Việt Nam-Hà Lan hợp tác nuôi trồng thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Các bên đại biểu cùng thảo luận tại diễn đàn. (Ảnh: Thu Hiền)

Các bên đại biểu cùng thảo luận tại diễn đàn. (Ảnh: Thu Hiền)

Ngày 27/11, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức diễn đàn doanh nghiệp hợp tác triển khai các giải pháp thực tiễn nuôi trồng thủy sản bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Diễn đàn tạo cơ hội cho khu vực công, tư nhân Việt Nam và Hà Lan trao đổi về tiềm năng hợp tác trong nuôi trồng thủy sản bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long bằng cách thực hiện các giải pháp thiết thực và tạo điều kiện trao đổi kiến thức và chuyển giao công nghệ.

Sự hợp tác giữa Hà Lan và Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long đã có từ lâu với quan hệ đối tác chiến lược được ký kết về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực cũng như quản lý nước và Biến đổi Khí hậu.

Đồng bằng sông Cửu Long đứng đầu cả nước về sản lượng lúa gạo, thủy sản và trái cây. Những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với Biến đổi Khí hậu đã xác định xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo ba trọng tâm: thủy sản, cây ăn quả, lúa gắn với các tiểu vùng sinh thái.

Định hướng xây dựng ngành thủy sản trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long có quy mô lớn, hiện đại, sức cạnh tranh cao và bền vững thông qua các giải pháp về cơ cấu sản xuất; nhân tố sản xuất (nghiên cứu, chọn tạo, phát triển các giống thủy sản tiềm năng, lợi thế của vùng) và khoa học công nghệ (cơ giới hóa, phát triển công nghệ sau thu hoạch để giảm tỷ lệ tổn thất, nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả sản xuất)…

Với lợi thế tự nhiên từ hệ thống sông ngòi và vùng đồng bằng rộng lớn, Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với đối tượng chủ lực là tôm nước lợ và cá tra. Cá tra tập trung nuôi ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Trong khi đó, tôm được nuôi tập trung ở các tỉnh ven biển như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thông tin về nuôi trồng thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Thu Hiền)

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thông tin về nuôi trồng thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Thu Hiền)

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước là 1,3 triệu ha, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm đến 70% diện tích nuôi của cả nước. Sản lượng nuôi trồng thủy sản cả nước đạt 5,5 triệu tấn; trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tới 61,8% sản lượng cả nước. Về kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 9,2 tỷ USD; trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tới 57,6% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước.

Tuy nhiên, theo ông Phùng Đức Tiến, bên cạnh các lợi thế, nghề nuôi trồng thuỷ sản của Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như các vấn đề về Biến đổi Khí hậu, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học… cũng như các thách thức ngày càng gia tăng từ thị trường quốc tế.

Việt Nam và Hà Lan đã có hơn một thập kỷ hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực, quản lý nguồn nước, đặc biệt trong nuôi trồng thủy sản. Những nỗ lực này đã góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, triển khai giải pháp thực tiễn nhằm phát triển bền vững và có khả năng chống chịu cao.

Hà Lan là quốc gia đi đầu trong thực hành bền vững, có thế mạnh trong nghiên cứu dinh dưỡng, quản lý hợp tác xã, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản… Đây là lĩnh vực mà các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác để phát triển.

Nhận định nuôi trồng thủy sản là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long nơi chiếm 70% sản lượng thủy sản cả nước, ông Daniel Stork, Tổng lãnh sự, Lãnh sự quán Hà Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Hà Lan tự hào khi cung cấp những giải pháp, thiết kế đặc thù để giải quyết những thách thức mà người nuôi trồng thủy sản mà Việt Nam đối mặt.

"Thông qua cơ chế hợp tác, Việt Nam và Hà Lan có thể sử dụng những nguồn lực cần thiết trang bị cho nông dân kiến thức, công nghệ để áp dụng sinh kế, bảo vệ môi trường lâu dài. Để làm được điều này đòi hỏi sự tham gia của các bên liên quan ở cả khối công và tư nhân", Tổng lãnh sự Hà Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Ông Daniel Stork, Tổng Lãnh sự Hà Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về sự hợp tác giữa Hà Lan và Việt Nam trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Thu Hiền)

Ông Daniel Stork, Tổng Lãnh sự Hà Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về sự hợp tác giữa Hà Lan và Việt Nam trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Thu Hiền)

Tại sự kiện, với sự tham gia của các nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia, viện, trường và đối tác từ cả hai quốc gia Việt Nam và Hà Lan cùng tập trung thảo luận hai nhóm vấn đề chính là tam giác dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, các ý tưởng dự án hợp tác; đề xuất những giải pháp mang tính thực tiễn, phù hợp với tình hình thực tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Văn Hữu, đại diện Cục Thủy sản, đề xuất 6 hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan trong thực hành nuôi trồng thủy sản bền vững. Theo đó, Hà Lan có thể hỗ trợ quản lý nguồn nước, mô hình kinh tế tuần hoàn; chuyển giao công nghệ tiên tiến (ứng dụng IoT và AI), chương trình chọn giống; đào tạo và nâng cao năng lực và phát triển thị trường và thương mại; giảm thiểu tác động của Biến đổi Khí hậu...

Năm 2023, Hà Lan triển khai chương trình combi-track với phương thức tiếp cận tích hợp phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư bền vững cho nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là chương trình huy động sự hợp tác giữa khối công, tư nhân của Việt Nam và Hà Lan tập trung vào các hành động cụ thể phát triển bền vững, tạo việc làm, cải thiện chất lượng nước, giảm lượng khí thải CO2.

Theo ông Michiel Smit, Cục Doanh nghiệp Hà Lan, để nuôi trồng, sản xuất thủy sản bền vững trong bối cảnh dịch bệnh, chi phí sản xuất tăng cao, áp lực môi trường và quản lý nước, thành công chỉ có thể được đảm bảo khi có sự tập trung và hỗ trợ mạnh mẽ vào quản lý nước, an toàn thực phẩm, quản lý trang trại và ứng dụng công nghệ./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất