|
Đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì phiên thảo luận. (Ảnh: TTXVN)
|
Đồng thời, UBND tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt Danh mục 55 dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư, với mức ưu đãi cao. Đây là thông tin được cho biết tại Hội nghị kết nối xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Ninh Thuận tại Tp. Hồ Chí Minh do UBND tỉnh Ninh Thuận và Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 15/11.
Theo ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Quy hoạch chiến lược tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023, với tầm nhìn chiến lược về “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt” tạo dựng những giá trị khác biệt để nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh tạo dư địa cho tăng trưởng. Quy hoạch xác định chọn 5 cụm ngành đột phá, gồm: năng lượng và năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và thị trường bất động sản.
|
Đại diện doanh nghiệp tỉnh Ninh Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh ký kết hợp tác. (Ảnh: TTXVN)
|
Ông Trần Quốc Nam cũng cho biết thêm, UBND tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt 18 dự án thuộc lĩnh vực thương mại – dịch vụ, du lịch; 14 dự án thuộc lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản; 9 dự án thuộc lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo; 9 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; 5 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Cùng với đó, Ninh Thuận đã và đang áp dụng chính sách đầu tư đảm bảo quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính thuận tiện nhất, đơn giản nhất cho nhà đầu tư có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Điển hình, đầu tư đối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận như khu công nghiệp Du Long (huyện Thuận Bắc); Phước Nam (huyện Thuận Nam); Cà Ná (huyện Thuận Nam) được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu cá nhân. Còn khu công nghiệp Thành Hải (thành phố Phan Rang Tháp Chàm) được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu…
Còn ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch, Ninh Thuận ưu tiên thu hút nhà đầu tư xây dựng khu dịch vụ hỗn hợp khách sạn, thương mại, dịch vụ cao cấp, cơ sở du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao như du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn, khu du lịch chuyên đua mô tô địa hình trên cát, dù lượn, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng chăm sóc sức khỏe... để hình thành đa dạng sản phẩm du lịch.
Ninh Thuận cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ, tỉnh Ninh Thuận đến năm 2045, mục tiêu thu hút đầu tư phát triển các khu vực ven biển tỉnh Ninh Thuận, trở thành một trong các vùng du lịch trọng điểm quốc gia, là điểm đến hấp dẫn, khác biệt, có sức cạnh tranh cao trong khu vực, cả nước và quốc tế.
Đặc biệt, đại diện các sở, ngành và đơn vị xúc tiến thương mại, đầu tư của tỉnh Ninh Thuận chỉ ra rằng, với lợi thế là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ với các tỉnh Nam Tây Nguyên và Nam Trung bộ, nằm ở giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược là Quốc lộ 1, cao tốc Bắc-Nam phía Đông; đường sắt Bắc-Nam và Quốc lộ 27 lên Nam Tây Nguyên; bờ biển dài trên 105km… Ninh Thuận có nhiều lợi thế nổi trội khác biệt.
Ngoài ra, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024 của tỉnh cho thấy tiếp tục phục hồi, ổn định thể hiện qua một số lĩnh vực chuyển biến tích cực như: ngành thương mại, du lịch, dịch vụ, công nghiệp tăng khá; kinh tế nông nghiệp và nông thôn duy trì tăng trưởng ổn định; quy mô sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vượt mục tiêu đề ra.
Thống kê tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 20.662 tỷ đồng, tăng 8% so cùng kỳ; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 13.762 tỷ đồng (tăng 2,5 %); giải quyết việc làm mới cho 14.816 lượt người (tăng 4,9%); thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 3.540 tỷ đồng (tăng 29,2%).
Đồng thời, Ninh Thuận đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, tiền thuê đất; chi ngân sách được điều hành chặt chẽ, tiết kiệm; công tác giải ngân vốn đầu tư công cơ bản đạt mục tiêu; hoạt động doanh nghiệp có tín hiệu phục hồi.
Ninh Thuận luôn xác định doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt trong tận dụng được những thời cơ thuận lợi do hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại nhằm tạo động lực hội nhập và phát triển bền vững cho địa phương.
Vì vậy, Ninh Thuận mong muốn doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân của Tp. Hồ Chí Minh và Ninh Thuận tăng cường liên kết, hợp tác đầu tư, sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, qua đó sẽ phát triển, nâng tầm doanh nghiệp của hai địa phương.
Về phía Tp. Hồ Chí Minh, ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND Tp. Hồ Chí Minh cho hay, thành phố và tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp triển khai nhiều chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp các địa phương hợp tác đầu tư, kết nối giao thương, xây dựng sản phẩm du lịch liên tuyến.
Tuy nhiên, tiềm năng kết nối hợp tác giữa hai địa phương còn nhiều dư địa phát triển, do đó hội nghị lần này là cơ hội để các sở ngành và cộng đồng doanh nghiệp gặp gỡ, tìm hiểu về cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Với vị trí địa lý và điều kiện tư nhiên, tỉnh Ninh Thuận không chỉ có tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo mà còn nhiều tiềm năng khác để phát triển như kinh tế biển, bao gồm phát triển du lịch, cảng logistics, nông nghiệp công nghệ cao và bất động sản…
Trong số đó, điều kiện tự nhiên khô hạn, nắng nóng lại là tiềm năng cho phát triển ngành ngành năng lượng tái tạo của tỉnh Ninh Thuận và điều này chứng minh vì sao Ninh Thuận đang trở thành Trung tâm năng lượng của cả nước với số giờ nắng hàng năm cao và không có sự chênh lệch lớn giữa các mùa.
Đặc biệt, ông Dương Ngọc Hải cho rằng, Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Ninh Thuận tại Tp. Hồ Chí Minh lần này là dịp Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận và doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp gỡ trao đổi, tìm hiểu cơ hội đầu tư, thương mại và du lịch trên địa bàn tỉnh.
Về phía chính quyền Tp. Hồ Chí Minh, cam kết tiếp tục liên kết chặt chẽ với tỉnh Ninh Thuận trong thúc đẩy phát triển thương mại hai chiều; hỗ trợ nhóm sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh vào chuỗi siêu thị của thành phố; phối hợp tổ chức mời gọi đầu tư và tìm kiếm nhà đầu tư…
Trong khuôn khổ hội nghị lần này, cũng diễn ra Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh với sở, ngành, chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp; doanh nghiệp tỉnh Ninh Thuận./.
Mỹ Phương
Nguồn: Bnews.vn