Vượt qua thách thức, tận dụng lợi thế UKVFTA, gia tăng thị phần hàng Việt
Thị phần hàng Việt Nam tại thị trường Anh ngày càng gia tăng

Thị phần hàng Việt Nam tại thị trường Anh ngày càng gia tăng

Hàng Việt gia tăng thị phần tại Anh

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, bà Hoàng Lê Hằng - Bí thư thứ nhất, Thương vụ Việt Nam tại Anh (kiêm nhiệm Ailen) - cho biết, Anh và Ailen những thị trường có tiềm năng phát triển thương mại tốt. Thực tế cho thấy, thương mại song phương Việt Nam - Anh liên tục tăng trưởng từ năm 2021 đến nay, kể cả những thời kỳ khó khăn nhất như nửa cuối năm 2023.

Dẫn số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, Thương vụ cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt hơn 3,9 tỷ USD, tăng 21,7% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Việt Nam thặng dư thương mại hơn 3,2 tỷ USD, tăng 28,5% so cùng kỳ 2023...

Trong tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Anh đạt 573,3 triệu USD, tăng 10,7% so với tháng trước đó. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt hơn 3,57 tỷ USD, tăng 24,7% so cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, theo Thương vụ, nhờ tận dụng tốt hơn những ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), thị phần hàng Việt Nam tại thị trường Anh ngày càng gia tăng, tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đều tăng khá trong 6 tháng đầu năm. Theo đó, dẫn đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 142,7%; cao su tăng 110%; điện dây cáp điện tăng gần 68%; máy móc, thiết bị dụng cụ tăng 44,8%, rau quả tăng 55,5%; bánh kẹo, ngũ cốc tăng 46,6%...

Những mặt hàng xuất khẩu có tỷ trọng kim ngạch lớn nhất lần lượt là: Điện thoại các loại và linh kiện 17,9%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 17%; Giày dép các loại 13,4%; Hàng dệt, may 9,8%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 9,6%; Hàng thủy sản 4%; Gỗ và sản phẩm gỗ 3%, sắt thép các loại 3,5%, cà phê 1,8%.

Theo đánh giá của Thương vụ, thị trường Anh có nhiều cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam, trước mắt là cơ sở ưu đãi thuế quan theo Hiệp định UKVFTA và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Theo Hiệp định UKVFTA, 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả được xóa bỏ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Điều này tạo lợi thế cạnh tranh cho nhiều nông sản, hàng hóa của Việt Nam so với sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ những nước chưa có Hiệp định thương mại tự do với Anh.

Năm 2023 có thể coi là năm thành công của hoạt động xuất khẩu Việt Nam sang Anh khi nhiều trái cây đặc sản trong nước đã đi đường chính ngạch sang thị trường này như cam Canh, bưởi Diễn, cam Cao Phong, quýt Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, sầu riêng Ri6, vải u hồng, vải thiều không hạt… và nhận được phản hồi tích cực từ thị trường Anh. Một số nông sản thực phẩm và trái cây tươi đã có mặt tại các chuỗi siêu thị cao cấp và trung lưu của Anh như Whole Food, Marks & Spencer (M&S), Waitrose…

Xuất khẩu hàng nông sản sang Anh ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực

Xuất khẩu hàng nông sản sang Anh ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần R.Y.B (Hòa Bình), doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây tươi đặc sản sang Anh và châu Âu cho biết, năm 2023 các sản phẩm trái cây tươi và nông phẩm đặc sản của tỉnh Hòa Bình được công ty xuất khẩu sang Anh đều bán chạy và được khách hàng đánh giá cao, trong đó có bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc, trà xanh, trà san tuyết cổ thụ, hồng trà, tinh bột nghệ, quế điếu thanh...

Hơn nữa, thị trường Anh khá lớn với khoảng 68 triệu dân, nhu cầu đa dạng với cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu người cũng là điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam, trong đó có đồ nội thất bằng gỗ gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.

Thích ứng linh hoạt với thay đổi của thị trường

Tuy nhiên, theo bà Hoàng Lê Hằng, xuất khẩu hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng sẽ đối mặt không ít thách thức trong năm 2024 trong bối cảnh xung đột Biển Đỏ gây trở ngại lớn đối với xuất khẩu hàng hóa sang Anh bằng đường biển khi hành trình tàu kéo dài thêm từ 10 -15 ngày và cước tàu tăng, với nhóm hàng nông sản, rau quả tươi sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới.

Thêm vào đó, nhu cầu thị trường Anh giảm do kinh tế suy thoái, lạm phát cao và người dân thắt chặt chi tiêu khi chi phí sinh hoạt tăng và lo ngại tình hình kinh tế bấp bênh. Chỉ số niềm tin tiêu dùng (CCI) tại nước này liên tục ở mức âm trong những tháng gần đây (tháng 6/2024 ở mức -14, tăng nhẹ 3 điểm so mức -17 của tháng 5/2024 và vẫn thấp hơn nhiều so giai đoạn trước Covid 19).

Không những vậy, thị trường Anh là một trong những thị trường khó tính, với những tiêu chuẩn cực kỳ khắt khe; yêu cầu về chứng chỉ xanh, thương mại công bằng (fair trade) ngày càng được ưa chuộng khiến các doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn, làm tăng chi phí đầu vào cũng như tăng giá thành sản phẩm.

Mặc dù vậy, bà Hoàng Lê Hằng nhận định, vẫn còn nhiều dư địa để Việt Nam tăng xuất khẩu hàng hóa sang Anh, nhất là nông sản, thực phẩm bởi quốc gia hiện nhập khẩu khoảng 40% nhu cầu lương thực-thực phẩm, trong đó có gần 12,5 tỷ Bảng rau quả; hơn 6 tỷ Bảng ngũ cốc; hơn 4,8 tỷ Bảng cà phê, trà, ca cao; gần 3,7 tỷ Bảng hải sản. Thị trường Anh với gần 68 triệu dân, thu nhập bình quân cao, nhu cầu đa dạng với cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu người là tiềm năng các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể khai thác.

Để có thể tận dụng hiệu quả hơn nữa những cơ hội do UKVFTA mang lại, Thương vụ Việt Nam tại Anh và Ai-len khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo sản phẩm và quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn Anh. Cùng với đó, kịp thời nắm bắt các điều kiện tiêu chuẩn, quy định mới của thị trường xuất khẩu và xu thế tiêu dùng để cải tiến công nghệ, chất lượng mẫu mã sản phẩm phù hợp. Như xu hướng sản phẩm thân thiện môi trường, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng; trào lưu ăn kiêng và ăn chay - sử dụng các sản phẩm nguồn gốc thực vật đang được phát triển ở Anh và nhiều nước châu Âu.

Một trong các giải pháp để vượt qua các thách thức cũng như gia tăng cơ hội tiếp cận thị trường đó là đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng hàng hoá. Về vấn đề này, ông Bob Fletcher - Giám đốc Dịch vụ hải quan và Thương mại toàn cầu, Deloitte Vietnam cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu các mặt hàng sang thị trường Anh sẽ có sự cạnh tranh với nhà sản xuất của các nước khác. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo rằng các sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu cần đáp ứng hoặc vượt mức tiêu chuẩn chất lượng yêu cầu bởi Anh.

Ngoài ra, ông Bob Fletcher đặc biệt nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng các công nghệ kỹ thuật số và các nền tảng thương mại điện tử để mở rộng phạm vi tìm kiếm, tiếp tận thị trường, kết nối với người tiêu dùng một cách hiệu quả, cũng như chủ động tham gia vào các hội chợ thương mại, sự kiện ngành để tìm kiếm và kết nối với các doanh nghiệp Anh mong muốn có hoạt động đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Về phía Thương vụ, trong thời gian tới, Thương vụ sẽ tăng cường kết nối mạng lưới giữa cộng đồng doanh nghiệp Anh và doanh nghiệp Việt Nam tại Anh để giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác. Thương vụ khẳng định, sẽ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Anh và Ai-len.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất