Thương mại Việt - Lào hướng đến mục tiêu 2 tỷ USD
Với hệ thống 33 cửa khẩu và 9 khu kinh tế cửa khẩu, hợp tác thương mại, nhất là thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào còn nhiều dư địa để phát triển. (Ảnh: Hoài Nam)

Với hệ thống 33 cửa khẩu và 9 khu kinh tế cửa khẩu, hợp tác thương mại, nhất là thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào còn nhiều dư địa để phát triển. (Ảnh: Hoài Nam)

Việt Nam và Lào là hai nước có quan hệ truyền thống lịch sử đoàn kết đặc biệt. Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, hai dân tộc đã luôn giúp đỡ, hỗ trợ nhau cùng phát triển, cùng tiến bộ. Trong đó, hai bên đã ký nhiều hiệp định, văn kiện, thỏa thuận hợp tác như: Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào năm 2015; Thỏa thuận về Chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2030 và Hiệp định hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2025; các Hiệp định giữa hai Chính phủ và Thỏa thuận hợp tác tại Kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ. Đồng thời, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tìm hướng đi mới thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế. Việc triển khai thực hiện các hiệp định, thỏa thuận hợp tác trên đã tạo nền tảng thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại giữa hai bên đạt được những kết quả quan trọng.

Việt Nam và Lào có chung đường biên giới đất liền dài hơn 2.300km đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành phố của cả hai nước với hệ thống 33 cặp cửa khẩu các loại cùng 27 lối mở và 9 khu kinh tế cửa khẩu. Nhìn tổng thể mối quan hệ đoàn kết lâu đời giữa hai nước Việt Nam và Lào có thể thấy, quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước đã có nhiều bước tiến quan trọng. Hoạt động trao đổi về kinh tế cũng như đi lại, xuất nhập khẩu hàng hóa, lao động giữa Việt Nam và Lào được lãnh đạo cấp cao hai nước luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi phát triển trong nhiều năm qua.

Từ năm 2012 đến nay, kim ngạch thương mại hai nước chủ yếu tăng trưởng dương. Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã đạt mức 1 tỷ USD. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Lào đã phát triển mạnh mẽ hơn. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương hai nước đạt 1,37 tỷ USD. Năm 2022, con số này là 1,65 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương hai nước đạt 1,63 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 533 triệu USD, giảm 18,7%; nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 1,1 tỷ USD, tăng 4,7%. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại Việt – Lào đạt 927,8 triệu USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2023. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Lào chủ yếu là xăng dầu, sắt thép, máy móc thiết bị.... Ở chiều ngược lại, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu cao su, gỗ, quặng và khoáng sản từ Lào. Tính bình quân giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng bình quân thương mại hai nước đạt 17,7%.

Về hợp tác đầu tư, Việt Nam luôn nằm trong top 3 đối tác thương mại lớn nhất của Lào nhiều năm qua, sau Trung Quốc và Thái Lan. Theo thông tin từ Hội nghị giữa kỳ đánh giá Thỏa thuận kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào năm 2024 và rà soát, thúc đẩy Hiệp định hợp tác song phương hai nước giai đoạn 2021-2025, tính đến nay, Việt Nam đầu tư vào Lào 256 dự án, có tổng vốn đăng ký khoảng 5,5 tỷ USD; vốn thực hiện lũy kế đạt khoảng 2,8 tỷ USD. Trong đó, nhiều dự án hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động, bổ sung nguồn thu cho ngân sách Nhà nước Lào, nhất là trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, trồng và chế biến cao su, sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, sữa...

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, BĐBP Quảng Bình phối hợp với lực lượng chức năng ở cửa khẩu kiểm tra phương tiện thông quan qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo. (Ảnh: Hoài Nam)

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, BĐBP Quảng Bình phối hợp với lực lượng chức năng ở cửa khẩu kiểm tra phương tiện thông quan qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo. (Ảnh: Hoài Nam)

Tuy nhiên, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào mới đạt quy mô 1,65 tỷ USD, chỉ bằng 10% tổng kim ngạch ngoại thương của Lào và 0,2% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam. Theo Bộ Công thương, kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Do đó, để tiếp tục thúc đẩy hợp tác thương mại, kinh tế giữa hai nước, Chính phủ Việt Nam và Lào đã giao Bộ Công thương hai nước đàm phán, sửa đổi, bổ sung để xây dựng Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào mới phù hợp với bối cảnh hiện nay. Sau quá trình đàm phán kéo dài 3 năm, Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào mới đã được Bộ trưởng Bộ Công thương hai nước thay mặt Chính phủ hai bên ký kết vào ngày 8/4/2024. Hiệp định gồm 5 chương, tương ứng với 15 điều khoản và 5 phụ lục đã bao phủ các vấn đề quan trọng trong hợp tác thương mại giữa hai nước, bao gồm: Quy định về việc tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ; tạo thuận lợi thương mại; xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử; hợp tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống rửa tiền và vận chuyển trái phép qua biên giới.

Bản Hiệp định thương mại mới hướng tới mục tiêu tăng cường, củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, thúc đẩy tiếp cận thị trường cho hàng hóa, dịch vụ và tạo sự kết nối phát triển ổn định, bền vững và lâu dài. Các điều khoản của Hiệp định được xây dựng dựa trên nguyên tắc phù hợp với các luật, quy định và chính sách tương ứng của mỗi nước; bình đẳng, cùng có lợi; cùng hướng tới việc tạo thuận lợi tối đa trong việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và cung ứng dịch vụ, dành cho nhau những ưu đãi đặc biệt về thương mại hàng hóa và dịch vụ.

Theo Bộ Công thương, Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào mới sau khi ký kết và đi vào thực thi sẽ góp phần giải quyết các vấn đề phát sinh sau một thời gian thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào năm 2015; tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thương mại giữa Việt Nam-Lào; đặc biệt, việc rà soát và đưa ra các ưu đãi về thuế suất thuế nhập khẩu đi trước lộ trình giảm thuế của Việt Nam và Lào trong ASEAN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại Việt Nam-Lào.

Để khai thác tiềm năng hợp tác thương mại, trên cơ sở Hiệp định thương mại mới ký kết, lãnh đạo Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Công thương Lào đã gặp gỡ, trao đổi, thống nhất đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối doanh nghiệp hai nước như các diễn đàn doanh nghiệp, hội nghị kết nối giao thương doanh nghiệp, hội chợ thương mại, diễn đàn thúc đẩy thương mại, hội thảo thông tin thị trường. Cùng với đó, thúc đẩy hợp tác phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào; tập trung khai thác tối đa hiệu quả của các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu hiện có tại khu vực biên giới hai nước; phối hợp chặt chẽ để đảm bảo ổn định thị trường xăng dầu của Lào. Đồng thời, tăng cường hợp tác trong công tác quản lý thị trường; tăng cường hợp tác phát triển thương mại điện tử./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất