Phát triển điện hạt nhân: "Đảm bảo tối đa an toàn, thậm chí mức rủi ro là 0"
Lò phản ứng hạt nhân tại Viện nghiên cứu hạt nhân. (Ảnh: Quang Nhựt)

Lò phản ứng hạt nhân tại Viện nghiên cứu hạt nhân. (Ảnh: Quang Nhựt)

Tại buổi họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 23/10, tại Hà Nội, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo nhấn mạnh việc phát triển điện hạt nhân để đảm bảo các yếu tố kinh tế-xã hội; khoa học kỹ thuật-tài chính.

Năm 2009, Việt Nam đã nghiên cứu để triển khai dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận, tuy nhiên thời điểm đó do yếu tố nhân lực và tài chính khó khăn nên Quốc hội có nghị quyết tạm dừng dự án điện hạt nhân.

Theo ông Hùng, hiện đất nước và thế giới có nhiều chuyển biến tích cực cả về nguồn lực, do vậy Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân trên thế giới và tình hình hiện nay của Việt Nam và đã có báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, phát triển điện hạt nhân trong giai đoạn tới là rất cần thiết, đảm bảo an ninh năng lượng và đáp ứng các mục tiêu phát triển và mục tiêu trung hoà carbon tại COP 26.

“Phát triển điện hạt như thế nào sẽ được nghiên cứu kỹ và đánh giá toàn diện để đề xuất trong quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia (quy hoạch 8 rà soát, điều chỉnh). Sẽ có đề án cụ thể để đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng sau khi có chủ trương phát triển điện hạt nhân và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt”, ông Hùng nhấn mạnh.

Về điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135/2024/NĐ-CP ngày 22/10/2024 quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ nên việc phát triển nguồn điện này tuân theo Nghị định.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 23/10. (Ảnh: Đức Duy)

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 23/10. (Ảnh: Đức Duy)

Bổ sung thêm, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết trước đây đã có chủ trương phát triển điện hạt nhân. Hiện nay, căn cứ trên quy hoạch điện 8 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang nghiên cứu lại thực tế và nhu cầu thực tiễn để báo cáo lại Chính phủ xem có nên triển khai không.

Cũng theo ông Tân, hiện Bộ Công Thương đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, xu thế hiện nay, theo đó một số nước có nghiên cứu nhu cầu phát triển tăng gấp 2-3 lần sử dụng điện hạt nhân. Đơn cử, Nhật Bản, Pháp… ước tính tỷ trọng điện hạt nhân chiếm 20-25% tổng nhu cầu phát triển điện.

“Về công nghệ, quan điểm của Bộ Công Thương là sử dụng công nghệ mới và đã được áp dụng thực tiễn, đảm bảo tối đa an toàn, thậm chí mức rủi ro là 0”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất