|
Các container hàng hóa tại cụm cảng Cái Mép. (Ảnh: TTXVN)
|
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1972, quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2007 và quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2016, thương mại hai chiều giữa Việt Nam-Ấn Độ đã tăng 2,5 lần từ khi hai nước nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, đạt gần 15 tỷ USD trong năm 2023.
Hai nước còn nhiều tiềm năng trong hợp tác thương mại-đầu tư với các thế mạnh như thị trường đông dân nhất thế giới, kinh tế phát triển năng động.
Đặc biệt, các tập đoàn lớn của Ấn Độ đang thúc đẩy triển khai hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực chiến lược như năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, dầu khí, dược phẩm, hạ tầng cảng biển, logistics.
Về phía Việt Nam, Tập đoàn Vinfast đã khởi công xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất ôtô tại bang Tamil Nadu với số vốn cam kết 2 tỷ USD.
Vì vậy, chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ấn Độ có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác Chiến lược Toàn diện với Ấn Độ, góp phần thắt chặt quan hệ hai nước.
Thị trường tiềm năng
Đánh giá từ các chuyên gia, thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam-Ấn Độ và đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Cùng đó, Việt Nam cũng có lợi thế về vị trí địa lý gần Trung Quốc và chi phí vận chuyển thấp, dẫn đến khối lượng và giá trị thương mại lớn với thị trường này.
Ngoài Tiểu ban Thương mại chung, Nhóm công tác chung về nông nghiệp, y tế, công nghệ thông tin... hai bên còn có các trao đổi về hợp tác thương mại và kinh tế trong lĩnh vực tương ứng.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Ấn Độ hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Nam Á và là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam.
Đáng lưu ý, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch của Việt Nam với các nước Nam Á khác và có sự tăng trưởng đáng kể.
|
May quần áo xuất khẩu tại Công ty cổ phần May xuất khẩu Gia Tộc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. (Ảnh: TTXVN)
|
Nếu như giai đoạn 2011-2016, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam Ấn Độ tăng 1,3 lần từ 2,9 tỷ USD lên 5,4 tỷ USD; tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 17,3% thì giai đoạn 2017-2023, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam Ấn Độ đã tăng 1,8 lần từ 7,7 tỷ USD lên 14,3 tỷ USD; tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 12%.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Ấn Độ đạt 7,18 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Ấn Độ gồm máy tính và hàng điện tử, điện thoại di động và phụ kiện; máy móc và thiết bị, thép và kim loại khác, hóa chất, giày dép, hàng may mặc, cao su, sản phẩm gỗ...
Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ hàng kỹ thuật, nông sản (bao gồm thịt và thủy sản), hóa chất và dược phẩm, hàng điện tử, khoáng sản, bông và dệt may, nhựa...
Thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho thấy, sản phẩm quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Trung Quốc), Hoa Kỳ và các nước thuộc Liên minh châu Âu-EU.
Trong số đó, Ấn Độ và Trung Quốc là 2 thị trường xuất khẩu chính của hoa hồi Việt Nam chiếm lần lượt khoảng 50% và 25% tỷ trọng.
Ấn Độ tiêu thụ sản phẩm quế, hồi hàng đầu thế giới cũng là nước sản xuất dược liệu lớn. Hiện tại, Việt Nam thống lĩnh thị trường Ấn Độ với hơn 80% lượng nhập khẩu quế, hồi.
Việt Nam là quốc gia cung cấp mặt hàng quế lớn nhất cho thị trường này. Riêng năm tài chính 2022-2023 Việt Nam đã xuất khẩu 32.650 tấn quế, chiếm 85% lượng quế nhập khẩu của Ấn Độ.
Bên cạnh đó, quế Việt Nam được ưa chuộng tại Ấn Độ do hàm lượng tinh dầu tốt, có hương vị đặc trưng. Mặt khác, lợi thế để xuất khẩu sản phẩm này sang Ấn Độ là nhờ ưu đãi thuế quan từ Hiệp định FTA ASEAN-Ấn Độ. Đặc biệt, với dân số đông, Ấn Độ có dải nhu cầu của thị trường rất lớn về quế, hồi, dược liệu.
Cũng trong dòng sản phẩm gia vị, Ấn Độ là thị trường tiêu thụ hồ tiêu lớn thứ tư của Việt Nam với khối lượng đạt 6.813 tấn, trị giá 28 triệu USD, tăng 46,5% về lượng và tăng 90,6% về trị giá.
Nhiều cơ hội hợp tác
Mặc dù quan hệ thương mại Việt Nam-Ấn Độ tăng trưởng khả quan nhưng Bộ Công Thương cho rằng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên. Bởi, Việt Nam và Ấn Độ có nền kinh tế tăng trưởng tốt và môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, năm 2024 GDP của Việt Nam sẽ đạt mức gần 6%. Sự tăng trưởng của nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô là những yếu tố hết sức quan trọng thu hút đầu tư của doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Ấn Độ.
Ngoài ra, Việt Nam và Ấn Độ đã thiết lập được đường bay thẳng giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với nhiều thành phố của Ấn Độ như Delhi, Mumbai... với tần suất gần 50 chuyến bay/tuần. Điều này vô cùng thuận lợi cho việc di chuyển của cá nhân, doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên tìm hiểu, thâm nhập thị trường của nhau.
Hơn nữa, Việt Nam có thể cung cấp cho Ấn Độ nhiều loại hàng hóa đa dạng, từ nông thủy sản, gia vị phục vụ tiêu dùng và sản xuất xuất khẩu; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, thiết bị điện tử; các sản phẩm hóa chất, phân bón, chất dẻo; đến các sản phẩm tiêu dùng, đồ thủ công mỹ nghệ…
Ngược lại, Ấn Độ là nguồn cung cấp nguyên phụ liệu phục vụ cho các ngành sản xuất trong nước của Việt Nam như dệt may, da giày; dược phẩm; linh kiện, phụ tùng; thức ăn gia súc và nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc; khoáng sản…
Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ chỉ chiếm 2,1% trong xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới; tỷ trọng nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ chỉ chiếm 1,97% trong nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới.
|
Sản phẩm sợi từ nguyên liệu tơ tằm của Công ty TNHH Sunfeel Việt Nam (KCN Phú Hội, huyện Đức Trọng) được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ. (Ảnh: TTXVN)
|
Mặt khác, Ấn Độ đã ban hành và áp dụng một loạt các biện pháp chính sách hạn chế thương mại đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực và làm gián đoạn hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp hai nước.
Chưa kể, hàng hóa xuất khẩu của hai nước có cơ cấu khá tương đồng, đặc biệt là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như may mặc, giày dép, nông sản... và chính sách bảo hộ thương mại cứng rắn của Ấn Độ đã tạo ra thách thức cạnh tranh lớn giữa hàng hóa xuất khẩu hai nước trên thị trường.
Theo Bộ Công Thương, tới đây doanh nghiệp cần tập trung vào lĩnh vực phát triển mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, công nghiệp phần mềm, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Theo đó, Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản chất lượng cao sang Ấn Độ như hoa quả chế biến; trái cây tươi (quả thanh long); chè; càphê; gia vị; ngũ cốc và các loại hạt, sản phẩm chế biến từ ngũ cốc; cá tra/ba sa…
Ngoài ra, Ấn Độ tăng cường cung cấp nguyên phụ liệu dệt may, da giày; linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp sản xuất điện thoại di động, điện tử, cơ khí chế tạo của Việt Nam.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp hai nước có thể tăng cường hợp tác đầu tư về điện tử, bán dẫn, công nghệ thông tin; luyện kim; vật liệu xây dựng; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến thực phẩm; dược phẩm. Đây đều là những ngành mà Ấn Độ có kinh nghiệm và thế mạnh phát triển, Việt Nam có nhu cầu phát triển, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Somesh Dasgupta, Giám đốc Công ty Điện lực India Power, Tây Bengal-Ấn Độ bày tỏ, Việt Nam là quốc gia rất ổn định. Những khoản đầu tư trong lĩnh vực năng lượng đều phải là những khoản đầu tư trong thời gian dài.
Những hợp đồng ít nhất là 15 năm. Ấn Độ cần tìm những đối tác có mối quan hệ ổn định lâu dài với Ấn Độ. Và chắc chắn rằng Việt Nam có thể đáp ứng điều đó."
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp những nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) nhận định Ấn Độ là thị trường lớn mà nhiều doanh nghiệp Việt có thể chỉ cần có 1-2 hợp đồng với Ấn Độ có thể xuất được số lượng hàng rất lớn.
Tuy nhiên, để chinh phục thị trường Ấn Độ, doanh nghiệp cần chú trọng chuẩn mực giao tiếp khi kinh doanh; trong đó, tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc được ưa thích. Hơn nữa, việc mặc cả cũng là một phần không thể thiếu trong văn hóa Ấn Độ, cùng với thủ tục và nghi thức kinh doanh.
“Người Ấn Độ đánh giá cao tầm quan trọng của mạng lưới kinh doanh và mối quan hệ. Vì vậy, doanh nghiệp cần xây dựng niềm tin và mối quan hệ tích cực lâu dài với các đối tác. Ngoài ra, mối quan hệ cá nhân, sự giới thiệu của bên thứ ba có thể đóng một vai trò quan trọng bởi người Ấn Độ thích làm việc với những người mà quen biết và tin tưởng,” bà Thu Hiền nhấn mạnh./.
Uyên Hương
Nguồn: vietnamplus.vn