(TTĐN) - Xuất khẩu dệt may năm 2024 ước đạt 44 tỷ USD như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%. Như vậy, cả năm 2024, toàn ngành dệt may xuất siêu 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023.
|
Xuất khẩu dệt may năm 2024 dự báo đạt nhiều kết quả ấn tượng.
|
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, hiện nay, Hoa kỳ vẫn là thị trường lớn nhất, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 16,71 tỷ USD, tăng 12,33% so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng 37,98% tổng kim ngạch xuất khẩu; thị trường Nhật Bản ước đạt 4,57 tỷ USD, tăng 6,18%, chiếm tỷ trọng 10,39%; EU ước đạt 4,3 tỷ USD tăng 7,66%, chiếm tỷ trọng 9,77%; Hàn Quốc ước đạt 3,93 tỷ USD, tăng 10,36%, chiếm tỷ trọng 8,93%; Trung Quốc ước đạt 3,65 tỷ USD, tăng 1,76%, chiếm tỷ trọng 8,3%; ASEAN ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 4,84%, chiếm tỷ trọng 6,59%...
"Kết quả này chủ yếu đến từ việc ngành dệt may đã tận dụng tốt sự chuyển dịch đơn hàng xuất khẩu từ các quốc gia như: Trung Quốc, Bangladesh... sang Việt Nam. Thời gian qua, tiêu dùng trên toàn cầu không tăng trưởng, nhưng Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng là nhờ sự chuyển dịch của đơn hàng. Việt Nam là một trong những nước được lựa chọn làm đích đến của sự chuyển dịch đơn hàng vào cuối năm 2024, năm 2025”, ông Vũ Đức Giang thông tin.
Cùng với đó là khả năng thích ứng của các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc đáp ứng khá tốt với những yêu cầu từ thị trường nhập khẩu. Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2024, trong 30 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu ngành dệt may, có 10 doanh nghiệp Việt Nam và 20 doanh nghiệp FDI đều đã thích ứng khá tốt với yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Một yếu tố nữa tác động lớn vào sự tăng trưởng thời gian qua của ngành dệt may Việt Nam là sự đa dạng hóa thị trường, đối tác khách hàng và mặt hàng sản xuất. Việt Nam hiện đã xuất khẩu vào 104 thị trường trên toàn cầu. Bên cạnh các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, khối CPTPP và các nước ASEAN, sản phẩm dệt may Việt Nam đã xuất khẩu tới các thị trường mới như châu Phi, Trung Đông… Hầu hết doanh nghiệp trong ngành dệt may đã có đơn hàng quý I/2025 và đang đàm phán đơn hàng quý II/2025.
Nhiều thách thức trong chuyển đổi xanh
Bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp dệt may đang đứng trước nhiều thách thức lớn liên quan đến giá, khối lượng, thời gian giao hàng. Thực tế, trong 2 năm gần đây, các doanh nghiệp trong ngành không còn cơ hội để lựa chọn đơn hàng với số lượng lớn, chủ yếu nhận các đơn hàng nhỏ, khó, thời gian giao hàng nhanh, cùng với đó, cách thức mua hàng của các đối tác thay đổi nhanh, sẵn sàng báo tạm dừng đơn hàng đã đặt. Đặc biệt, nhiều cam kết ràng buộc khắt khe liên quan đến chất lượng sản phẩm với các nhãn hàng, nhà nhập khẩu đang đặt ra cho các doanh nghiệp…
“Hiện nay, các nhãn hàng nổi tiếng thế giới đặt hàng, đòi hỏi doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đến cùng với sản phẩm, tự chịu trách nhiệm về chất lượng, chịu trách nhiệm với người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng phát hiện chất lượng sản phẩm không ổn định, phản ánh với nhãn hàng, nhãn hàng sẽ dừng việc đặt hàng với doanh nghiệp…”, ông Vũ Đức Giang cho biết.
Chia sẻ vấn đề liên quan đến khía cạnh giảm phát thải carbon trong ngành dệt may, theo ông Vũ Đức Giang, mặc dù hiện ngành chưa bắt buộc phải áp dụng các quy định trong giảm phát thải khí nhà kính, nhưng trong xu thế chung xanh hóa hướng tới NetZezo hiện nay, bản thân doanh nghiệp cũng phải nhận thức được phải chủ động xanh hóa để thích ứng với các chính sách mua hàng của các nhà nhập khẩu đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong bối cảnh đó doanh nghiệp cần nhận thức được việc phải chủ động thích ứng hội nhập, đáp ứng với các điều kiện, chính sách của các nước nhập khẩu khi tham gia sân chơi toàn cầu; đồng thời, thúc đẩy việc giảm phát thải, xanh hóa, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã và đang khuyến khích các doanh nghiệp sau khi đầu tư vào "xanh hóa", thuê tổ chức quốc tế đánh giá để cấp chứng chỉ đạt các chuẩn mực LEED Platinum (tiêu chuẩn sản xuất xanh cao nhất do Hiệp hội Các nhà đầu tư xây dựng Mỹ chứng nhận).
Không ít doanh nghiệp dệt may chia sẻ, một trong những thách thức lớn doanh nghiệp gặp phải trong hành trình "xanh hóa" là nguồn vốn. Doanh nghiệp "khát" tín dụng xanh. Tuy nhiên, một số cơ chế trong vay vốn từ các tổ chức tiền tệ, tài chính còn vướng mắc, dẫn tới khó huy động nguồn tín dụng xanh. Nhấn mạnh tài chính xanh là xu thế trong tương lai, Chủ tịch VITAS kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có những cơ chế mở hơn để gia tăng độ chủ động của các doanh nghiệp trong xây dựng mối quan hệ với các tổ chức tín dụng, khơi thông nguồn tín dụng xanh.
Thu Trang
Nguồn: baotintuc.vn