|
(Ảnh minh họa: TTXVN)
|
Hội nghị với chủ đề: "An ninh toàn diện, tăng cường kết nối, hướng tới tương lai". Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa các nước ASEAN nói chung và các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, lãnh sự các nước ASEAN nói riêng, thể hiện quyết tâm chung tay xây dựng cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh và thịnh vượng.
Hội nghị DGICM được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1996, theo cơ chế họp thường niên định kỳ hàng năm và luân phiên đăng cai chủ nhà, là diễn đàn để các nước ASEAN bàn thảo những vấn đề cùng quan tâm và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự. Hội nghị cũng đưa ra các sáng kiến, biện pháp và cơ chế để tăng cường hợp tác xuất nhập cảnh trong và ngoài khối, nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của công dân và đấu tranh phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép.
Việt Nam tham gia và trở thành thành viên của Hội nghị DGICM từ năm 1997 và luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong các hoạt động. Việt Nam đã hai lần được đăng cai tổ chức Hội nghị DGICM vào năm 2003 tại Hà Nội, năm 2013 tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhận được sự đánh giá tích cực của khối ASEAN và các đối tác quan trọng ngoài khối ASEAN.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam nhấn mạnh, trong những năm qua, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN, đặc biệt là Australia, một đối tác quan trọng ngoài khối ASEAN trong công tác đấu tranh, phòng, chống di cư trái phép. Hiện nay, Việt Nam đã cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ, không phân biệt mục đích nhập cảnh, không cần cá nhân, tổ chức bảo lãnh và được phép lưu trú đến 90 ngày; hoàn thành đề án hộ chiếu điện tử; thực hiện việc kiểm soát xuất nhập cảnh tự động tại các cửa khẩu sân bay quốc tế… Việt Nam và các nước trong khối triển khai hiệu quả các hiệp định miễn thị thực cho công dân các nước ASEAN mang hộ chiếu phổ thông, công vụ, ngoại giao. Việc đi lại trong khối khá thuận tiện, tuy nhiên vẫn còn phải thực hiện nhiều việc nữa để công dân các nước ASEAN có thể tự do đi lại không giới hạn.
Năm 2024, Việt Nam vinh dự được đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 27, là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự trong khu vực ASEAN. “Đây là cơ hội để Việt Nam, với tư cách là nước chủ nhà đăng cai tổ chức thể hiện sự tích cực, chủ động và trách nhiệm của chúng tôi với tư cách là một nước thành viên của Hội nghị, góp phần xây dựng một ASEAN thống nhất, đoàn kết, phát triển bền chặt và toàn diện trong công tác quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự”, Thứ trưởng Phạm Thế Tùng cho hay.
Theo Thứ trưởng Phạm Thế Tùng, từ khi thành lập cách đây 57 năm, ASEAN đã không ngừng phát triển, ngày càng trở thành động lực chính cho mọi tiến trình phát triển trong khu vực và thế giới. Quan hệ giữa ASEAN với thế giới ngày càng mở rộng và đa dạng, ASEAN trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Có thể khẳng định, ASEAN đã chứng minh vị thế và sức bật trong thời đại mới, trở thành điểm sáng của thế giới về an ninh và tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, ASEAN hiện đang phải đối diện với nhiều thách thức an ninh lớn đang nổi lên từ môi trường địa chính trị khu vực và toàn cầu hóa biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, trong đó bao gồm tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao lợi dụng môi trường xuất nhập cảnh thông thoáng để hoạt động phạm tội; các vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu.
Do vậy, vấn đề bảo đảm an ninh toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm để ASEAN phát triển bền vững, đòi hỏi chúng ta cần phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận mới, mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện, vì lợi ích lâu dài. Các quốc gia thành viên ASEAN cần đoàn kết, hợp tác, thống nhất trong đa dạng, nêu cao tinh thần độc lập, tự cường, tự chủ chiến lược của ASEAN. Khẳng định cam kết và quyết tâm mạnh mẽ hướng đến một ASEAN kết nối hơn là chìa khóa phát huy toàn bộ tiềm năng khu vực và nâng cao sức cạnh tranh toàn diện.
Với ý nghĩa, vai trò quan trọng nêu trên, Hội nghị DGICM lần thứ 27 năm nay xác lập chủ đề là "An ninh toàn diện, tăng cường kết nối, hướng tới tương lai". Tập trung giải quyết những vấn đề, thách thức trong quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự, nhằm xây dựng ngôi nhà chung ASEAN vững vàng trong mọi hoàn cảnh, thực hiện hiệu quả những nguyên tắc cơ bản, định hướng chung đã được ASEAN thống nhất và hiện thực hóa "Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2045".
Thứ trưởng Phạm Thế Tùng cho biết, trong khuôn khổ Hội nghị tại Việt Nam sẽ tiếp tục kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện các sáng kiến từ Hội nghị DGICM 26 tại Thái Lan năm 2023, nhằm thống nhất những biện pháp và cơ chế hợp tác xuất nhập cảnh và lãnh sự trong khối ASEAN. Đặc biệt về cơ chế trao đổi thông tin, hợp tác xây dựng năng lực cho lực lượng quản lý xuất nhập cảnh, phát triển các dự án, chương trình hợp tác xuất nhập cảnh trong ASEAN và với các đối tác ngoài ASEAN. Trong thời gian 3 ngày, Hội nghị sẽ thực hiện 6 cuộc họp, diễn đàn quan trọng, thảo luận về các vấn đề: Quản lý các cửa khẩu lớn trong ASEAN; Cơ chế, biện pháp trao đổi thông tin xuất nhập cảnh trong khối ASEAN; Xu hướng và thách thức của tội phạm đưa người di cư trái phép trong khu vực; Kinh nghiệm trong công tác quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự; Chương trình hợp tác đào tạo giữa ASEAN và Australia; Chương trình hợp tác giữa ASEAN và các nước +3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản). Ngoài ra có các cuộc họp song phương bên lề và chương trình giao lưu để tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN và đối tác ngoài ASEAN.
"Việt Nam, với vai trò là nước chủ nhà, cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để Hội nghị DGICM 27 thành công tốt đẹp. Chúng tôi hy vọng rằng, thông qua các phiên họp và thảo luận, các đại biểu sẽ có cơ hội trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu và đưa ra các sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác trong khu vực, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của công dân ASEAN và đấu tranh phòng, chống các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép" - Thứ trưởng Bộ Công an chia sẻ.
Về nội dung, Hội nghị DGICM lần thứ 27 là cuộc họp chính thức. Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh nước chủ nhà sẽ được bầu làm Chủ tịch cuộc họp. Từng nước thành viên sẽ có bài phát biểu, báo cáo quốc gia, trong đó: trao đổi tình hình, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất những biện pháp mới trong công tác quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự; thảo luận tiến độ và phương hướng thực hiện các sáng kiến, cơ chế hợp tác DGICM (diễn ra vào ngày 14 - 15/8).
Bên cạnh đó, Diễn đàn Những người đứng đầu cửa khẩu chính ASEAN lần thứ 7 (AMICF 7) thảo luận, trao đổi kinh nghiệm trong việc quản lý các cửa khẩu lớn trong ASEAN và đưa ra các biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý cửa khẩu. Diễn đàn trao đổi thông tin xuất nhập cảnh ASEAN lần thứ 19 (AIIF 19) thảo luận về các cơ chế, biện pháp trao đổi thông tin xuất nhập cảnh trong khối ASEAN, cập nhật đầu mối trao đổi thông tin liên lạc của mỗi nước, cập nhật việc triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Nghị định thư về chia sẻ thông tin xuất nhập cảnh (IDSP). Cuộc họp Những người đứng đầu đơn vị phòng, chống đưa người di cư trái phép lần thứ 3 (HSU3) trao đổi về các xu hướng và những thách thức của tội phạm đưa người di cư trái phép trong khu vực và những nỗ lực nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề này.
Cuộc họp Tham vấn DGICM-Australia lần thứ 19 đánh giá, thảo luận về chương trình hợp tác đào tạo giữa hai bên nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ xuất nhập cảnh, thảo luận Chương trình làm việc ASEAN - Australia (diễn ra vào 9 giờ đến 12 giờ 30 ngày 15/8). Cuộc họp Tham vấn DGICM +3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 3 sẽ trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, lãnh sự và xác định các lĩnh vực hợp tác giữa các nước ASEAN và các nước +3 (diễn ra vào13 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 ngày 15/8).
Khải - Tùng
Nguồn: baotintuc.vn