Xuất khẩu sầu riêng: Nhận định nào về đối thủ cạnh tranh?
Sầu riêng huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

Sầu riêng huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

Giá sầu riêng neo ở mức cao

Hiện, giá sầu riêng tại các vùng trồng chính trên cả nước tương đối ổn định và duy trì ở mức tốt vì nguồn cung khan hiếm do vụ thu hoạch ở Tây Nguyên đã kết thúc. Với loại đẹp, giá sầu RI6 tại Tây Nguyên đang dao động trong khoảng 145.000 – 165.000, với sầu Thái loại đẹp còn lên tới 175.000 đồng/kg. Những vùng khác báo giá sầu đẹp các loại ở 145.000 - 170.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá sầu mua xô các loại có giá thấp hơn khoảng một nửa, đạt 60.000 - 75.000 đồng/kg.

Theo các thương lái, nguồn cung thiếu hụt khi vụ sầu tại Tây Nguyên kết thúc, do đó, họ buộc chuyển hướng thu mua sầu riêng trái vụ từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, sản lượng trái vụ không đủ đáp ứng nhu cầu.

Các công ty thu mua xuất khẩu cũng đang điều chỉnh giá do thiếu hụt nguồn cung trong nước. Đại diện một doanh nghiệp tại Tây Nguyên cho biết họ di chuyển các trạm thu mua xuống miền Tây để thu gom hàng trái vụ và đáp ứng nhu cầu của các đối tác.

10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả ước đạt 6,4 tỷ USD, trong đó sầu riêng chiếm gần một nửa, 3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường xuất chính của loại quả này. Ngoài trái tươi, việc ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh giữa Việt Nam và Trung Quốc đã mở ra cơ hội lớn cho ngành nông sản. Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường tỷ dân này có thể đạt 400-500 triệu USD năm nay.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dự báo giá sầu riêng còn tăng khi người tiêu dùng Trung Quốc đẩy mạnh việc mua biếu tặng dịp lễ, Tết.

Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ rau quả trong và ngoài nước tăng mạnh vào quý cuối năm, cùng với hiệu quả từ các Nghị định thư mới. Đây là động lực giúp xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng trưởng bền vững.

Dự báo cả năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ vượt 7 tỷ USD, tăng hơn 25% so với 2023. Trong đó, sầu riêng có thể đạt kỷ lục 3,5 tỷ USD. Đây sẽ là cột mốc mới cho ngành rau quả, trong đó sầu riêng vẫn đóng vai trò chủ lực.

Bức tranh không chỉ màu hồng

Tuy nhiên, sầu riêng Việt Nam không “một mình, một chợ”. Trong vài năm gần đây, nông dân trồng sầu riêng tại một số quốc gia Đông Nam Á bội thu nhờ nhu cầu tăng vọt ở Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện xuất hiện lo ngại rằng đam mê của người tiêu dùng quốc gia tỷ dân với loại quả nặng mùi có thể giảm trong thời gian tới.

Theo báo cáo từ China News Service, Trung Quốc đã trồng sầu riêng rộng rãi ở các khu vực như Tam Á và Yucai đều ở Hải Nam. Sầu riêng đã sinh trưởng tốt, đạt kích thước tương đương quả bóng chuyền. Vào năm 2024, khoảng 500 cây đã bắt đầu cho quả.

Sầu riêng Hải Nam đã được trồng từ 4 năm trước và năm 2024 này đánh dấu vụ thu hoạch đầu tiên. Một cây sầu riêng bốn năm tuổi có thể “đẻ” tới 19 quả, mỗi quả nặng khoảng 2kg. Theo ước tính, sầu riêng sẽ được trồng ở trên hơn 6.600ha tại Hải Nam trong vòng 3 đến 5 năm tới.

Dù vậy, ông Jeremy Chin, nhà đồng sáng lập công ty kinh doanh sầu riêng LKE Group, trụ sở tại Kuala Lumpur (Malaysia), nhận xét Trung Quốc có công nghệ tốt nhưng không giống như Malaysia, đất canh tác trên khắp Trung Quốc không phù hợp để trồng sầu riêng. Mặc dù Hải Nam được coi là địa điểm hợp lý, nhưng những hạn chế về địa chất và khí hậu của nơi này đồng nghĩa với chi phí trồng trọt và giá bán lẻ sẽ cao hơn nhiều. Khả năng tự cung tự cấp sầu riêng là một nhiệm vụ khó khăn đối với Trung Quốc. Họ vẫn có thể phải dựa vào nhập khẩu.

