Báo cáo của Na Uy: Sở hữu những 'lợi thế vàng', ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam có thể 'cất cánh'
Lễ công bố và bàn giao cho Bộ Công Thương Báo cáo Chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi cho kịch bản phát triển nhanh của Việt Nam ngày 4/10. (Ảnh: Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam)

Lễ công bố và bàn giao cho Bộ Công Thương Báo cáo Chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi cho kịch bản phát triển nhanh của Việt Nam ngày 4/10. (Ảnh: Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam)

Sáng 4/10, tại trụ sở Bộ Công Thương, Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội đã công bố và bàn giao cho Bộ Công Thương Báo cáo “Chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi cho kịch bản phát triển nhanh của Việt Nam”.

Lễ công bố do Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken chủ trì. Khách mời danh dự là Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Hoàng Long cùng với đại diện lãnh đạo và cán bộ các Cục, Vụ và đơn vị liên quan của Bộ Công Thương như vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (EREA), cục Điều tiết điện lực, vụ Dầu khí và Than, cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, vụ Khoa học và Công nghệ, vụ Kế hoạch Tài chính, vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, viện Năng lượng, tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)...

Lễ công bố còn được đón tiếp các đại biểu đến từ Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC), Nhóm Đối tác phát triển (DPG) tại Việt Nam, các quốc gia thành viên của Chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), các công ty và các bên có liên quan trong lĩnh vực năng lượng.

Phát biểu tại sự kiện Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken chia sẻ rằng Na Uy tự hào về quan hệ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, với tư cách là đối tác song phương đồng thời là thành viên của JETP; bày tỏ hy vọng Báo cáo hữu ích có thể hỗ trợ Việt Nam và Bộ Công Thương trong việc thiết kế lộ trình phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của Việt Nam cũng như chuỗi cung ứng trong nước cho ngành này, qua đó mở ra những cơ hội hợp tác mới cho các công ty Na Uy và Việt Nam.

Thị trường điện gió ngoài khơi Việt Nam được đánh giá là đầy hứa hẹn, với tốc độ gió cao hàng đầu thế giới và điều kiện đáy biển thuận lợi. Cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng điện gió trên bờ và gần bờ hiện có, chuỗi cung ứng hiện đang phục vụ cho ngành dầu khí trong nước là những điều kiện thuận lợi và tiềm năng có thể hỗ trợ phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam.

Việc các thị trường quốc tế đặt mua gần đây những những bộ phận trong cấu trúc điện gió ngoài khơi từ Việt Nam là tín hiệu tích cực về sự khởi đầu đầy hứa hẹn để Việt Nam trở thành một trung tâm chuỗi cung ứng cho điện gió ngoài khơi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Toàn cảnh lễ công bố Báo cáo, đây là nguồn thông tin quan trọng cho Chính phủ và Bộ Công Thương trong việc lập kế hoạch phát triển điện gió ngoài khơi. (Ảnh: Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam)

Toàn cảnh lễ công bố Báo cáo, đây là nguồn thông tin quan trọng cho Chính phủ và Bộ Công Thương trong việc lập kế hoạch phát triển điện gió ngoài khơi. (Ảnh: Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam)

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đánh giá cao bản Báo cáo và cho rằng đây là nguồn thông tin quan trọng cho Chính phủ và Bộ Công Thương trong việc lập kế hoạch phát triển điện gió ngoài khơi.

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh tiềm năng của Việt Nam trong việc tận dụng kinh nghiệm từ ngành dầu khí để phát triển chuỗi cung ứng trong nước, góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí.

Được hoàn thành trong tháng 12/2023, Báo cáo đánh giá tiềm năng phát triển cũng như đề xuất các bước tiếp theo để phát triển một chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi hoàn chỉnh và hiệu quả ở Việt Nam.

Sau khi Chính phủ Việt Nam thông qua việc triển khai thí điểm hai dự án điện gió ngoài khơi, Báo cáo minh họa chuỗi cung ứng tiềm năng cho phương án phát triển 1 GW ở khu vực miền Bắc và 1 GW ở miền Nam Việt Nam (hoàn thành 1GW vận hành thương mại - COD vào năm 2030 và bổ sung 1GW vận hành thương mại -COD vào năm 2035).

Đây là báo cáo về chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi thứ hai mà Đại sứ quán Na Uy thực hiện tại Việt Nam. Báo cáo đầu tiên tập trung nghiên cứu tổng quan về tiềm năng phát triển chuỗi cung ứng trong nước cho ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam.

Báo cáo nhấn mạnh Việt Nam có tiềm năng đáng kể trong việc nội địa hóa các thành phần chính của một dự án điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, có một vài lĩnh vực như lắp cáp ngầm và tàu chở tua bin gió ngoài khơi (WTG) vẫn cần được tiếp tục củng cố và phát triển thêm.

Các cảng biển phía Bắc và phía Nam phù hợp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành điện gió ngoài khơi. Báo cáo đã làm rõ nhu cầu nâng cấp hệ thống cảng biển hiện tại ở cả hai miền Bắc và Nam Việt Nam để đảm bảo tốt công tác hậu cần cho ngành điện gió ngoài khơi.

Bên cạnh đó, Báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng của các nhà cung ứng trong nước. Di sản của ngành dầu khí Việt Nam là một nền tảng vững chắc để chuyển đổi sang ngành công nghiệp mới mẻ này, đặc biệt là trong mảng sản xuất chân đế và trụ tua bin gió.

Ngành điện gió ngoài khơi có thể tạo mới 9.000 công việc toàn thời gian (FTE) trong kịch bản phát triển 1 GW, và con số này sẽ lên tới 55.000 cho kịch bản 6 GW.

Để đáp ứng các mục tiêu phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam, Báo cáo đưa ra một số khuyến nghị chiến lược bao gồm cải thiện khung chính sách và thể chế về điện gió ngoài khơi, các khoản đầu tư chiến lược vào cơ sở hạ tầng cảng, nâng cấp quy mô sản xuất nhà cung cấp, xây dựng một danh mục dự án rõ ràng, hợp tác với các trường đại học để phát triển kỹ năng và tăng cường hợp tác quốc tế.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất