Từ 11 đến 12/9, Trung Quốc sẽ kiểm tra vùng trồng dừa Việt Nam
Diện tích trồng dừa tại xã Lương Hòa (Châu Thành, Trà Vinh). (Ảnh: Thanh Hòa)

Diện tích trồng dừa tại xã Lương Hòa (Châu Thành, Trà Vinh). (Ảnh: Thanh Hòa)

Sáng 6/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu dừa tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Hội nghị với sự tham gia của hơn 100 điểm cầu phổ biến Nghị định thư này tới các cán bộ quản lý của các cơ quan liên quan từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là 15 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có diện tích trồng dừa xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Trung nhấn mạnh, cây dừa là một trong 6 loại cây được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào Đề án và phê duyệt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030.

Từ năm 2022, các sản phẩm dừa xuất khẩu đã có sự tăng trưởng khá và sẽ tăng tiếp tục tăng mạnh khi Việt Nam thực hiện tốt nghị định thư này. Kim ngạch xuất khẩu dừa tươi có thể đạt 300-400 triệu USD, đóng góp giá trị đáng kể cho ngành hàng dừa cũng như ngành nông nghiệp.

Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, Trung Quốc dự kiến kiểm tra trực tuyến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói từ ngày 11-12/9 để hoàn thành việc đăng ký xuất khẩu.

Với những hướng dẫn hôm nay tại hội nghị và tài liệu cung cấp, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá lại các mã số đó, để đợt kiểm tra sắp tới của Trung Quốc đạt hiệu quả cao. Làm sao để dừa tươi Việt Nam có thể xuất khẩu sang Trung Quốc sớm nhất.

Thứ trưởng Hoàng Trung yêu cầu, các địa phương, cơ sở đóng gói, vùng trồng bố trí đủ nguồn lực, điều kiện để chuẩn bị tốt cho đợt kiểm tra sắp tới. Doanh nghiệp phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ với vùng trồng, cơ sở đóng gói để đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Các hệ thống kiểm dịch thực vật tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong xuất khẩu nhưng cũng phải đảm bảo việc kiểm tra, kiểm soát lô hàng xuất khẩu.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết: Về lần kiểm tra sắp tới của Trung Quốc, mỗi ngày có 3 đoàn kiểm tra song song. Trung Quốc sẽ lựa chọn ngẫu nhiên 24 vùng trồng và 12 cơ sở đóng gói để kiểm tra.

Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu dừa tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc gồm 9 điều.

Theo đó, dừa tươi của Việt Nam được xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm dừa tươi (cả quả có vỏ xanh và cuống ngắn nhỏ hơn hoặc bằng 5cm và dừa không có vỏ).

Dừa phải tuân thủ các luật về kiểm dịch thực vật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến an toàn và vệ sinh thực phẩm của Trung Quốc, không bị nhiễm các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm, cành, lá và đất.

Tất cả các vùng trồng và cơ sở đóng gói dừa xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; được cả Tổng Cục Hải quan Trung Quốc (GACC) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ gửi cho GACC danh sách các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã đăng ký để phê duyệt và danh sách này sẽ được cập nhật thường xuyên. GACC sẽ đăng tải danh sách này trên website.

Tất cả các vườn trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, đồng thời áp dụng theo nguyên tắc Thực hành nông nghiệp tốt (GAP), áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), thực hiện chương trình quản lý để giám sát vùng trồng đối với các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm.

Tất cả các vùng trồng phải lưu giữ hồ sơ giám sát và kiểm soát sinh vật gây hại, hồ sơ này sẽ được cung cấp cho GACC khi có yêu cầu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc cán bộ được ủy quyền sẽ giám sát quy trình sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển dừa xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trước khi xuất khẩu, cán bộ kiểm dịch thực vật tiến hành kiểm tra kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2%.

"Trong 2 năm đầu tiên, nếu không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật thì tỷ lệ lấy mẫu sẽ giảm xuống còn 1%. Dừa của Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc được GACC cho phép nhập khẩu trái cây", ông Nguyễn Quang Hiếu thông tin.

Tại hội nghị, đại diện các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh thành cho biết đều đã sẵn sàng các khâu để chuẩn bị lần kiểm tra này của Trung Quốc.

Dừa Việt Nam đang đứng thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường dừa thế giới. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu dừa và sản phẩm của dừa của Việt Nam năm 2023 đạt hơn 900 triệu USD.

Thị trường nhập khẩu dừa tươi của Việt Nam chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu dừa lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 51% tổng kim ngạch xuất khẩu dừa tươi.

Việc mở rộng thêm thị trường xuất khẩu chính ngạch Trung Quốc sẽ đã tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia vào đăng ký mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói đạt chuẩn xuất khẩu, mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho ngành dừa Việt Nam./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất