(TTĐN) - Năm 2019, Hà Nội được UNESCO công nhận tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo trên thế giới. Từ đó đến nay, Hà Nội đã và đang từng bước chuyển động theo hướng “Lấy sự sáng tạo và coi nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong tiến trình phát triển thành phố năng động, toàn diện và bền vững”.
|
Khung cảnh bên ngoài Bắc Bộ Phủ (Nhà khách Chính phủ). (Ảnh: Báo Tin tức)
|
Trong quá trình ấy, di sản văn hóa vừa là nền tảng tinh thần và vật chất để xây dựng Thành phố sáng tạo; đồng thời là nhân tố tham gia trực tiếp vào việc tạo lập các không gian sáng tạo của thành phố.
Các di sản văn hóa nói chung và các di tích kiến trúc nói riêng thường là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng tạo dựng, nuôi dưỡng, lưu truyền… Do đó nếu thích ứng tốt với xã hội đương đại sẽ có vai trò thu hút, thúc đẩy các hoạt động cộng đồng, tận dụng sự sáng tạo của mọi tầng lớp trong xã hội.
Với vị thế trung tâm đất nước hơn một thiên niên kỷ, Hà Nội là một tập hợp các dấu tích vật chất muôn vẻ; trong đó, những công trình kiến trúc tạo ra một khối di sản làm nên diện mạo hấp dẫn của đô thị. Đặc biệt, các công trình trên trục phố Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông - Tràng Tiền có ý nghĩa đặt nền móng cho một Hà Nội mang hình thái hiện đại, trải từ cuối thế kỷ XIX đến nửa sau thế kỷ XX.
Thời gian qua, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đồng hành, tham gia cùng UBND Hà Nội và các Kiến trúc sư trở thành nhân tố tiên phong trong quá trình thúc đẩy mối quan hệ giữa di sản văn hóa - kiến trúc với các hoạt động sáng tạo, kết nối liên ngành, góp phần cho sự phát triển Thành phố sáng tạo với bản sắc văn hóa mạnh mẽ. Đó chính là phần nội dung quan trọng được hiện thực hóa trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội do UBND thành phố Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc phối hợp tổ chức từ năm 2021. Đến nay, lễ hội đã trở thành hoạt động thường niên của thành phố với sự đồng hành của nhiều đối tác quan trọng trong nước và quốc tế.
Theo Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, di sản kiến trúc không chỉ là động lực về mặt tinh thần mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 với nội dung tập trung vào di sản cho thấy sự tương tác, cộng hưởng của các tác giả đương đại với di sản trong quá khứ, từ các khoảng không tới các tác phẩm cộng sinh.
Tại buổi tọa đàm “Di sản kiến trúc trong Thành phố sáng tạo” được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2024 với sự tham gia của các chuyên gia, kiến trúc sư, nhà văn hóa và cộng đồng tâm huyết như: KTS Hoàng Đạo Kính - một “hiệp sĩ” trong công tác bảo tồn di tích; Kiến trúc sư Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm luôn có những cách tiếp cận rất mới trong công tác quản lý đô thị và bảo tồn các di sản kiến trúc. Các nghệ sĩ và các kiến trúc sư trẻ cũng có những nghiên cứu và thực hành sáng tạo rất đáng ghi nhận. Những điểm nhìn mang tính hệ thống của các nhà nghiên cứu, kiến trúc cũng như những giải pháp mang lại sức sống cho các di sản này đã được trao đổi, thảo luận, góp phần tạo ra một cộng đồng tri thức, chia sẻ hiểu biết về di sản từ chính những chủ nhân của thành phố - những con người đang sống ở Hà Nội.
“Hiện nay, UNESCO đang dự kiến tách kiến trúc ra khỏi thiết kế và trở thành môn nghệ thuật thứ 8. Điều đó cho thấy, tầm quan trọng của kiến trúc. Tuy nhiên với kinh nghiệm tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo trong nhiều năm qua, chúng tôi nhận thấy rằng, nếu tách kiến trúc ra khỏi thiết kế sẽ là điều rất đáng tiếc” - Trưởng Phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Lan Anh cho biết.
Theo bà Phạm Lan Anh, để Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội thành công như hôm nay không thể thiếu sự đóng góp, tham gia của Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Tạp chí Kiến trúc đối với hoạt động sáng tạo. Kiến trúc trong Thiết kế sáng tạo là giá trị vật thể, mang tới nhiều kết quả để xây dựng hoạt động văn hóa của thành phố trong những năm tiếp theo.
Đến với những cách tiếp cận mới của các chuyên gia, từ các góc nhìn đa dạng, với sự kết nối của Nhà văn - Kiến trúc sư Nguyễn Trương Quý, các đại biểu tham dự tọa đàm đã cùng đối thoại với các kiến trúc sư chuyên ngành bảo tồn, nhà quản lý, tác giả các pavilion, tuyến di sản kiến trúc và nghệ sĩ, trong sự tương tác với kiến trúc, không gian đô thị và những tác phẩm nghệ thuật.
Bà Nguyễn Thị Thu Hoan, Phó Giám đốc Bảo tàng lịch sử Việt Nam cho rằng: “Tọa đàm đã mang tới từ khóa cho chúng tôi trong việc phát triển bảo tàng. Hiện nay, với các công năng được mở rộng, chúng ta cần có những cải tạo để nó phù hợp với đương đại. Việc kết hợp giữa kiến trúc và bảo tồn lần này đã mang đến cho chúng tôi những tiếp cận mới. Tôi rất mong, thời gian tới, việc bảo tồn trong thời gian tới của công trình sẽ có thêm sự đóng góp của các Kiến trúc sư”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Khôi, Trường Khoa học Liên ngành Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Hằng ngày, trước khi mở cửa Trường Đại học Tổng hợp, các bạn đến xếp hàng tham quan rất đông. Đây là điều rất tự hào với chúng tôi. Tôi mong muốn, sau Lễ hội, chúng ta sẽ vẫn giữ lại được các giá trị này cho các thế hệ tiếp theo”.
Kiến trúc sư Trương Ngọc Lân cho rằng: “Tôi mong các công trình này sẽ được mở cửa thường xuyên như một bảo tàng sống, để người dân được tiếp cận. Đó cũng là cơ hội để người dân tiếp cận với giáo dục nghệ thuật thông qua các công trình di sản”.
|
Những Pavilion là điểm nhấn tại lễ hội "Thiết kế sáng tạo 2024". (Ảnh: Báo Tin tức)
|
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024, lần đầu tiên, các đơn vị lữ hành đã thí điểm bán tour sáng tạo kết nối công trình di sản từng được coi là biểu tượng lịch sử văn hóa Thủ đô đã thu hút đông đảo người dân tham gia. “Tour di sản sáng tạo” với lộ trình tối ưu đã chuyển tải đến du khách giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của các di sản cũng như biểu tượng, hoạt động tại Lễ hội. Hành trình tour là cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa lịch sử và nghệ thuật từ các điểm đến như: Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bắc Bộ Phủ, Nhà hát Lớn, Đại học Tổng hợp (cũ)…
Hiện, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa với gần 6.000 di tích văn hóa, lịch sử; trong đó có 16 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt, gần 1.200 di tích được xếp hạng quốc gia; đặc biệt Khu Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới.
“Để phát huy kiến trúc di sản trong Thành phố sáng tạo, các Giáo sư, Tiến sỹ, chuyên gia trong ngành di sản, kiến trúc, các nhà lãnh đạo có những góc nhìn mới trong phát triển sáng tạo, nhà thiết kế, nghệ sĩ rất mong sẽ nhận được những giải pháp, sáng kiến bảo tồn, lưu trữ các công trình di sản, để thế hệ của rất nhiều năm về sau vẫn có thể được trải nghiệm những di sản đó”, Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam bày tỏ.
Tuyết Mai
Nguồn: baotintuc.vn