Sầu riêng Thái Lan bán tại siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Phan Mến)

Sầu riêng Thái Lan bán tại siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Phan Mến)

Trung Quốc là thị trường lớn mà hầu hết tất cả các nước xuất khẩu đều hướng đến. Tuy nhiên để chinh phục thị trường này hoàn toàn không dễ dàng. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương sau chuyến đi thực tế tại thị trường Trung Quốc, bà Phan Thị Mến - Tổng Giám Đốc công ty TNHH Tư vấn Khoa học và Công nghệ SUTECH đã có những đánh giá nhất định về nông sản Việt Nam so với nông sản của các quốc gia khác, đặc biệt là Thái Lan và Malaysia.

Theo bà Mến, trên các kệ hàng bày bán sầu riêng tại các trung tâm thương mại ở Bắc Kinh, hầu hết đều không có sầu riêng của Việt Nam mà chủ yếu là sầu riêng của Thái Lan và Malaysia.

Trong trung tâm thương mại, đối với sầu riêng tươi, chủ yếu là sầu riêng Dona của Thái Lan, còn sầu riêng cấp đông chủ yếu là sầu Musangking cấp đông nguyên quả của Malaysia. Nếu như tại Việt Nam, sầu riêng loại C thường chuyển sang cấp đông. Thì đối với sầu riêng Thái Lan, họ vẫn bày bán được sầu riêng loại C này. Về sầu riêng cấp đông, tại Trung Quốc, người dân cực kỳ ưa chuộng sầu riêng cấp đông nguyên quả của Malaysia.

Sầu riêng đông lạnh của Malaysia được bán tại siêu thị ở Trung Quốc. (Ảnh: Phan Mến)

Sầu riêng đông lạnh của Malaysia được bán tại siêu thị ở Trung Quốc. (Ảnh: Phan Mến)

Câu hỏi đặt ra là chiến lược của Thái Lan và Malaysia là gì để sầu riêng của họ được thị trường Trung Quốc tin tưởng như vậy?

Bà Mến nhận định, thứ nhất, hai quốc gia này đặc biệt chú trọng về đầu tư chất lượng, hình thức. Sầu riêng Thái Lan ổn định về chất lượng, trái chín đều, tuân thủ đầy đủ các quy định về kiểm dịch thực vật của Trung Quốc. Còn với Malaysia, sầu riêng cấp đông nguyên quả của nước này chủ yếu là sầu Musangking tròn đều. Mùi của trái sầu này không bị xộc, hắc như Ri6. Đồng thời trái có hình thức đẹp, bắt mắt. Trong khi đó, sầu riêng Việt Nam vẫn còn chưa đồng đều về mặt chất lượng. Tình trạng sượng sầu riêng còn diễn ra nhiều. Bên cạnh đó cũng chưa đảm bảo các quy định về kiểm dịch thực vật một cách triệt để.

Thứ hai, Thái Lan và Malaysia tập trung đẩy mạnh thương hiệu và độ tiếp cận. Lễ hội trái cây Việt Nam tại Trung Quốc vừa qua là lễ hội đầu tiên của Việt Nam. Trong khi đó, Thái Lan và Malaysia tổ chức lễ hội mô hình như vậy thường xuyên (3 tháng 1 lần). Có thể thấy, sầu riêng của họ đã quá quen thuộc với người dân Trung Quốc. Người dân được trải nghiệm và thường xuyên tham gia các lễ hội như vậy của Thái Lan, Malaysia, vì vậy sầu riêng của hai nước này đã ăn sâu vào tiềm thức của họ. Đây là một trong những lí do dẫn đến sầu riêng Việt Nam chưa được phổ biến và đi sâu vào thị trường Trung Quốc.

Và đây cũng là lí do vì sao Việt Nam có nền nông nghiệp phát triển nhưng vẫn còn nhiều hạn chế so với Thái Lan và Malaysia.

Trước những nguyên nhân trên, các chuyên gia cho rằng, để chiếm miếng bánh thị phần tại thị trường tỷ dân này, bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và nhà nước cần có biện pháp thay đổi, thúc đẩy để nâng cao chất lượng, hình thức sầu riêng nói riêng và sản phẩm nông nghiệp nói chung. Đồng thời có những chiến lược kết nối để tăng độ tiếp cận đến với người dân Trung Quốc. Có như vậy, sầu riêng Việt Nam mới chiếm lĩnh được thị trường Trung Quốc.

Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu 500.000 tấn sầu riêng tươi, đạt 2,3 tỷ USD, với 90% xuất sang Trung Quốc. Hiện cả nước có 154.000 ha trồng sầu riêng, sản lượng gần 1,2 triệu tấn, dự kiến tăng trưởng 15% mỗi năm.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất