Thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế-đầu tư giữa Việt Nam và Italy
Đoàn công tác CMSC chụp ảnh cùng các quan chức Tập đoàn CDP. (Ảnh: TTXVN)

Đoàn công tác CMSC chụp ảnh cùng các quan chức Tập đoàn CDP. (Ảnh: TTXVN)

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Italy trong các ngày 24-25/10, Đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghệp (CMSC), do đồng chí Nguyễn Cảnh Toàn - Phó Chủ tịch CMSC làm Trưởng đoàn, đã có các buổi làm việc với Tập đoàn Bảo hiểm và Tài chính tín dụng Italy (SACE), Tập đoàn CDP và Tập đoàn SIMEST, thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Italy.

Tham dự các buổi làm việc có đại diện các đơn vị thuộc CMSC, các Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Bảo hiểm PJCO, Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh.

Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng cùng tham dự các buổi làm việc

Về phía SACE có bà Michal Ron - Giám đốc Kinh doanh quốc tế, đại diện Tập đoàn SACE, cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp.

Về phía CDP có ông Cristina Morelli, Trưởng đoàn CDP, Trưởng bộ phận Chủ quyền, Tổ chức Tài chính và Doanh nghiệp và ông Francesco Masera - Trưởng Bộ phận kinh doanh, quản trị và xúc tiến quan hệ đối tác. Về phía SIMEST có ông Carlo De Simone - Trưởng Bộ phận Phát triển Kinh doanh Quốc tế.

Phát biểu tại buổi làm việc với SACE, Phó Chủ tịch Nguyễn Cảnh Toàn nhấn mạnh rằng đại diện những tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu ngành của Việt Nam, hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như vận tải, hàng không, viễn thông, tài chính tham gia đoàn, đều mong muốn thông qua học hỏi, trao đổi kinh nghiệm quốc tế, sẽ tiếp tục đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước và quản trị doanh nghiệp, thể hiện được vai trò dẫn dắt các thành phần kinh tế, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô của chính phủ.

Phó Chủ tịch Nguyễn Cảnh Toàn nêu rõ tại Italy, đoàn đã làm việc với Quỹ đầu tư SACE của Italy, một đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp tài chính đầu tư cho các doanh nghiệp Italy, nhất là trong thời gian vừa qua khi kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Italy cũng đạt được các kết quả nhất định.

Theo báo cáo sáu tháng đầu năm của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt khoảng 3,4 tỷ USD. Việc ký kết MoU giữa SCIC và SACE sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp của cả hai nước hợp tác và đầu tư.

Về phần mình, bà Michal Ron giới thiệu SACE là công ty bảo hiểm tín dụng xuất khẩu và đầu tư của Chính phủ Italy, được thành lập năm 1977, chuyên cung cấp các giải pháp tài chính và bảo hiểm cho các doanh nghiệp Italy, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), nhằm hỗ trợ họ trong việc mở rộng ra thị trường quốc tế.

Theo bà, sự phát triển kinh tế nhanh chóng cùng vai trò quan trọng của Việt Nam trong chuỗi công nghiệp toàn cầu đã giúp Việt Nam trở thành một đối tác tiềm năng lớn của Italy. Việt Nam là cánh cổng dẫn tới khu vực Đông Nam Á.

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp Italy đã xuất khẩu nhiều sản phẩm sang Việt Nam.

Bà cho biết SACE hiện đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam để đưa các doanh nghiệp Italy đến Việt Nam trong trung và dài hạn, cũng như đang cân nhắc các hoạt động đầu tư ở nhiều lĩnh vực thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như thực phẩm-đồ uống; đặc biệt càphê hay nông sản, hàng hóa, điện tử, logistics, y tế-chăm sóc sức khỏe.

Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc SCIC Nguyễn Quốc Huy và bà Michal Ron đại diện SACE đã ký MoU về hợp tác giữa hai bên.

SCIC là doanh nghiệp 100% sở hữu vốn nhà nước, hoạt động theo mô hình tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp, có quy mô vốn chủ sở hữu hàng đầu tại Việt Nam, có mạng lưới quan hệ đối tác quốc tế rộng lớn gồm các Quỹ Đầu tư quốc gia tại nhiều vùng và lãnh thổ trên thế giới.

Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đặt nền móng tốt cho quan hệ đối tác giữa hai tập đoàn nói riêng, góp phần phát triển mối quan hệ hữu nghị hơn 50 năm qua giữa Việt Nam và Italy.

Bà Michal Ron nêu rõ: “Chúng tôi rất vui mừng cùng tổ chức Lễ ký thỏa thuận hợp tác với SCIC của Việt Nam, đất nước mang tính chiến lược đối với chúng tôi.

Tôi cho rằng với thỏa thuận hợp tác với SCIC, chúng ta sẽ có một mối quan hệ rộng mở cho rất nhiều các lĩnh vực ở Việt Nam và tạo ra những điều kiện thực sự thuận lợi vì nhu cầu của doanh nghiệp Italy và Việt Nam trong các lĩnh vực tương ứng có sự bổ sung hoàn hảo cho nhau".

Về phần mình, ông Nguyễn Quốc Huy tin tưởng rằng MoU là bước khởi đầu ý nghĩa, quan trọng để hai bên phát triển mạnh mẽ quan hệ đối tác. Đây cũng được xem là nền tảng thuận lợi cho SCIC và SACE tìm kiếm, nhận diện và xúc tiến thêm nhiều hơn nữa các cơ hội hợp tác trong tương lai.

SCIC mong muốn với cơ chế hợp tác vừa được thiết lập cùng SACE, SCIC sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư Italy tham gia vào quá trình thoái vốn của SCIC tại doanh nghiệp trong danh mục trên, đồng thời cũng mang lại các cơ hội đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp/nhà đầu tư Italy.

Sau đó, tại buổi làm việc với Tập đoàn CDP và Tổ chức tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp Italy ở nước ngoài (SIMEST), Phó Chủ tịch Nguyễn Cảnh Toàn nhấn mạnh việc CMSC luôn mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Italy thúc đẩy giao thương, đầu tư trên tất cả các lĩnh vực.

Đoàn rất sẵn lòng làm cầu nối hỗ trợ CDP, SIMEST tiếp cận, trao đổi với các bộ, ngành, địa phương liên quan cũng như giới thiệu với các doanh nghiệp phù hợp, có năng lực để cùng xem xét, nghiên cứu khả năng đầu tư tại thị trường Việt Nam.

Phó Chủ tịch Nguyễn Cảnh Toàn đã mời lãnh đạo và các đồng nghiệp CDP và SIMEST thăm và làm việc tại CMSC và các doanh nghiệp do CMSC làm đại diện chủ sở hữu nhân các chuyến công tác của hai đối tác trong thời gian tới.

Đoàn công tác Việt Nam đã được nghe các đại diện CDP và SIMEST giới thiệu về tổ chức, hoạt động, tiềm năng và các cơ hội hợp tác.

Các đại diện và đại biểu khách mời tại Lễ ký MoU về hợp tác giữa SCIC và SACE. (Ảnh: TTXVN)

Các đại diện và đại biểu khách mời tại Lễ ký MoU về hợp tác giữa SCIC và SACE. (Ảnh: TTXVN)

CDP là một tổ chức tài chính quan trọng của Chính phủ Italy, được thành lập vào năm 1850 với sứ mệnh hỗ trợ phát triển kinh tế thông qua việc cung cấp vốn cho các dự án hạ tầng và phát triển bền vững.

Tính đến năm 2023, CDP quản lý tổng tài sản lên tới khoảng 400 tỷ euro. CDP cung cấp nhiều dịch vụ tài chính như cho vay cho các dự án hạ tầng, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), cũng như tài trợ cho các sáng kiến xanh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

CDP cũng tham gia vào nhiều tổ chức đa phương nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển bền vững.

Trong khi đó, SIMEST được thành lập năm 1991, chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp Italy trong quá trình mở rộng ra thị trường quốc tế, đặc biệt là tại các khu vực chiến lược như châu Á, nơi Việt Nam được xem là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Các đại diện của CDP và SIMEST đều bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, nông nghiệp, hạ tầng giao thông và tài chính-ngân hàng.

CDP và SIMEST đều thể hiện sự cam kết và mong muốn tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc quan hệ hợp tác hơn nữa sự hợp tác này trong thời gian tới.

Nhân dịp này, Đoàn công tác CMSC cũng đến thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Italy.

Phó Chủ tịch CMSC Nguyễn Cảnh Toàn bày tỏ mong muốn Đại sứ quán Việt Nam tại Italy luôn quan tâm, hỗ trợ hơn nữa đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp thuộc CMSC nói riêng đang và sẽ kết nối đầu tư kinh doanh với các doanh nghiệp Italy./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất