RCEP tạo 'con đường tơ lụa' cho hàng Việt khai thác thị trường ASEAN
Cà phê Việt Nam là một trong những sản phẩm được thị trường ASEAN ưa chuộng. Ảnh: Tiến Anh

Cà phê Việt Nam là một trong những sản phẩm được thị trường ASEAN ưa chuộng. Ảnh: Tiến Anh

Gia tăng thị phần hàng Việt tại thị trường ASEAN

RCEP là Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước ASEAN với 5 đối tác đã có các FTA với ASEAN là: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

RCEP được thực thi từ ngày 1/1/2022, đã tạo nên một thị trường lớn có quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP gần 27 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu.

Trong đó, thị trường ASEAN nhiều năm qua luôn có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Khi Hiệp định RCEP được ký kết và thực thi, doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng rất tốt hiệp định này, thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu vào các nước nằm trong Hiệp định này có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian qua.

Ông Quyền Anh Ngọc - Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - cho biết, theo Hiệp định RCEP, các nước ASEAN xoá bỏ thuế quan cho Việt Nam khoảng 85,9 - 100% số dòng thuế; lộ trình dài nhất từ 15-20 năm kể từ khi FTA có hiệu lực.

Ngoài ra, các nước đối tác xoá bỏ thuế quan cho Việt Nam khoảng 90,7 - 98,3% số dòng thuế; lộ trình dài nhất từ 15-20 năm kể từ khi FTA có hiệu lực.

Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 32,5 tỷ USD. 10 tháng năm 2024, Việt Nam cũng mang về 30,6 tỷ USD từ xuất khẩu hàng hóa sang khối ASEAN, tăng 13,9% so với kỳ trước và là thị trường có kim ngạch lớn thứ tư.

Đại diện cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, 10 tháng đầu năm 2024, Việt Nam giữ vị trí là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Singapore. 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Singapore tiếp tục tăng mạnh, cụ thể là nhóm máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại; nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng; thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh.

"Một số nhóm ngành xuất khẩu khác cũng có mức tăng trưởng rất mạnh, như sắt thép; máy quang học, dụng cụ đo lường, thiết bị y tế, đồng hồ, nhạc cụ và phụ kiện các loại. Đặc biệt, hiện nay, Việt Nam là quốc gia chiếm thị phần lớn nhất tại Singapore đối với 3 nhóm gạo", cơ quan Thương vụ thông tin.

Về ngành hàng, trong khối ASEAN, Việt Nam xuất khẩu 34.654 tấn cà phê sang Thái Lan, tăng 29,1% giá trị kim ngạch so với cùng kỳ năm trước (YoY); Malaysia với 28.703 tấn, tăng 64,5% YoY; Myanmar với 1.954 tấn, giảm 35,9% YoY; Campuchia với 1.862 tấn, tăng tới 49,7% YoY; Singapore với 1.250 tấn, tăng 10,4% YoY; Lào với 118 tấn, tăng 4,4% YoY.

Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm trên 45%. Đến cuối tháng 10/2024, Philippines nhập khẩu 2,91 tấn gạo từ Việt Nam, chiếm hơn 79% trong tổng số 3,68 triệu tấn gạo nhập khẩu của Philippines. Thị trường lớn tiếp theo là Indonesia và Malaysia. Trong nhóm 15 thị trường Việt Nam xuất khẩu gạo lớn nhất, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất ở thị trường Malaysia với mức tăng 2,3 lần.

Chú trọng đến thị trường ngách

Ông Nguyễn Thành Huy - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan - cho hay, Việt Nam có nhiều đặc sản vùng miền, trong đó, có không ít sản phẩm có chỉ dẫn địa lý được thế giới công nhận, do đó trong việc truyền thông, giới thiệu sản phẩm cần lan tỏa được câu chuyện về sản phẩm

"Doanh nghiệp cần biết kể những câu chuyện về những vùng nguyên liệu quý của mình, qua đó, tạo ra những dấu ấn riêng, bản sắc riêng cho các sản phẩm Việt, để có thể ghi dấu ấn trên thị trường Thái Lan", ông Huy nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc khai thác thị trường ngách cũng rất quan trọng. Theo báo cáo đánh giá của Bộ Công Thương, Việt Nam đang có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu mặt hàng nông sản, thực phẩm sang ASEAN, nhất là các nước có đa số người dân theo đạo Hồi (Indonesia, Malaysia…).

Tuy nhiên, hầu hết mặt hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu vào các nước ASEAN đều yêu cầu có chứng nhận Halal (chứng nhận để đủ điều kiện xuất khẩu hàng hóa, thực phẩm sang các nước Hồi giáo). Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt không đáp ứng được tiêu chuẩn này, nên không thể tiếp cận được phân khúc thị trường ngách tiềm năng này.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam. Ảnh: Yến Giang

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam. Ảnh: Yến Giang

Theo ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Giám đốc VCCI chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, ASEAN là thị trường xuất khẩu đứng thứ tư của Việt Nam sau Trung Quốc, Mỹ và EU. Thành thử, các doanh nghiệp phải thay đổi mạnh để “tấn công” được vào thị trường này. Các quốc gia ASEAN có văn hóa khá khác nhau, do đó, doanh nghiệp phải thay đổi mạnh để "tấn công” được vào thị trường này.

"Thị trường lớn quan trọng, nhưng thị trường ngách cũng rất quan trọng, các doanh nghiệp không nên bỏ phí", ông Nam nhấn mạnh.

Rào cản thương mại do một số quốc gia trong ASEAN dựng lên, cũng được cho là nguyên nhân khiến hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang ASEAN bị hạn chế. Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam - VCCI), dẫn chứng, thời gian qua, Indonesia, Philippines, Thái Lan đã đặt ra khá nhiều biện pháp phi thuế quan có tính hạn chế thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như sắt thép, xi măng, gạch men, xơ sợi.

Do đó, thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước cần cung cấp thông tin thị trường, hướng dẫn doanh nghiệp cách tiếp cận, cơ hội tại thị trường ASEAN. Bên cạnh đó, cần thường xuyên theo dõi để kịp thời phát hiện và có biện pháp đấu tranh, xử lý các chính sách hạn chế, rào cản thương mại đối với mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất