Bức tranh thế giới đầu năm 2024 và những vấn đề mang tính toàn cầu
Xung đột Nga-Ukraine sắp bước sang năm thứ ba trong bối cảnh triển vọng đàm phán khá mù mịt. (Nguồn: Globsec)

Xung đột Nga-Ukraine sắp bước sang năm thứ ba trong bối cảnh triển vọng đàm phán khá mù mịt. (Nguồn: Globsec)

1. Xung đột Nga-Ukraine sắp sang năm thứ ba. Các cuộc tiến công qua lại chưa tạo được đột biến nào. Trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng mạnh mẽ, robot hóa hoạt động quân sự có thể là bước ngoặt của xung đột. Không bên nào bác bỏ đàm phán, nhưng đưa ra các điều kiện tiên quyết, mà đối phương khó chấp nhận.

Thế trận quân sự có phần nghiêng về Nga thì Ukraine chủ động, lợi thế hơn trên mặt trận ngoại giao. Ba hội nghị quốc tế về hòa bình ở Ukraine không có sự tham gia của Nga. Nhiều nước tiếp tục cam kết viện trợ tài chính, vũ khí cho Ukraine. Thụy Sỹ và Ukraine đang chuẩn bị tổ chức hội nghị hòa bình quốc tế tiếp theo, hy vọng mang lại nguồn động lực quan trọng cho Kiev.

Nga cũng không án binh bất động. Mặc phương Tây cáo buộc Bình Nhưỡng cung cấp tên lửa cho Moscow, đổi lấy các công nghệ quân sự tiên tiến, Tổng thống Putin vẫn dự định thăm Triều Tiên. Chuyến thăm sau hơn 2 thập kỷ, tính từ lần đầu vào tháng 7/2000, cho thấy hai nước tích cực thúc đẩy hợp tác chiến lược nhiều mặt. “Mối quan hệ đối tác vô bờ bến” giữa Nga và Trung Quốc; thỏa thuận hợp tác toàn diện mới 20 năm giữa Nga-Iran; sự xích gần các nước Trung Đông, châu Phi mang lại lợi ích nhiều mặt cho các bên và chứng tỏ Moscow không đơn độc.

Ngày 22/1, Tổng thống Zelensky bất ngờ ký sắc lệnh tuyên bố chủ quyền lịch sử đối với 6 tỉnh thuộc vùng Tây Nam Nga. Không nhiều giá trị thực tế, nhưng đây là đòn tiến công chính trị, ngoại giao của Ukraine. 2 ngày sau, bất ngờ xảy ra vụ máy bay vận tải IL-76, được cho là chở 65 tù binh Ukraine đi trao trả rơi. Lập tức nổ ra cuộc chiến truyền thông, cáo buộc lẫn nhau và thuyết âm mưu về sự cố ý hoặc nhầm lẫn! Khó chứng tỏ “hai năm rõ mười” lỗi của ai. Nhưng tác động đến đến dư luận quốc tế, dư luận Ukraine, Nga thì khá rõ.

Kết cục xung đột khó xác định, triển vọng đàm phán vào thời gian này khá mù mịt. Nhưng tình huống bất ngờ thì có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Xung đột có thể kéo dài đến khi một hoặc cả hai bên không chịu đựng được hoặc có đột biến từ bên trong hoặc bên ngoài. Xung đột ở Ukraine phức tạp bởi liên quan đến đối đầu chiến lược giữa NATO, phương Tây với Nga.

Hungary là quốc gia thành viên duy nhất trong NATO chưa phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển. (Nguồn: WSJ)

Hungary là quốc gia thành viên duy nhất trong NATO chưa phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển. (Nguồn: WSJ)

2. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan chính thức chấp thuận để Thụy Điển gia nhập NATO. Quốc hội Hungary dự kiến họp vào ngày 5/2, trong đó chương trình nghị sự dự kiến bao gồm việc phê chuẩn đơn xin gia nhập liên minh quân sự trên của Thụy Điển.

Lo ngại về các mối đe dọa, Thụy Sỹ từ bỏ chính sách trung lập, dựa hẳn vào “ô an ninh” NATO. Việc thu hút Phần Lan, Thụy Điển có ý nghĩa chiến lược to lớn đối với NATO. Nó chứng tỏ mối đe dọa Nga là hiện hữu và “sức sống” của NATO! Quan trọng nhất, NATO có thể kiểm soát gần như toàn bộ biển Baltic. Chỉ còn quân cờ phía Đông nữa là thế trận bao vây Nga hoàn chỉnh.

Triển vọng Ukraine gia nhập NATO còn xa. Nhưng với cam kết bảo đảm an ninh tương tự như giữa Mỹ-Israel và đòn bao vây cấm vận kinh tế, ngoại giao, NATO tin có thể đẩy Nga vào thế suy yếu, thậm chí là vỡ thành nhiều mảnh giống Liên Xô. NATO hỗ trợ Kiev khiến Moscow sa vào “bãi lầy” tốt hơn là xung đột trực tiếp với Nga. Tình huống đó vô cùng nguy hiểm, chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Nói xung đột ở Ukraine phụ thuộc vào NATO là có cơ sở.

Xung đột Israel-Hamas đẩy dải Gaza vào tình trạng thiếu lương thực, nước sạch và thiếu hụt nghiêm trọng dịch vụ y tế. (Nguồn: AP)

Xung đột Israel-Hamas đẩy dải Gaza vào tình trạng thiếu lương thực, nước sạch và thiếu hụt nghiêm trọng dịch vụ y tế. (Nguồn: AP)

3. Cuộc chiến ở Dải Gaza có nhiều diễn biến mới phức tạp. Liên hợp quốc và nhiều nước kêu gọi chấm dứt xung đột, thúc đẩy hoạt động nhân đạo và giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại. Ngày 26/1, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) ra phán quyết yêu cầu Israel “thực hiện mọi biện pháp” hạn chế thương vong, tàn phá Dải Gaza; ngăn chặn các hành động có thể vi phạm Công ước diệt chủng năm 1948. ICJ không trực tiếp lên án diệt chủng, không yêu cầu Israel chấm dứt xung đột, không có biện pháp thực thi. Nhưng phán quyết là đòn giáng vào Israel và là thắng lợi chính trị, tinh thần của Palestine, Hamas.

Mỹ tuyên bố phán quyết phù hợp với quan điểm của mình, rằng Israel có quyền hành động phù hợp với luật pháp quốc tế và không có căn cứ cáo buộc diệt chủng. Mỹ cũng kêu gọi Israel chấp nhận giải pháp hai nhà nước. Nhưng là đồng minh chiến lược của Tel Aviv và cộng đồng người gốc Israel có ảnh hưởng lớn ở xứ cờ hoa, nên Washington không có nhiều hành động thực tế thúc đẩy giải pháp lâu dài.

Nắm được ẩn ý, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thẳng thừng bác bỏ giải pháp hai nhà nước, tiếp tục mở rộng tiến công. Đây là “gáo nước lạnh” dội vào Palestine và những người hy vọng chấm dứt xung đột, lập lại hòa bình lâu dài. Mỹ, Anh mở rộng bắn phá mục tiêu liên quan đến Houthi ở Yemen. Houthi tấn công tàu chiến Mỹ trên biển Aden. Binh sĩ Mỹ thiệt mạng ở Jordan. Israel không kích Syria làm nhiều cố vấn cấp cao Iran thiệt mạng. Tehran tuyên bố đáp trả mạnh mẽ, nhưng chủ yếu thông qua các tổ chức Hồi giáo do họ hỗ trợ. Iran không muốn tạo cớ cho Israel và đồng minh tiến công vào lãnh thổ của mình.

Một số nước tạm dừng tài trợ Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine, vì cáo buộc nhân viên liên quan đến vụ Hamas tấn công ngày 7/10, khiến người dân ở Dải Gaza càng khó khăn. Nguy cơ cuộc chiến ủy nhiệm lan ra toàn khu vực ngày càng tăng. Khả năng đàm phán chấm dứt xung đột Hamas-Israel càng xa vời. Nhiều người lo, nhưng cũng có kẻ muốn như vậy.

Từ trái sang: Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sau khi chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, Nam Phi, ngày 23/8/2023. (Nguồn: Reuters)

Từ trái sang: Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sau khi chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, Nam Phi, ngày 23/8/2023. (Nguồn: Reuters)

4. Hội nghị thượng đỉnh Phong trào không liên kết (NAM), Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Hội nghị cấp cao ASEAN, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)… kêu gọi các bên đề cao chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị và phát triển; hướng tới các cơ chế toàn cầu dân chủ, công bằng hơn; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; kiềm chế, giải quyết mọi tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Những xu thế tích cực đó là động lực thúc đẩy giải quyết mâu thuẫn, xung đột, là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm diễn giả chính tại phiên thảo luận ‘Bài học từ ASEAN’ trong khuôn khổ WEF Davos 2024, ngày 17/1. (Nguồn: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm diễn giả chính tại phiên thảo luận ‘Bài học từ ASEAN’ trong khuôn khổ WEF Davos 2024, ngày 17/1. (Nguồn: TTXVN)

5. Tình hình thế giới diễn biến phức tạp, bất ngờ, khó lường, như những chuyển động đa chiều, đa hướng, dường như không theo quy luật nào. Nhưng nghiên cứu kỹ, có thể thấy được xu hướng, xu thế chính và những bài học bổ ích.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Davos, Thụy Sỹ năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khái quát: Thế giới tổng thể hòa bình, cục bộ có chiến tranh; tổng thể hòa hoãn, cục bộ căng thẳng, đối đầu; tổng thể ổn định, cục bộ vẫn có xung đột, bất ổn; tổng thể hội nhập, hợp tác, cục bộ phân mảnh… Cái nhìn biện chứng, toàn diện cho thấy xu hướng vận động, phát triển của tình hình thế giới, khu vực, để tìm giải pháp phù hợp.

Mâu thuẫn, bất ổn, xung đột do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân cơ bản là một số nước, nhất là nước lớn không tuân thủ đầy đủ Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế; không tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia khác; chủ trương giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng sức mạnh vũ lực, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực…

Nguyên nhân quan trọng là thiếu lòng tin chính trị giữa các quốc gia. Trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế, an ninh thế giới có nhiều biến động phức tạp, nhiều thách thức mang tính toàn cầu, WEF Davos năm 2024 thu hút cộng đồng quốc tế bằng chủ đề “xây dựng lại lòng tin” trên các lĩnh vực khác nhau. Trong đó, lòng tin chính trị giữ vai trò nền tảng.

Sự kiện Việt Nam đón Tổng thống Hoa Kỳ, nâng quan hệ với Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện và đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong cùng một khoảng thời gian, khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt chú ý, bàn luận sôi nổi.

Việt Nam vượt qua những thách thức tưởng như không thể, bởi luôn thể hiện lòng tin chính trị vững vàng với hai đối tác chiến lược hàng đầu và kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Việt Nam kiên trì và chân thành thực hiện phương châm “Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”.

Vì thế, Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế, chính khách, học giả đánh giá là “hình mẫu hàn gắn vết thương chiến tranh”, hình mẫu trong xây dựng lòng tin chính trị và cân bằng quan hệ với các nước lớn.

Thành tựu của Việt Nam là nguồn cổ vũ các quốc gia xây dựng lòng tin chiến lược, hợp tác cùng có lợi, đối phó với các thách thức toàn cầu. Đó là tinh thần trách nhiệm, đóng góp của Việt Nam cho thế giới và khu vực./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất