Âm nhạc và nghệ thuật truyền thống Việt Nam tỏa sáng ở Làng Pháp ngữ
Các làn điệu dân ca và chèo Việt Nam thu hút sự hâm mộ của đông đảo đại biểu tham dự hội nghị

Các làn điệu dân ca và chèo Việt Nam thu hút sự hâm mộ của đông đảo đại biểu tham dự hội nghị

Làn điệu quan họ "Mời nước, mời trầu", dân ca ba miền, điệu hát văn hòa quyện cùng những vũ điệu dân gian in đậm sắc mầu tín ngưỡng đạo Mẫu, cùng những thanh âm trầm bổng của đàn bầu, tiếng réo rắt của sáo trúc, âm hưởng dạt dào của đàn tranh... tất cả tạo nên một chương trình nghệ thuật đặc sắc mang chủ đề "Thăng long hội tụ" đã nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng không ngớt của khán giả.

Trong gian trưng bày của Việt Nam, khách tham quan, từ trẻ đến già, say sưa với những thao tác in tranh Đông Hồ, một nghệ thuật dân gian nổi tiếng đang được Việt Nam đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Có thể nói, âm nhạc và nghệ thuật truyền thống Việt Nam đã có dịp được tỏa sáng ở Làng Pháp ngữ.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu, phụ trách gian hàng Việt Nam tại Làng Pháp ngữ, cho biết gian hàng do thành phố Hà Nội đảm nhiệm nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá về con người, đất nước Việt Nam với bạn bè trong cộng đồng Pháp ngữ. Chương trình được chia thành hai nội dung gồm trưng bày các hình ảnh, hiện vật về đất nước, con người Việt Nam và biểu diễn nghệ thuật với chủ đề "Thăng long hội tụ".

Gian hàng được trang trí bằng những bức ảnh khổ lớn giới thiệu các di sản của Việt Nam đã được UNESCO công nhận bao gồm cả di sản vật thể, phi vật thể, tư liệu, các khu sinh quyển và công viên địa chất. Bên cạnh đó, một số tinh hoa sáng tạo của các làng nghề Thăng Long - Hà Nội cũng được quảng bá, trong đó nghệ thuật in tranh dân gian Đông Hồ được khách tham quan đặc biệt ưa thích.

Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư thành ủy Hà Nội giới thiệu với du khách dự Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm văn hóa của Việt Nam

Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư thành ủy Hà Nội giới thiệu với du khách dự Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm văn hóa của Việt Nam

Theo ông Lê Xuân Kiêu, trong mấy ngày qua, sự lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam đã được chào đón nồng nhiệt thông qua số lượng khách tham quan gian hàng Việt Nam, trong đó phải kể đến sự hiện diện của Thủ tướng Luxembourg và một số bộ trưởng các nước. Đặc biệt, bà Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội và một số thành viên chính thức của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ 19 cũng đã đến thăm Làng Pháp ngữ và gian hàng Việt Nam.

Ông Lê Xuân Kiêu cho biết hầu hết các vị khách quốc tế đều cảm thấy thú vị và thán phục Việt Nam về di sản và biểu diễn nghệ thuật. Bên cạnh đó, nhiều kiều bào và du học sinh Việt Nam cũng đã đến thăm gian hàng và họ rất xúc động khi nhìn thấy những hình ảnh thân thương của Việt Nam tại Làng Pháp ngữ.

Có cơ hội được trải nghiệm nghệ thuật in tranh Đông Hồ trên giấy Dó, 2 cô gái trẻ đến từ vùng lãnh thổ Kosovo Daniela Dushi và Merigona Vojvoda cho biết các cô đến với gian hàng Việt Nam trước hết là vì yêu thích đất nước này, sau nữa là vì rất ấn tượng với tranh dân gian cổ truyền Việt Nam.

