(TTĐN) - Trong 9 tháng năm 2024, Tiền Giang đạt kim ngạch xuất khẩu 4,25 tỷ USD, tăng 6,78% so cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng công nghiệp chiếm đến gần 82% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
|
May hàng xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt)
|
Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi, trong 9 tháng qua, Tiền Giang đạt kim ngạch xuất khẩu 4,25 tỷ USD, tăng 6,78% so cùng kỳ năm trước và đạt 85% chỉ tiêu cả năm.
Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay.
Báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang chỉ rõ tăng cao nhất là nhóm hàng công nghiệp chiếm đến gần 82% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh và tăng 34,13% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhóm hàng rau quả xuất khẩu cũng khởi sắc mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng năm 2024, Tiền Giang đã xuất khẩu được trên 36.000 tấn hàng rau quả các loại, thu về gần 96 triệu USD, tăng 71,46% về lượng và tăng 71,84% về giá trị.
Ngoài thị trường Trung Quốc, hàng rau quả Tiền Giang còn xuất sang nhiều nước như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc..., giúp nông sản hàng hóa tỉnh Tiền Giang mở rộng thị trường, tăng trưởng xuất khẩu theo hướng bền vững, thu hút ngoại tệ, nông dân hưởng lợi.
Thị trường xuất khẩu của tỉnh ngày càng rộng mở, đa dạng; trong đó, Trung Quốc, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm tỷ trọng trên 21%, còn lại là các thị trường khác như: Nga, Ấn Độ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong các tháng cuối năm 2024, tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả điều hành xuất khẩu, khuyến khích các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, chiếm lĩnh thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa chủ lực nói chung, phấn đấu cả năm vượt mốc 5 tỷ USD, tăng 7,8% so năm 2023.
Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang Lưu Văn Phi đánh giá kết quả trên nhờ tỉnh nhờ kịp thời nắm bắt cơ hội thị trường thế giới phục hồi, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các mặt hàng chủ lực có lợi thế địa phương đã giúp hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có thế mạnh của tỉnh đều tăng khá, góp phần giúp tăng trưởng xuất khẩu địa phương ổn định và bền vững.
Trong năm 2024, Tiền Giang tiếp tục đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng và thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát vừa có sức tăng trưởng khả quan; đồng thời, tạo thuận lợi, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi… Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông Lưu Văn Phi cũng chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả điều hành thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Mặt khác, vận dụng tốt cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu xây dựng và kết nối các vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm; tập trung cho các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: gạo, trái cây, thủy sản chế biến, may mặc, giày da.
Đồng thời, địa phương quan tâm trợ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ nắm bắt kịp thời thông tin, khai thác và tận dụng những ưu đãi mà Hiệp định thương mại tự do nước ta đã ký kết mang lại để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu cũng như mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác phù hợp.
Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu đều được kịp thời cung cấp thông tin cập nhật liên quan thị trường xuất khẩu nhằm kết nối cung-cầu xuất khẩu. Đặc biệt, quan tâm thông tin, quy định mới về thị trường xuất khẩu do Bộ Công Thương cung cấp. Mặt khác, tích cực giúp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, nhất là đối với những ngành hàng chủ lực có lợi thế cạnh tranh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang phối hợp chặt chẽ cùng ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh khẩn trương tổ chức tốt việc xuất khẩu nông sản hàng hóa chủ lực có thế mạnh như thanh long, sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc,…thông qua các doanh nghiệp xuất khẩu kết nối cùng các hợp tác xã, nông dân tạo nguồn sản phẩm xuất khẩu ổn định đi các nước hàng năm.
Đặc biệt, tỉnh hướng dẫn doanh nghiệp và các đơn vị kinh tế tập thể xúc tiến các thủ tục cần thiết như: lập hồ sơ để được cấp mã số cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch trái cây sang thị trường Trung Quốc cũng như một số nước khác.
Ngoài ra, Tiền Giang quan tâm nắm bắt tình hình xuất khẩu tại các cửa khẩu như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang… và cập nhật kịp thời những diễn biến nóng trên thị trường các nước để thông tin đến doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chủ lực.
Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp hoạt động xuất khẩu nói chung, ngành xuất khẩu rau quả của tỉnh nói riêng ngày càng khởi sắc, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương tăng trưởng một cách vững chắc./.
Minh Trí
Nguồn: vietnamplus.vn