Xuất khẩu bưởi Hòa Bình sang thị trường châu Âu
Bưởi da xanh Hòa Bình sau khi sơ chế, làm sạch, được đóng gói. (Ảnh: Mạnh Minh)

Bưởi da xanh Hòa Bình sau khi sơ chế, làm sạch, được đóng gói. (Ảnh: Mạnh Minh)

Ngày 28/11, tại xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, Công ty FUSA - Eco Hòa Bình tổ chức Lễ công bố xuất khẩu lô hàng đầu tiên đưa quả bưởi Hòa Bình theo đường biển sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) năm 2024.

Đơn hàng xuất khẩu sang EU lần này là giống bưởi đỏ Tân Lạc và bưởi da xanh trồng trên đất Hòa Bình. Quả bưởi sau khi được canh tác đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm được doanh nghiệp thu hái và vận chuyển về nhà xưởng tại Hải Dương để sơ chế, đóng gói theo đúng quy trình yêu cầu từ thị trường nhập khẩu.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công ty FUSA - Eco Hòa Bình cho biết, doanh nghiệp đã có 3 năm tham gia xuất khẩu quả bưởi Hòa Bình. Trước đó, năm 2022, công ty đã xuất khẩu được 120 tấn.

Năm 2024, mặc dù có nhiều đơn hàng nhưng do ảnh hưởng của thiên tai cũng tác động đến mẫu bưởi xuất khẩu, doanh nghiệp ước tính sản lượng bưởi các loại của Hòa Bình sang thị trường nước ngoài sẽ chỉ khoảng 60 tấn. Theo ông Nam, qua phản hồi từ các bạn hàng, người tiêu dùng quốc tế đánh giá rất cao chất lượng quả bưởi Hòa Bình.

Trong thời gian tới, doanh nghiệp dự kiến khai thác thêm thị trường Trung Đông, đây được đánh giá là rất tiềm năng đối với quả bưởi. Công ty đã và đang cam kết kế hoạch hợp tác lâu dài với ngành nông nghiệp Hòa Bình để đưa quả bưởi nói riêng và các mặt hàng nông sản nói chung của địa phương đến với nhiều thị trường quốc tế.

Để mở rộng thị trường và tăng giá trị xuất khẩu cho quả bưởi, phía doanh nghiệp đề nghị cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương tỉnh Hòa Bình quan tâm hướng dẫn cho bà con nông dân tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, cấp thêm các mã số vùng trồng, giám sát quá trình canh tác để quả bưởi xuất khẩu ngon hơn và mẫu mã ngày càng đẹp hơn.

Bưởi xuất khẩu phải trải qua rất nhiều công đoạn, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các dư lượng khác có liên quan đến an toàn thực phẩm đã được kiểm định kỹ lưỡng. Để có được kết quả đó, ngành nông nghiệp Hòa Bình đã quan tâm hướng dẫn và giám sát chặt chẽ việc canh tác ở các vùng nguyên liệu.

Cây bưởi đang là một trong những loại cây trồng thế mạnh chủ lực của tỉnh Hòa Bình. Ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình cho biết, Hòa Bình hiện có 10,24 nghìn ha cây ăn quả có múi; trong đó, diện tích kinh doanh đạt 9,17 nghìn ha. Riêng cây bưởi có 5.400 ha được trồng chủ yếu tại các huyện Lương Sơn, Tân Lạc, Yên Thủy với sản lượng năm 2024 khoảng 109.000 tấn/năm.

Trên cơ sở các quyết định, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã đưa ra các giải pháp để tổ chức thực hiện; trong đó tập trung vào việc sản xuất an toàn, hình thành vùng sản xuất hàng hóa; hỗ trợ chứng nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ); đẩy mạnh cấp, giám sát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và cấp chứng chỉ FSC; kết nối doanh nghiệp sơ chế, chế biến với các vùng sản xuất tập trung; quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, Hòa Bình đã cấp 35 mã số vùng trồng xuất khẩu bưởi sang các thị trường.

Theo ông Nguyễn Hồng Yến, năm nay là năm thứ 3 tỉnh Hòa Bình triển khai đề án tái canh cây ăn quả có múi. Sở Nông nghiệp và Phát triên nông thôn đã ban hành Quyết định số 295/QĐ-SNN ngày 12/6/2023 về việc ban hành Quy trình tạm thời tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Năm 2024 là một năm có nhiều điểm mới với việc giống bưởi đỏ Tân Lạc và bưởi da xanh lên đường xuất ngoại, sau thành công của giống bưởi Diễn những năm trước. Đây là niềm vui lớn với người nông dân Hòa Bình.

Dự kiến sản lượng bưởi xuất khẩu năm 2024 của Hòa Bình khoảng 250-300 tấn sang các thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, EU… Tuy sản lượng xuất khẩu chỉ vài trăm tấn nhưng Hòa Bình xác định lấy đây là tiền đề và hiệu ứng để đẩy mạnh thị trường trong nước và nâng cao giá trị cho quả bưởi.

Trước đó, năm 2022, quả bưởi Hòa Bình đã chinh phục thị trường Vương Quốc Anh. Năm 2023, quả bưởi tiếp cận thành công thị trường Mỹ, khẳng định thương hiệu cho loại quả chủ lực của tỉnh, góp phần tăng nhanh sản lượng xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Hòa Bình.

Ngành nông nghiệp Hòa Bình đang xây dựng kế hoạch để thời gian tới đưa quả bưởi tiếp cận với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Để thúc đẩy sản lượng xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực; trong đó, có quả bưởi, tỉnh Hòa Bình xác định nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người sản xuất thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, mẫu mã sản phẩm khi xuất khẩu. Tĩnh cũng sẽ tăng cường nguồn lực để hỗ trợ cho sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, cải tiến cơ sở vật chất và thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất