(TTĐN) - Sự gián đoạn vận chuyển đang gây áp lực lên giá cả nhưng chưa đến mức khiến dự báo lạm phát phải tăng cao.
|
Khủng hoảng Biển Đỏ chưa có tác động 'đáng kể' đến kinh tế toàn cầu – theo đánh giá của Giám đốc IMF. (Ảnh: Getty Images)
|
Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Washington Post tuần qua rằng các cuộc tấn công của phiến quân Houthi nhằm vào các tàu ở Biển Đỏ đã có tác động đáng kể đến giá bảo hiểm và vận chuyển, nhưng cho đến nay vẫn chưa ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Giám đốc IMF nói: “Nó gây thêm áp lực lên giá cả, nhưng chưa đến mức khiến dự báo lạm phát trên toàn cầu của chúng tôi sẽ được điều chỉnh tăng lên”. Ông bổ sung thêm rằng, “hiện tại, điều này có ý nghĩa, nhưng không đến mức có thể làm chệch hướng đáng kể các dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.”
Bà Georgieva lưu ý rằng vào tháng 1/2024, giao thông qua Kênh đào Suez, tuyến đường thương mại hàng hải quan trọng nối Biển Địa Trung Hải với Biển Đỏ, đã giảm gần một nửa so với tháng 1 năm ngoái. Tuy nhiên, theo bà, tác động của việc giảm lưu lượng giao thông này mang tính “cục bộ” hơn và nghiêm trọng nhất đối với Ai Cập, quốc gia phụ thuộc vào doanh thu từ giao thông đường thủy và hiện đang lỗ khoảng 100 triệu USD mỗi tháng.
Tuy nhiên, bà Georgieva cảnh báo rằng những “bất ngờ” như cuộc khủng hoảng vận tải Biển Đỏ đang khiến triển vọng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế thế giới trở nên “ảm đạm”.
IMF gần đây đã cập nhật nhẹ các dự báo kinh tế của mình và hiện kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm nay, nhưng theo bà Georgieva, con số này vẫn “yếu so với tiêu chuẩn lịch sử” nếu so với mức tăng trưởng trung bình 3,8% trong năm thập kỷ trước đại dịch COVID-19.
Nữ giám đốc IMF cảnh báo: “Đó là tín hiệu cho thấy chúng ta đang ở trong một thế giới dễ bị sốc hơn – những bất ngờ kiểu này có nghĩa là chúng ta phải ở vị thế tốt hơn để đối mặt với những cú sốc lặp đi lặp lại này” - bà cảnh báo, đồng thời gợi ý rằng các cơ quan tài chính trên toàn thế giới nên xây dựng “bộ đệm” để chống chọi với khủng hoảng.
Trong số những bộ đệm như vậy, bà liệt kê các chiến lược cải tiến về nguồn doanh thu, thói quen chi tiêu tốt hơn cũng như ưu tiên đầu tư vào năng suất và tăng trưởng trong tương lai.
Phiến quân Houthi có trụ sở tại Yemen đã thực hiện hàng chục cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào các tàu đi qua Biển Đỏ kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Israel-Hamas vào tháng 10/2023. Do đó, nhiều công ty vận tải biển lớn đã ngừng sử dụng kênh đào Suez, chuyển hướng tàu bè quanh Mũi Hảo Vọng ở miền nam châu Phi. Giá vận chuyển container trung bình được cho là đã tăng hơn gấp đôi trên toàn cầu trong tháng qua, trong khi chi phí chở nhiên liệu cho một số điểm đến đã tăng lên mức cao nhất trong 4 năm.
Đầu tháng 2, CNBC đưa tin các cuộc tấn công của phiến quân Houthi ở Biển Đỏ đã thúc đẩy sự quan tâm ngày càng tăng đối với các tuyến đường thay thế như tuyến đường sắt Trung Quốc-Châu Âu chạy qua vùng Viễn Đông của Nga.
Theo bài báo, các công ty tổ chức vận chuyển hàng hóa đã ghi nhận lượng yêu cầu và đặt chỗ cho tuyến đường này tăng mạnh. Vận chuyển bằng đường sắt hấp dẫn các chủ hàng vì nó rẻ hơn so với vận tải hàng không và nhanh hơn so với sử dụng vận tải đường biển./.
Thu Hằng (Theo RT)
Nguồn: baotintuc.vn