Cô Dushi bày tỏ: "Việc các chất liệu tự nhiên truyền thống như giấy Dó, khuôn gỗ và sự tài hoa của nghệ nhân được truyền từ đời này sang đời khác khiến chúng tôi rất khâm phục. Đối với giới trẻ chúng tôi, việc gìn giữ truyền thống là rất quan trọng vì đó là lịch sử dân tộc".

Không chỉ tranh Đông Hồ mà những làn điệu dân ca và cả chiếc đàn bầu độc đáo cũng được khán giả Pháp ngữ hâm mộ. Ông Pierrick Hamon, một khán giả Pháp, cho hay: "Tôi rất vui khi được nghe lại âm nhạc Việt Nam. Tôi thường xuyên đến đất nước này trong các chương trình hợp tác giữa các địa phương Côtes-d'Armor và Nghệ An, Hà Tĩnh. Mới hôm qua, tôi gặp Chủ tịch thành phố Huế và cũng được thưởng thức âm nhạc của các bạn. Có thể nói các bài ca, điệu múa của Việt Nam đều rất đẹp và quyến rũ và tôi rất vui khi được xem màn trình diễn rất tuyệt vời của các nghệ sĩ Việt Nam trong buổi hôm nay".

Bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong khuôn khổ Pháp ngữ, ông Jean-Claude Mairal đến từ tổ chức "I-Dialogos Think tank"  đặc biệt quan tâm tới báo chí Việt Nam, trong đó có tờ Le Courrier du Vietnam, tạp chí tiếng Pháp duy nhất ở nước này. Ông Mairal nhấn mạnh: "Đối với chúng tôi, việc có mặt tại đây, giao lưu với các đối tác Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng". Chủ tịch Hiệp hội "Planète Jeunes Reporter" Frédéric Prulhiere thì lại mong muốn mời các phóng viên trẻ Việt Nam tham dự "Ngày hội phóng sự ngắn" do hiệp hội này tổ chức tại thành phố Vichy để mang lại cơ hội biểu đạt cho các nhà báo trẻ Pháp ngữ.

Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư thành ủy Hà Nội giới thiệu với du khách dự Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm văn hóa của Việt Nam

Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư thành ủy Hà Nội giới thiệu với du khách dự Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm văn hóa của Việt Nam

Diễn ra từ ngày 2-6/10 tại Trung tâm văn hóa công cộng Centquatre-Paris trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19, Làng Pháp ngữ là nơi trao đổi và khám phá các nền văn hóa trong cộng đồng các quốc gia có sử dụng tiếng Pháp. Với hơn 60 gian hàng, sự kiện thu hút sự tham gia của hàng chục quốc gia nói tiếng Pháp từ khắp nơi trên thế giới, tham gia giao lưu và khám phá sự đa dạng văn hóa thông qua các chương trình hoạt động và biểu diễn làm nổi bật sự sáng tạo và nghệ thuật sống của 5 châu lục. Hơn 30 quốc gia và khu vực trên khắp thế giới đã hội tụ ở Làng pháp ngữ để gặp gỡ, giới thiệu văn hóa, sáng kiến và di sản của họ. Các gian hàng cũng mở rộng cửa đón công chúng tới giao lưu, khám phá sự phong phú của nhiều chương trình đa ngành kết hợp sân khấu, hòa nhạc, trải nghiệm sống động, nghệ thuật, kỹ thuật số, nhiếp ảnh, điện ảnh, các buổi biểu diễn khiêu vũ hoặc hip hop, những cuộc gặp gỡ đầy cảm hứng...

Mỗi quốc gia có một gian hàng với nét đặc trưng của mình, nhưng việc 60 nước và tổ chức hội tụ ở đây đã mang lại cho Làng Pháp ngữ sự đa dạng văn hóa mà không nơi nào có được. Và trong sự đa dạng đó, Việt Nam cũng mang đến cho công chúng một "bữa tiệc" độc đáo với đủ mọi âm thanh, hình ảnh, màu sắc cùng sự trải nghiệm thú vị, để lại trong lòng khách tham quan những cảm xúc khó quên.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất