Nỗ lực đưa hàng Việt trực tiếp vào kênh phân phối của Trung Quốc
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

Thưa ông, ông đánh giá gì về vai trò của thị trường Trung Quốc đối với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam?

Trung Quốc là thị trường lớn với 1,4 tỷ dân, sức mua lớn, là thị trường hấp dẫn với không chỉ hàng hoá Việt Nam mà còn là hàng hoá của nhiều quốc gia khác. Với tốc độ nhập khẩu lớn đối với nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, nông lâm thuỷ sản… đây là thị trường lớn mà Việt Nam không thể bỏ lỡ.

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang thị trường Trung Quốc trong 8 tháng đạt 38,28 tỷ USD, tăng nhẹ 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 1,44 tỷ USD).

Chiều ngược lại, 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt 92,5 tỷ USD, tăng mạnh 34,25% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng 23,6 tỷ USD).

Nhìn vào con số kim ngạch xuất khẩu này, có thể thấy, Trung Quốc là bạn hàng rất quan trọng của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước có thể sớm đạt mốc 200 tỷ USD, chiếm đến gần 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Bên cạnh các kết quả tích cực, theo ông, đâu là điểm còn hạn chế trong việc gia tăng bền vững kim ngạch thương mại hai chiều?

Tuy là thị trường lớn nhưng Trung Quốc cũng ngày càng đòi hỏi cao về các tiêu chuẩn như mã số vùng trồng, mã đóng gói, tiêu chuẩn xuất khẩu… Đây là điều doanh nghiệp phải lưu ý.

Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng do Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp tổ chức cùng với sự hợp tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Hiệp hội Rau quả Việt Nam và các đối tác Trung Quốc... (Ảnh: Nguyên Minh)

Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng do Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp tổ chức cùng với sự hợp tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Hiệp hội Rau quả Việt Nam và các đối tác Trung Quốc... (Ảnh: Nguyên Minh)

Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam nhập khẩu rất nhiều hàng hoá từ Trung Quốc. Đa phần trong đó là nguyên phụ liệu sản xuất, là không đáng lo. Tuy nhiên, Việt Nam cũng nhập khẩu rất nhiều nông sản, hàng tiêu dùng từ Trung Quốc. Do đó, phải nâng cao sức cạnh tranh hàng hoá nội địa để gia tăng xuất khẩu sang thị trường này, từ đó giúp giảm bớt thâm hụt, tiến tới cân bằng cán cân thương mại.

Ngoài ra, hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều khung khổ hội nhập như FTA ASEAN – Trung Quốc, CPTPP… Song, khả năng tận dụng của Việt Nam theo tôi chỉ khoảng 30-40%. Các Bộ ngành đã tốn rất nhiều thời gian, công sức nhằm mở ra các khung khổ hội nhập này, cho nên các doanh nghiệp cần lưu ý tận dụng tốt hơn để gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đáng chú ý, hiện nay thương mại điện tử xuyên biên giới được Trung Quốc tận dụng tương đối tốt để đưa hàng hoá sang Việt Nam. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Việt Nam chưa tận dụng tốt ưu thế này. Do đó cần nỗ lực tận dụng ưu thế này, xây dựng các kho hàng lớn ở biên giới nhằm tận dụng lợi thế của các địa phương biên giới nhằm đưa hàng vào sâu thị trường Trung Quốc.

Với vai trò là một thị trường lớn và đặc biệt quan trọng của hàng Việt Nam, ông có lưu ý gì để kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước ngày càng tăng trưởng bền vững?

Thời gian qua, thông qua các khung khổ hợp tác, Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất quan điểm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá nhập khẩu vào thị trường của nhau. Hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã đạt con số 180 tỷ USD và đang tràn trề cơ hội sớm tiến tới mốc 200 tỷ USD. Để tiếp tục gia tăng thương mại hai chiều một cách bền vững, cần phải lưu ý một số vấn đề:

Thứ nhất, đầu tư nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng hàng hoá để đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của các quốc gia khác tại thị trường Trung Quốc.

Thứ hai, nâng cao năng lực vận chuyển, giảm chi phí logistics để năng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi không chỉ Bộ Công Thương mà cả Bộ Giao thông Vận tải, các địa phương có chung đường biên giới cũng phải vào cuộc cải thiện hệ thống đường giao thông, đầu tư xây dựng kho bãi sát biên giới...

Thứ ba, đẩy mạnh thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm tận dụng lợi thế đưa hàng hoá Việt vào sâu thị trường Trung Quốc.

Thứ tư, hiện nay, hàng hoá Việt Nam vẫn qua các trung gian, đầu mối trước khi đến hệ thống phân phối của nước bạn. Cho nên các doanh nghiệp cần tăng cường làm việc, kết nối giao thương với các hệ thống phân phối, chợ, siêu thị của phía bạn nhằm đưa hàng hoá trực tiếp vào các kênh phân phối này, từ đó giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh, dễ dàng hơn trong xây dựng thương hiệu.

Thứ năm, Trung Quốc là thị trường rộng lớn và mỗi một tỉnh, một thành phố của Trung Quốc đều là một “mảnh đất” tiềm năng. Do đó, cần gia tăng các hoạt động xúc tiến thương mại chuyên sâu vào các địa phương của Trung Quốc để đa dạng cơ hội cho hàng hoá Việt Nam.

Thứ sáu, phát huy vai trò của các cơ quan thương vụ, văn phòng đại diện, các tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc để tăng cường thông tin thị trường, giúp doanh nghiệp nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nước sở tại.

Xin cảm ơn ông!

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất