Những chuyển biến trong kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Liên bang Nga

Nhiều doanh nghiệp cũng đưa được thương hiệu ra nước ngoài. Đây chính là khẳng định thương hiệu quốc gia của Việt Nam. Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Nga phỏng vấn ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga về nội dung này.

PV: Thưa ông, từ đầu năm đến nay, hợp tác thương mại Việt Nam - LB Nga và tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nga đã có những tín hiệu tích cực. Xin ông cho biết cụ thể?

Ông Dương Hoàng Minh: Có thể nói trong năm 2024 này hợp tác thương mại Việt Nam- LB Nga có những bước phát triển rất tích cực. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và LB Nga trong 3 quý đầu năm đạt 3,52 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số hết sức ấn tượng, trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang LB Nga đạt 1,78 tỷ USD, tăng 51% so với 9 tháng của năm ngoái. Ngược lại, xuất khẩu hàng hóa của LB Nga sang Việt Nam cũng đạt 1,74 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong số này, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đạt kim ngạch cao là dệt may, 9 tháng qua đạt 616 triệu USD - tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái, cà phê đạt 236 triệu USD - tăng 29%, thủy sản đạt 165 triệu USD - tăng 100%, đóng góp vào bức tranh hợp tác kinh tế - thương mại giữa 2 nước. Trong đó các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam là nông lâm thủy sản, dệt may chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang LB Nga.

PV: Xin ông cho biết những nhân tố nào đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và LB Nga từ đầu năm đến nay?

Ông Dương Hoàng Minh: Có mấy nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên là khó khăn trước đây chúng ta gặp phải về thanh toán, về vận tải thì hiện đang từng bước được tháo gỡ. Một nguyên nhân rất quan trọng là hoạt động xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường Nga đang được chú trọng và đẩy mạnh. Từ cuối năm ngoái, khi Đại sứ quán Việt Nam phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương tổ chức triển lãm “Hàng Việt Nam chất lượng cao” tại Tổ hợp Thương mại Hà Nội - Moscow đã tạo ra hiệu ứng rất tích cực. Năm nay, rất nhiều đoàn của Việt Nam đã sang Nga để tìm hiểu thị trường.

Đặc biệt, trong tháng 9, đoàn 50 doanh nghiệp Việt Nam đã tham dự Hội chợ Thực phẩm và đồ uống quốc tế tại LB Nga. Song song với đó là một đoàn doanh nghiệp thực hiện công tác giao thương với các doanh nghiệp Nga. Trong tháng 11 này, đoàn doanh nghiệp của Hiệp hội Tiêu dùng Việt Nam và Hội doanh nghiệp Hà Nội cũng sẽ tổ chức đoàn xúc tiến thương mại tại LB Nga. Chính những yếu tố này đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy giao thương giữa 2 nước, góp phần làm tăng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước trong thời gian vừa qua.

PV: Như vậy, thị trường Nga đã có những sức hút nhất định đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã cố gắng xây dựng thương hiệu cho mình. Có thể nói xây dựng thương hiệu đã khó, bảo vệ và giữ được thương hiệu lại càng khó hơn. Việc đưa được thương hiệu ra nước ngoài chính là khẳng định thương hiệu quốc gia của Việt Nam. Tuy nhiên, rất tiếc, trong thời gian qua, một số doanh nghiệp khi đưa sản phẩm ra nước ngoài lại bị làm giả, làm nhái. Vậy ông có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp trong trường hợp này?

Ông Dương Hoàng Minh: Trước hết, các doanh nghiệp phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại thị trường nước ngoài. Thứ hai là nên có sự hiện diện, mở công ty hoặc văn phòng đại diện để quản lý việc kinh doanh tại thị trường, qua đó có thể tránh hoặc đấu tranh với hiện tượng làm hàng giả, hàng nhái sản phẩm trên thị trường sở tại. Thứ ba là nếu có vấn đề gì, các doanh nghiệp nên phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán, với Cơ quan thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài để cùng nhau bảo vệ tốt sản phẩm của Việt Nam đã có thương hiệu trên thị trường nước ngoài.

PV: Xin cảm ơn ông.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất