Xuất nhập khẩu và dấu ấn đặc biệt trong 79 năm xây dựng đất nước
Dệt may là ngành sản xuất và xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong nhiều năm

Dệt may là ngành sản xuất và xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong nhiều năm

Từ một quốc gia còn nhiều khó khăn, cán cân thương mại liên tục nghiêng về mức thâm hụt nặng, đến nay, xuất nhập khẩu tự hào là điểm sáng rực rỡ của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu và thặng dư đều ở mức cao.

Từ quốc gia nhập khẩu đến cường quốc xuất khẩu

Việt Nam đã trải qua những năm đầu đổi mới với những khó khăn lớn của hoạt động xuất nhập khẩu khi phải nhập khẩu rất nhiều mặt hàng, kể cả gạo. Song, ngay những ngày tháng khó khăn đó, Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986) xác định, xuất khẩu hàng hóa là 1 trong 3 mặt trận của nền kinh tế thời kỳ đổi mới (bên cạnh sản xuất lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng). Hội nghị giữa nhiệm kỳ (Khóa VII) của Đảng xác định, chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam là “Kiên trì hướng về xuất khẩu là hướng chính, đồng thời thay thế nhập khẩu một số sản phẩm trong nước sản xuất có hiệu quả”.

Đó là định hướng chiến lược nhất quán của Việt Nam, đặt cơ sở quan trọng để xuất khẩu Việt Nam có hướng đi đúng đắn từ năm 1986 đến nay.

Thật vậy, nhờ những quyết sách mạnh mẽ và đúng đắn, trong giai đoạn đầu, từ năm 1991 đến 2010, tăng trưởng xuất khẩu hằng năm của Việt Nam luôn đạt tốc độ cao, ở mức 2 con số, thậm chí có những năm lên đến trên 15%. Giai đoạn từ năm 2011 đến 2022, tốc độ tăng của tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đạt trung bình 12,6%/năm.

Nếu năm 1991, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt 2,087 tỷ USD (nhập khẩu đạt 2,338 tỷ USD), thì đến năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu đã đạt 162,016 tỷ USD (nhập khẩu đạt 165,775 tỷ USD), tăng gấp 77,63 lần.

Đến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng gấp 2,29 lần năm 2015 và 177,9 lần năm 1991.

Từ kết quả ấn tượng đó, soi chiếu vào hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước, có thể thấy, điểm sáng đối với hoạt động xuất nhập khẩu, Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao trong suốt hơn 3 thập kỷ, ngay cả thời gian đại dịch Covid-19 (2019 - 2021). Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tính trong cả thời kỳ từ năm 1992 đến 2022 (31 năm) đạt trung bình 17,96%/năm. Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hàng đầu thế giới hơn 30 năm qua.

Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến 2022, nền kinh tế Việt Nam đã có 7 năm xuất siêu liên tục. Năm 2023, Việt Nam tiếp tục duy trì thành tích xuất siêu. Đối với một nước đang phát triển (nhu cầu nhập khẩu lớn, năng lực cạnh tranh sản phẩm chế biến ở thị trường quốc tế còn hạn chế), thì đạt được kim ngạch ngoại thương xuất siêu, là thành tích đáng ghi nhận, phản ánh nỗ lực và bước phát triển về chất của nền kinh tế.

Hiện, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt tại gần 200 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các thị trường lớn và khó tính, như Mỹ, Nhật Bản và EU.

Đặc biệt, hơn 30 năm đẩy mạnh chiến lược “hướng về xuất khẩu”, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có sự chuyển dịch căn bản, từ thâm dụng sản phẩm nguyên liệu, hàng sơ chế, sang các sản phẩm chế biến, chế tạo. Sự gia tăng và những kết quả ngoạn mục của xuất khẩu Việt Nam trong hơn 30 năm qua, không chỉ đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP, cải thiện cán cân ngoại thương, mà còn nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, mở rộng hội nhập kinh tế, văn hóa, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hướng đến con số kỷ lục

Sau năm 2022, đại dịch Covid-19 đã khiến xuất nhập khẩu tăng trưởng âm, song đó là kết quả có thể hiểu được trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19. Sau năm 2023, đến đầu năm 2024, xuất nhập khẩu có thể đạt con số kỷ lục mới.

Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 7 tháng qua lên hơn 440 tỷ USD, tăng 17,2%, tương đương hơn 63 tỷ USD/tháng (tương ứng tăng 64,66 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023. Xét theo quy luật hàng năm là xuất nhập khẩu có xu hướng tăng cao vào những tháng cuối năm, kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm có thể đạt đến con số 780 - 790 tỷ USD, thậm chí có thể tiệm cận dấu mốc 800 tỷ USD - con số cao kỷ lục từ trước đến nay.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS. Lê Quốc Phương – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương cho rằng, mục tiêu không chỉ là đạt kim ngạch xuất khẩu cho năm 2024 mà còn là mục tiêu dài hơi hơn. Bởi lẽ, dù còn là một nước nghèo, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá còn nhiều hạn chế, song hiện nay, Việt Nam đã lọt vào Top 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất. Nhiều mặt hàng của Việt Nam đứng Top đầu xuất khẩu như: Gạo, hạt tiêu, dệt may… tức là đã có thể xếp Việt Nam vào một trong những cường quốc về xuất khẩu. Cho nên cần phải có sự ứng xử xứng với vị trí cường quốc. Đó là không thể chậm trễ trong việc đưa sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường.

Xuất nhập khẩu là điểm sáng của nền kinh tế.

Xuất nhập khẩu là điểm sáng của nền kinh tế.

Hiện nay, khi ta đã ký kết các FTA, hàng rào thuế quan hạ xuống, song các hàng rào phi thuế quan như tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng tăng lên. Các quy định của thị trường EU như: Chống đánh bắt IUU cho thủy hải sản, chống mất rừng (EUDR) của EU; các quy định an toàn thực phẩm của Nhật Bản, Hàn Quốc… khiến hàng hoá ngày càng phải chịu sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Đây là xu hướng của thế giới và dự báo sẽ ngày càng khắt khe hơn, buộc doanh nghiệp phải đáp ứng hoặc rời khỏi “cuộc chơi”.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần đa dạng hoá thị trường, đưa hàng hóa vào các thị trường “ngách” nhưng nhiều tiềm năng như: Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ… bên cạnh cạnh thị trường truyền thống. Từ đó, giảm bớt rủi ro khi hàng hóa bị phụ thuộc vào một thị trường.

Năm 2025, Bộ Công Thương phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%; cán cân thương mại duy trì xuất siêu ở mức khoảng 15 tỷ USD. Đặc biệt, Bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), triển khai đa dạng các hình thức xúc tiến, cả trực tiếp lẫn trực tuyến, để tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA đã thực thi.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất