Thách thức từ thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp Việt cần 'chuyển mình'
Doanh nghiệp logistics đang cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước chưa đủ mạnh (Ảnh: Amazon)

Doanh nghiệp logistics đang cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước chưa đủ mạnh (Ảnh: Amazon)

Thương mại điện tử “bùng nổ”

Đặt ốp lưng điện thoại của một gian hàng Trung Quốc trên Shopee, 3 ngày sau, chị Nhật Hà ở Hà Nội đã nhận được hàng. Quá trình di chuyển của hàng hóa được cập nhật đầy đủ trên vận đơn để khách hàng theo dõi: từ lúc đặt hàng, đơn vị vận chuyển quốc tế lấy hàng thành công, đơn hàng đã nhập kho tại Thẩm Quyến đến lúc đơn hàng xuất kho, thông quan xuất khẩu, rời cảng xuất xứ là SHENZHEN bằng máy bay mà đích đến ghi rõ là HANOI, đến lúc đơn hàng được nhập khẩu vào Việt Nam và đến tay khách hàng… Tất cả cụ thể từng giờ, từng ngày. “Nằm ở nhà tôi cũng có thể theo dõi hàng mình đặt đang ở đâu, thậm chí là biết giờ nhận hàng. Đặt mua ở nước ngoài nhưng hàng giao còn nhanh hơn đơn nội địa” - chị Hà chia sẻ.

Thương mại điện tử đang bùng nổ, và các sàn thương mại điện tử quốc tế cũng như hàng hóa nước ngoài đang “làm mưa làm gió” trên thị trường Việt. Các con số nghiên cứu thị trường đã chỉ rõ điều này. Một trong hai đơn vị cung cấp dữ liệu thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam là công ty dữ liệu thương mại điện tử Metric trong “Báo cáo thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 6 tháng đầu năm 2024” vừa công bố cho biết, tổng doanh số 5 sàn trong nửa năm qua đạt 143.900 tỷ đồng, tăng 54,91% so với cùng kỳ 2023.

Trong báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2024 và dự kiến kế hoạch 2025 của ngành Công Thương, vừa được Bộ Công Thương gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư vào đầu tháng 8/2024 cho thấy, tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm ước đạt 3.098,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, với mức tăng 54,91% của 5 sàn thương mại điện tử nêu trên, tăng trưởng của thương mại điện tử không chỉ cách rất xa mức tăng ngành bán lẻ của cả nước mà doanh số của 5 sàn này cũng đã chiếm đáng kể trong tổng mức doanh thu của ngành bán lẻ. Trung bình mỗi ngày, người tiêu dùng trong nước chi khoảng 800 tỷ đồng cho 5 “ông lớn” thương mại điện tử là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop.

Báo cáo mới công bố của Công ty phân tích và Tư vấn phát triển kênh thương mại điện tử YouNet ECI cũng cho thấy, người tiêu dùng chi 87.370 tỷ đồng mua sắm trên 4 sàn thương mại điện tử đa ngành lớn nhất Việt Nam trong quý II/2024 gồm: Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki, tăng 10,4% so với quý I. Trong đó, Shopee chiếm gần ba phần tư tổng chi tiêu mua sắm của khách hàng, với tổng giao dịch đạt 62.380 tỷ đồng, chiếm 71,4% thị phần. Xếp thứ hai tiếp tục là TikTok Shop với 19.240 tỷ đồng, tương đương 22%.

Khắc phục điểm yếu để khẳng định vị thế

Nhanh, giá cả hợp lý và đặc biệt là “cái gì cũng có”, người tiêu dùng trong nước đã quá quen thuộc với việc mua hàng trên mạng. Chỉ có điều, dù tăng trưởng khá cao nhưng sức tiêu thụ của hàng hóa trong nước trên các sàn thương mại điện tử chưa được như kỳ vọng. Thương mại điện tử xuyên biên giới giúp hàng Việt vươn xa và đến được nhiều thị trường quốc tế hơn nhưng cũng khiến hàng Việt bị cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường nội địa. Câu chuyện chiếc ốp điện thoại từ Trung Quốc về tới Việt Nam chỉ trong 3 ngày là một ví dụ. Thực tế, có những mặt hàng được tập kết tại các kho hàng ngay sát biên giới nước ta như Bằng Tường và Hà Khẩu thì việc giao hàng còn nhanh hơn, có thể rút ngắn xuống 2 ngày.

Không chỉ có ưu thế thời gian giao hàng mà cước phí của các đơn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam cũng lợi thế hơn hẳn so với đơn hàng giao trong nước hoặc trong cùng một tỉnh thành. Hiện tại, phí giao hàng trong nước của một số doanh nghiệp vận chuyển lớn đang giao động quanh mức 18.000 - 25.000 đồng (khu vực nội thành hoặc một vùng, miền) và từ 25.000 - 35.000 đồng nếu giao trong nước, thậm chí lên tới 40.000 đồng. Trong khi với không ít đơn hàng từ Trung Quốc, khách hàng Việt Nam được miễn phí giao hàng hoặc giá ship chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng/lần.

Hạ tầng vẫn là điểm yếu của thương mại nội địa. Để có được một hạ tầng tốt thì không chỉ cần sự liên kết mà còn cần sự chính sách, chiến lược đầu tư bài bản, đặc biệt là cho logicstic. Báo cáo của Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhìn nhận, tăng trưởng của thương mại nội địa còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa (nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển, người tiêu dùng).

Đánh giá về sự cạnh tranh của thương mại điện tử giữa doanh nghiệp nội và ngoại, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) chỉ ra, các doanh nghiệp nước ngoài được hỗ trợ khá lớn về chính sách hạ tầng logistics trong khi doanh nghiệp logistics Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn với những chi phí cao về hạ tầng, chính sách chưa đủ mạnh. Thêm nữa, doanh nghiệp logistics trong nước cũng chưa có kho hàng đảm bảo tiêu chuẩn cho hoạt động thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Ban logistics cho thương mại điện tử của VLA bày tỏ, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam còn phân tán, thiếu kho bãi. Các doanh nghiệp logistics đang cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước chưa đủ mạnh nên không có điều kiện để tối ưu khi mô hình bán hàng qua kênh thương mại điện tử.

Liên quan tới khung pháp lý, ông Hùng cũng chỉ ra rằng, Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý chính thức cho phép hình thành các kho ngoại quan cho thương mại điện tử, mà mới chỉ có kho ngoại quan dành cho hàng tạm nhập tái xuất. Trong khi với mô hình kho ngoại quan phục vụ thương mại điện tử, việc tập kết hàng hóa được thuận lợi hơn, các thủ tục và chi phí đi kèm cũng được giảm bớt, rút ngắn thời gian giao hàng và tăng sức cạnh tranh.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh thế giới phẳng như hiện nay, việc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài là thực tế mà doanh nghiệp Việt phải đối mặt. Xuất khẩu xuyên biên giới của các nước vào Việt Nam gia tăng bên cạnh chờ đợi hoàn thiện chính sách từ cơ quan quản lý thì doanh nghiệp nội buộc phải tự hoàn thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình; gia tăng liên kết trong hoạt động kinh doanh. Và thậm chí cũng coi sự cạnh tranh đó là cơ hội, bắt tay với các doanh nghiệp ngoại để đưa hàng Việt vào thị trường của họ.

Thương mại điện tử luôn được xác định là phương thức phân phối quan trọng, không chỉ góp phần tăng tiêu dùng nội địa mà còn giúp đẩy mạnh đưa hàng Việt ra thị trường quốc tế. Để tận dụng hơn nữa xu hướng này, đồng thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nội địa, Bộ Công Thương đã và đang có nhiều giải pháp cụ thể. Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - cho biết: Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ xem xét sớm ban hành nghị định về quản lý hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử nhằm có cơ chế tách bạch luồng hàng hóa thông thường và hàng hóa thương mại điện tử; tăng cường quản lý người bán nước ngoài. Cùng với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực bán hàng trên thương mại điện tử, Bộ cũng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong môi trường thương mại điện tử; Rà soát vướng mắc về cơ chế chính sách để có những tham mưu, kiến nghị hoàn thiện, nâng cao hiệu lực pháp lý.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất