Tiếp thêm xung lực cho quan hệ hợp tác Việt Nam-Singapore
Các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút khởi động Dự án Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh-VSIP Cần Thơ, VSIP thứ 13 trong cả nước và là dự án đầu tiên tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Ngọc Thiện)

Các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút khởi động Dự án Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh-VSIP Cần Thơ, VSIP thứ 13 trong cả nước và là dự án đầu tiên tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Ngọc Thiện)

Trải qua nửa thế kỷ thiết lập quan hệ và nhất là sau khi nâng cấp lên Đối tác chiến lược năm 2013, quan hệ Việt Nam-Singapore ngày càng đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả, thực chất.

Hai nước hiện là đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trong nhiều lĩnh vực, từ thương mại và đầu tư tới ngoại giao, an ninh, quốc phòng...

Trong các cuộc trao đổi với phóng viên, các chuyên gia, học giả đều đánh giá chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Singapore từ ngày 1-3/12 được kỳ vọng sẽ tiếp thêm xung lực thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ song phương vốn còn rất nhiều dư địa để phát triển.

Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Singapore dựa trên sự gắn kết hết sức tự nhiên giữa hai quốc gia, hai dân tộc, đồng thời đã, đang và sẽ là điểm sáng tiêu biểu cho sự hợp tác hiệu quả tại khu vực và thế giới.

Quan hệ Việt Nam-Singapore là một hình mẫu thành công cả trên bình diện song phương và đa phương, được thiết lập dựa trên sự tin cậy chiến lược, tình cảm chân thành và tôn trọng lẫn nhau.

Hợp tác chính trị, ngoại giao các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội giữa hai nước được triển khai hiệu quả với tần suất trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, tiếp xúc song phương gia tăng.

Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Singapore vào tháng 2/2023 đã thành công tốt đẹp với nhiều kết quả cụ thể, thiết thực, và không lâu sau đó là chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Lý Hiển Long đến Việt Nam vào tháng 8/2023.

Hợp tác giữa hai Quốc hội Việt Nam và Singapore thời gian qua cũng được đẩy mạnh.

Chủ tịch Quốc hội hai bên đã tổ chức hội đàm trực tuyến tháng 7/2021 thảo luận thực chất về hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp. Chủ tịch Quốc hội Singapore đã đến Việt Nam dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) và thăm chính thức Việt Nam tháng 5/2022. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác giữa hai Quốc hội nhân dịp này.

Đại sứ Việt Nam tại Singapore ông Mai Phước Dũng trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Tất Đạt)

Đại sứ Việt Nam tại Singapore ông Mai Phước Dũng trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Tất Đạt)

Theo đánh giá của Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng, tiếp theo các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước trong năm 2022-2023, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đến Singapore lần này thể hiện sự toàn diện trong mối quan hệ đang hết sức tốt đẹp giữa Việt Nam và Singapore.

Chuyến thăm cũng nhằm đáp lễ chuyến thăm của nguyên Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin đến Việt Nam vào tháng 5/2022, thể hiện sự toàn diện trong mối quan hệ ngoại giao đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao nghị viện.

Ngoài hợp tác chính trị, xây dựng lòng tin chiến lược, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư có thể nói là một điểm sáng trong quan hệ song phương Việt Nam-Singapore.

Ông Cao Xuân Thắng, Tham tán Thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Singapore đạt gần 26,1 tỷ đôla Singapore (SGD), tăng 8,64% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu tăng mạnh ở mức 32,59%, đạt hơn 7,1 tỷ SGD và nhập khẩu gần 19 tỷ SGD, tăng 1,77%.

Trong nhiều năm qua, Singapore luôn nằm trong nhóm những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam.

Bà Thái Thu Phương, Tham tán Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, cho biết tính tới hết tháng 10/2024, Singapore tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 trong số 148 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với 3.838 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đạt 81,1 tỷ USD.

Trong 10 tháng đầu năm 2024, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Singapore đứng thứ 1 trong số 91 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký cấp mới/tăng thêm/mua bán sáp nhập đạt hơn 7,8 tỷ USD, tăng 61% so với cùng kỳ, chiếm 28,6% của cả nước.

Nhận định về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Singapore, Phó Giáo sư Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, cho rằng hai nước có tính tương đồng rất cao về hệ thống chính trị, có tiềm năng cộng hưởng rất lớn, nên có thể thực hiện những chiến lược hợp tác rất lâu dài.

Singapore đã là một minh chứng thành công tiến nhanh từ “thế giới thứ ba” (các nước nghèo hoặc đang phát triển) lên “thế giới thứ nhất” (các nước có trình độ khoa học kỹ thuật tiến bộ và người dân có mức sống cao) trong một khoảng thời gian rất ngắn. Và Việt Nam hiện có tiềm năng và động lực to lớn, có khả năng tiến tới “thế giới thứ nhất” trong vòng hai thập kỷ tới.

Cũng theo chuyên gia Vũ Minh Khương, điều rất quan trọng là niềm tin chiến lược giữa hai nước hiện ở mức cao và sẽ ngày càng cao hơn nữa.

Sự hợp tác chặt chẽ hơn và sâu rộng hơn giữa Việt Nam và Singapore sẽ giúp đẩy nhanh bước tiến của Việt Nam trong kỷ nguyên mới này, trở thành một quốc gia phát triển.

Đồng thời Singapore cũng hưởng được rất nhiều lợi ích từ sự phát triển của Việt Nam để củng cố vị thế hàng đầu của mình ở châu Á và thế giới.

Giới chuyên gia tại Singapore nhận định, hợp tác Việt Nam-Singapore tới nay được nhìn nhận là một hình mẫu của hợp tác song phương tại khu vực Đông Nam Á và vẫn còn rất nhiều dư địa để có thể tăng cường hơn nữa, nhất là khi hai nước hướng tới nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2025.

Các lĩnh vực hợp tác mới nổi về kinh tế số, kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, tín chỉ carbon, hợp tác tài chính... sẽ là những lĩnh vực tiềm năng, có lợi ích song trùng mà hai bên có thể tiếp tục thúc đẩy trong thời gian tới./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất