Có một nơi muôn triệu trái tim luôn hướng về
Người dân và du khách vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Người dân và du khách vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã dành trọn một đời tận hiến cho non sông đất nước, đấu tranh cho dân tộc Việt Nam, là tấm gương sáng chói để đồng bào học tập và noi theo. 79 năm trôi qua, Quảng trường Ba Đình ngày ấy đã sống mãi trong trái tim của lớp lớp thế hệ Việt Nam. Và nơi đó mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với cả dân tộc, bởi có Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để mỗi người dân Việt Nam đều mong muốn một lần đến thăm.

Với người dân Việt Nam, trong hành trình về với Thủ đô, được vào Lăng viếng Bác, thăm nơi Bác ở và làm việc luôn là niềm mong mỏi thiết tha. Còn với nhiều du khách quốc tế tới Việt Nam, họ cũng mong muốn được đến nơi này để hiểu vì sao người Việt Nam kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thế, vì sao người dân Việt Nam luôn gọi vị lãnh tụ của mình thật thân thương hai tiếng Bác Hồ như thế!

Đi giữa dòng người vào Lăng viếng Bác, bước chân lên những bậc thềm đá mát lạnh quanh linh cữu Người, ai ai cũng có nhiều cung bậc cảm xúc. Đó là niềm vui được vào Lăng viếng Bác và đó là những giọt nước mắt tri ân, cảm phục, yêu quý Người đã vì nước quên thân, vì dân tận hiến. Trong đoàn người nối dài ấy, có không ít người đã phải vượt quãng đường hàng ngàn cây số từ miền Nam hay Tây Nguyên để có mặt tại Lăng Bác. Có người mới được đến viếng Bác lần đầu tiên, có người may mắn hơn khi được vào Lăng viếng Bác nhiều lần, nhưng tất cả đều có cảm xúc chung, đó là lòng kính yêu, biết ơn vô hạn đối với Bác.

Không chỉ có những người cao tuổi mới có tình cảm đặc biệt với Bác mà thế hệ trẻ, những người sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình, độc lập cũng không khỏi bồi hồi khi nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều cụ tuổi đã cao chỉ mong mỏi được một lần ra Hà Nội để vào Lăng viếng Bác. Nhiều cháu bé rất nhỏ vẫn chăm chú nghe thuyết minh hay xem phim tư liệu về Bác Hồ.

Những ngày mùa Thu luôn có ý nghĩa đặc biệt với đất nước và dân tộc Việt Nam, không chỉ bởi đó là những ngày sôi động của cách mạng, là những ngày cả dân tộc nhất loạt đứng lên giành độc lập, là những ngày người dân cả nước với cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới tự hào là công dân của một nước Việt Nam độc lập, có tên trên bản đồ thế giới. Và cũng là những ngày đầy thương nhớ cho vị Cha già dân tộc về với thế giới của người hiền sau 79 mùa Xuân cống hiến cho đất nước và dân tộc.

Từ ngày 2/9/1945 cho tới ngày 2/9/2024, một chặng đường đấu tranh đầy vẻ vang nhưng cũng không ít đau thương của cả dân tộc, để giành giữ lấy độc lập, tự do, để xây dựng nên một nước Việt Nam ngày càng phát triển, để một dân tộc từng bị coi là nhược tiểu rũ bùn vùng dậy sánh vai với các quốc gia trên thế giới như ngày hôm nay.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được xem như biểu tượng vĩ đại, là niềm tự hào của đất nước và con người Việt Nam. Trước Lăng là Quảng trường Ba Đình lịch sử với diện tích 20.000m2. Lăng được xây dựng chính tại vị trí lễ đài cũ giữa Quảng trường Ba Đình, nơi Bác Hồ từng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Người dân đứng ở Quảng trường Ba Đình xem lễ thượng cờ trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Minh Ngọc)

Người dân đứng ở Quảng trường Ba Đình xem lễ thượng cờ trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Minh Ngọc)

Vào sáng mùa Thu 2/9/1973, Lễ khởi công xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã diễn ra tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, tất cả cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, công nhân, kỹ sư, người dân đều nén lòng xúc động rưng rưng. Ai cũng mong công trình nhanh hoàn tất để đón Người về giữa lòng Hà Nội. Cùng với nhân dân Hà Nội, hàng vạn người con ưu tú trên khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam, vượt qua mưa bom bão đạn, băng qua rừng sâu, vượt qua thác ghềnh, đi bộ cả ngàn cây số đưa những vật liệu chứa đựng tình cảm trân quý nhất của đồng bào về xây dựng Lăng.

Từ mọi miền đất nước, nhân dân đóng góp những vật liệu của địa phương mình, như: Xi măng Hải Phòng; đá dăm ở khu vực thác Bà, Xuân Hòa; cát vàng Kim Bôi hay gỗ của miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên... Các nghệ nhân từ khắp nơi cũng tụ hội để hoàn thành công trình lịch sử này. Sau 2 năm khẩn trương xây dựng, ngày 29/8/1975, công trình đặc biệt mang tên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện diện giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Bây giờ, mỗi ngày khi đều đặn quốc ca Việt Nam vang lên bên Lăng Bác, tất cả mọi người có mặt đều lặng im và trang nghiêm để nhìn lá cờ Việt Nam tung bay phấp phới trong lễ thượng cờ khi mặt trời bắt đầu chiếu rọi khắp muôn nơi. Nhiều người khi đến thăm Lăng Bác được hòa mình vào không khí trang nghiêm khi lễ thượng cờ và lễ hạ cờ ở Quảng trường Ba Đình diễn ra như đang được sống trong truyền thống hào hùng của dân tộc khi quốc ca vang lên. Đây là một nghi lễ cấp quốc gia, được thực hiện đều đặn mỗi ngày trước Lăng Bác.

Lễ thượng cờ được diễn ra vào 6 giờ sáng và lễ hạ cờ diễn ra vào 21 giờ hằng ngày. Nơi mang trái tim ấm áp và thiêng liêng của dân tộc Việt Nam vẫn ở đó hằng ngày chào đón những người con thân yêu của Bác đến thăm.

Canh giấc ngủ cho Người, gần 50 năm qua, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ tiêu binh danh dự tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được quan tâm tuyển chọn chặt chẽ, kỹ lưỡng, toàn diện cả về quân dung, hình thể, lý lịch chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ văn hóa; được tổ chức huấn luyện, rèn luyện công phu, nghiêm ngặt về điều lệnh, nghi lễ, sức chịu đựng dẻo dai theo quy trình khoa học, hợp lý, hình thành nên những chiến sĩ tiêu binh trong đội hình danh dự với một yêu cầu tiêu chuẩn “đúng, đều, mạnh, đẹp, trang nghiêm”. Được canh giấc ngủ cho Người, mỗi cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhận thức rõ đây không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là niềm tự hào, vinh dự lớn lao của mỗi người./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất