(TTĐN) - Phóng viên TTXVN tại Moskva cho biết tham dự cuộc thi có 16 sinh viên đại học và 5 sinh viên sau đại học thuộc hầu hết các trường đại học của LB Nga có sinh viên nghiên cứu tiếng Việt.
 |
Toàn cảnh cuộc thi. (Ảnh: TTXVN)
|
Ngày 11/3, tại Đại học Ngoại giao Moskva (MGIMO) trực thuộc
Bộ ngoại giao Liên bang (LB) Nga, Khoa Ngôn ngữ Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Lào trực
thuộc Khoa Quan hệ quốc tế MGIMO, dưới sự hỗ trợ của Trung tâm ASEAN (thuộc
MGIMO), Hội hữu nghị Nga-Việt, Quỹ thúc đẩy phát triển hợp tác Nga-Việt
"Truyền thống và Hữu nghị" đã tổ chức "Cuộc thi tiếng Việt trong
lĩnh vực giao tiếp chuyên nghiệp (dịch chính trị-xã hội) toàn Nga lần thứ
2".
Phóng viên TTXVN tại Moskva cho biết tham dự cuộc thi có 16
sinh viên đại học và 5 sinh viên sau đại học thuộc hầu như tất cả các trường đại
học của LB Nga có sinh viên nghiên cứu tiếng Việt. Các em được chọn lọt vào
vòng thi nói trực tiếp chung kết này sau khi đã vượt qua vòng thi viết gián tiếp.
Phát biểu khai mạc cuộc thi, Phó Giáo sư Olga Maslovets, Trưởng
Khoa Ngôn ngữ Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Lào khẳng định cuộc thi được tổ
chức lần thứ hai đã cho thấy tầm quan trọng của nó trong việc đào tạo các
chuyên gia tiếng Việt, cũng như phát triển mối quan hệ giữa hai nước LB Nga và
Việt Nam. Theo bà Maslovets, căn cứ vào số thí sinh tham gia có thể thấy mối
quan tâm nghiên cứu tiếng Việt ở LB Nga, quan tâm nghiên cứu quan hệ hai nước
đang ngày càng phát triển. Bà Maslovets cũng cho rằng sự quan tâm tới tiếng Việt
không chỉ do Việt Nam là đối tác quan trọng của LB Nga trong ASEAN mà còn do tốc
độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam trong 10 năm qua, bất chấp nhiều
thách thức trên thế giới.
Về phần mình, ông Andrey Tatarinov, nguyên Đại sứ Đặc mệnh
toàn quyền LB Nga tại Việt Nam (2001-2004), Trưởng ban giám khảo nhấn mạnh đến
nguồn gốc mối quan hệ truyền thống lâu đời giữa Liên Xô trước kia và LB Nga
ngày nay với Việt Nam. Ông cũng bày tỏ vui mừng khi cuộc thi tiếng Việt này đã
trở thành truyền thống và thu hút đông đảo sinh viên cũng như nghiên cứu sinh
Nga.
Thay mặt Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, bà Mai Nguyễn Tuyết
Hoa, Bí thứ thứ nhất phụ trách về giáo dục bày tỏ Đại sứ quán Việt Nam đánh giá
cao cuộc thi và hy vọng qua đó sẽ giúp phát hiện những tài năng trong các thế hệ
những người học tiếng Việt tại LB Nga đồng thời thúc đẩy sự phát triển mối quan
hệ hữu nghị Việt - Nga.
Các thí sinh đã trải qua 4 phần thi dịch trực tiếp gồm dịch
xuôi và ngược sau khi nghe hai lần một cụm từ và dịch xuôi và ngược sau khi có
1 phút đọc một đoạn văn bản trong lĩnh vực chính trị-ngoại giao.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Andrey Tatarinov, Trưởng
ban giám khảo cho biết: "Các thí sinh năm nay mà năm ngoái đã tham dự cuộc
thi lần thứ nhất, đã có những tiến bộ đáng kể. Và chúng tôi thấy các thí sinh
năm nay có triển vọng tốt, rất nhiều thí sinh mong muốn hoàn thiện kỹ năng tiếng
Việt của mình và chúng tôi rất hoan nghênh những mong muốn như vậy".
Về phần mình, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Giám đốc Quỹ
"Truyền thống và Hữu nghị" cho biết "cuộc thi năm nay đã có bước
tiến hơn về chất mặc dù đề thi năm nay khó hơn. Năm nay các em đã có sự tiến bộ
cả về kiến thức quan hệ quốc tế nên vốn từ và cách xử lý từ của các em phong
phú hơn".
Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng khẳng định "Cuộc thi có vai
trò quan trọng, nó không chỉ thúc đẩy vai trò của tiếng Việt và tiếng Nga mà
còn có ý nghĩa thực tiễn là góp phần đào tạo các chuyên gia có trình độ cao để
phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và LB Nga".
Quỹ "Truyền thống và Hữu nghị" sẽ tiếp tục đồng hành với cuộc thi
cũng như đồng hành với các hoạt động nhằm giúp thanh niên, thế hệ trẻ hai nước
xích lại gần nhau hơn nữa.
Ban giám khảo đã trao giấy chứng nhận cho tất cả các thí
sinh tham gia; các giải Nhất, Nhì, Ba trong phần thi giữa các sinh viên; giải
Nhất, Nhì, Ba trong phần thi giữa các thạc sĩ; cùng các giải "Phát âm hay
nhất", "Tốc độ dịch tốt nhất", "Thí sinh được yêu thích nhất"...
Sau cuộc thi, một hội thảo bàn tròn với chủ đề "Lịch sử
quan hệ ngoại giao giữa LB Nga và Việt Nam" cũng đã được tổ chức. Tại đây,
các chuyên gia Việt Nam học, các cán bộ ngoại giao lâu năm của Nga đã chia sẻ
kinh nghiệm công tác thực tế và các phương pháp để nâng cao trình độ dịch cũng
như kể những câu chuyện lý thú trong quá trình phiên dịch./.
Duy Trinh - Quang Vinh
Nguồn: baotintuc.vn