo các sắc màu để nổi bật hoa văn. Mỗi nét hoa văn thổ cẩm trên trang phục của người Lào đều là tinh hoa văn hóa dân gian đã được chọn lọc, gìn giữ và truyền lại qua nhiều đời.
|
Dệt thổ cẩm trang phục Lào. (Ảnh: TTXVN)
|
Ngoài chức năng làm đẹp, các họa tiết này còn mang ý nghĩa bảo vệ sức khỏe cho người mặc trang phục. Người phụ nữ Lào với đôi tay khéo léo, tỉ mỉ, phải trải qua nhiều công đoạn để tạo ra những tấm vải thổ cẩm hoàn hảo nnhiều màu sắc, họa tiết, hoa văn đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Lào.
Trước đây, đồng bào Lào ở Điện Biên chủ yếu dệt thổ cẩm vào những lúc nông nhàn, sau vụ mùa bận rộn. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thấy nghề dệt không chỉ là bản sắc mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định, đồng bào đã phát triển nghề trang trí trên trang phục để phục vụ đời sống, là hồng động thiết thực nhằm bảo tồn, lưu giữ, phát huy nghề truyền thống của dân tộc.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên thông tin, để phát huy và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, những năm qua, Sở và chính quyền huyện Điện Biên, Điện Biên Đông đã mở các lớp tập huấn bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của một số dân tộc thiểu số. Đồng thời tỉnh tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lào.
Các sản phẩm váy, áo, túi sách, khăn quàng... được trưng bày, giới thiệu, bán tại các hội chợ triển lãm để, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ; đưa lên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để nhiều người biết đến.
Các cấp hội cơ sở đã tổ chức hội thi làm trang phục, thêu và dệt hoa văn thổ cẩm, trình diễn trang phục của người Lào nhằm giới thiệu vẻ đẹp, giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa đặc trưng tới đông đảo công chúng.
Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, góp phần cổ vũ, động viên cộng đồng thêm tự hào, yêu văn hóa, trang phục truyền thống; đồng thời, có ý thức trách nhiệm gìn giữ, phát huy nét đẹp riêng có, từng bước tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần phát triển du lịch Điện Biên./.
Xuân Tư
Nguồn: vietnamplus.vn