Thúc đẩy hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
Sản xuất, gia công linh kiện tại Công ty TNHH Sankoh Việt Nam (Nhật Bản), tỉnh Hòa Bình. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Sản xuất, gia công linh kiện tại Công ty TNHH Sankoh Việt Nam (Nhật Bản), tỉnh Hòa Bình. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Thông qua việc mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác bán dẫn, AI uy tín trên thế giới, Việt Nam đã và đang thực hiện phương châm “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”, từng bước đồng hành cùng các đối tác, doanh nghiệp để cùng bước vào bản đồ bán dẫn và AI thế giới.

Khẳng định Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và AI, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Việt Nam có dân số hơn 100 triệu dân, đang trong thời kỳ dân số vàng; có thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết và có năng lực tiếp cận khoa học công nghệ và các lĩnh vực STEM được đánh giá cao.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã lựa chọn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, AI trên cơ sở nghiên cứu tổng hợp từ thực tiễn khách quan. Theo đó, Việt Nam ưu tiên lựa chọn các lĩnh vực này nhằm hiện thực hóa các chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước trong việc bắt kịp, tiến cùng, vượt lên so với các quốc gia phát triển trên thế giới.

Cùng với đó, Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực AI từ năm 2021. Ngày 21/9/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện nay Việt Nam đã hình thành được một hệ sinh thái bán dẫn, AI có quy mô lớn trong khu vực với sự tham gia của Google, Meta, NVIDIA, AMD, Qualcomm, Intel, Amkor, Hana Micron, LAM Research, Marvell, Cadence, Synopsys, Qorvo, Ampere, Infineon và rất nhiều doanh nghiệp công nghệ cao trong ngành điện tử…

Chung tay phát triển hệ sinh thái bán dẫn và AI tại Việt Nam, bà Becky Fraser, Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ Chính phủ, Tập đoàn Qualcomm chia sẻ, trong hơn 20 năm qua, Qualcomm là đối tác tận tâm trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Đặc biệt, các chính sách có tư duy tiến bộ của Chính phủ Việt Nam, cùng với sự thương mại hóa và ứng dụng AI, đang góp phần đáng kể vào quá trình chuyển đổi số này.

TS. Ettikan Karuppiah, Giám đốc, Chuyên gia công nghệ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Nvidia cũng cho hay, doanh nghiệp Việt Nam đang phát triển các giải pháp GenAI nội địa hướng đến toàn cầu. Đối với doanh nghiệp, chương trình của Nvidia sẽ cung cấp các dịch vụ tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ phát triển sản phẩm, đào tạo chuyên sâu về các công nghệ cụ thể và hỗ trợ tiếp thị sản phẩm.

Đặc biệt, Nvidia có các hỗ trợ khởi nghiệp thông qua các chương trình ươm mầm, cung cấp tài chính, hỗ trợ kỹ thuật, kết nối với các nhà đầu tư. Mục tiêu chung của chương trình là nâng cao trình độ kỹ thuật của đội ngũ phát triển phần mềm Việt Nam. Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm phần mềm Make in Vietnam; xây dựng một cộng đồng phát triển phần mềm mạnh mẽ và bền vững, hỗ trợ các startup trong lĩnh vực công nghệ.

“Chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam củng cố vị thế dẫn đầu về kinh tế số thông qua sáng kiến công nghiệp lần thứ tư của Chính phủ. Thông qua việc mở ra các cơ hội tăng trưởng và cung cấp các sản phẩm đổi mới, Meta hướng đến mục tiêu đóng góp cho sự thịnh vượng của kinh tế đất nước và tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong thời đại kỹ thuật số”, ông Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách Đối ngoại Toàn cầu, Tập đoàn Meta bày tỏ.

Trước sự đồng hành của các doanh nghiệp công nghệ cao trong ngành điện tử, bán dẫn quy mô lớn trong khu vực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Việt Nam đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp công nghệ cao cũng như trong lĩnh vực bán dẫn, AI. Chính phủ sẽ sớm ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, bán dẫn, AI và dự kiến sẽ có cuộc cải cách mạnh.

Cụ thể, đối với doanh nghiệp bán dẫn và AI nằm trong các khu công nghiệp chế xuất sẽ không cần xin chấp thuận đầu tư mà chỉ cần đăng ký đầu tư. Như vậy, chỉ trong vòng 15 ngày, nhà đầu tư đã nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và sau đó có thể triển khai được ngay dự án. Cùng đó, các thủ tục có thể được rút bớt, tránh trùng lặp các công việc mà khu công nghiệp đã hoàn tất...

Ông Alexey Navolokin, Giám đốc Kinh doanh Thương mại khu vực châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản, Tập đoàn AMD cho rằng, thực tế, Chính phủ Việt Nam đang tạo rất nhiều cơ chế khuyến khích cùng các sáng kiến để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thậm chí kêu gọi đầu tư bằng việc tinh giản quá trình cấp phép đầu tư. Tuy nhiên, ông Alexey Navolokin lưu ý, Việt Nam cần bảo đảm nguồn năng lượng, bởi thực tế Việt Nam đã từng xảy ra tình trạng thiếu điện.

Mới đây, tại sự kiện kỷ niệm 5 năm thành lập NIC và Ngày hội đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 (Innovate Viet Nam 2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Đổi mới sáng tạo là lựa chọn chiến lược, là yêu cầu khách quan, cũng là nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hàng đầu thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững.

Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu trước hết cần hoàn thiện thể chế; trong đó, tập trung vào các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, bảo đảm tiếp cận các nguồn lực tài chính và hạ tầng cần thiết cho sự phát triển. Đồng thời, tăng cường phối hợp, liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai có hiệu quả chiến lược về đào tạo nhân lực ngành bán dẫn. Cùng với đó, nghiên cứu có cơ chế, chính sách đột phá tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; khẩn trương xây dựng dự án luật và trình Chính phủ ban hành nghị định về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hoàn thành trong năm 2024.

“Các bộ, ngành, địa phương cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân, nhất là thế hệ trẻ tham gia các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là tiếp cận với nguồn lực tài chính, hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao…”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất