(TTĐN) - Việc Hoa Kỳ không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ khiến cả doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam đều chịu tác động.
|
73 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường (Ảnh: INT)
|
73 nền kinh tế công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, ngày 2/8/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành kết luận, theo đó mặc dù có ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực về nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua nhưng vẫn tiếp tục chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.
Điều này có nghĩa, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Hoa Kỳ, chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá.
Cũng theo thông tin từ Bộ Công Thương, hiện đã có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Trong đó, có các nền kinh tế lớn như: Anh, Canada, Mexico, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zealand…
Hơn 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua những thay đổi và phát triển vượt bậc. Việt Nam đã ký kết và đưa vào thực thi thành công 17 Hiệp định Thương mại tự do, trong đó có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao với Liên minh châu Âu, các nước thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Liên Hiệp Vương quốc Anh với nhiều cam kết sâu rộng, toàn diện từ cắt giảm thuế tới nâng cao tiêu chuẩn lao động, bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, mua sắm chính phủ, minh bạch hoá…
Những thay đổi này đã được làm rõ trong hơn 20.000 trang thông tin, tài liệu mà Bộ Công Thương Việt Nam gửi tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ, chứng minh sự tiến bộ mạnh mẽ của Việt Nam trên tất cả 6 tiêu chí mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra khi xem xét công nhận một quốc gia có nền kinh tế thị trường.
Các bản lập luận mà Bộ Công Thương cung cấp cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng chứng minh một cách đầy đủ, nhất quán về mức độ thực hiện 6 tiêu chí của Việt Nam ít nhất là ngang bằng và thường tốt hơn so với mức độ thực hiện của các quốc gia khác đã được công nhận nền kinh tế thị trường; và thực tế tương đương hoặc tốt hơn các quốc gia đã luôn được coi là nền kinh tế thị trường. Chính vì vậy, căn cứ theo các tiêu chí cụ thể của luật pháp Hoa Kỳ, việc công nhận nền kinh tế thị trường đối với Việt Nam là thực tế khách quan và công bằng.
|
Việc Hoa Kỳ không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ làm thiệt hại cho chính các doanh nghiệp Hoa Kỳ và các doanh nghiệp Việt Nam (Ảnh: TCTS)
|
Cả doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam đều chịu tác động
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về những thiệt hại phía doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ phải gánh chịu khi Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách cho rằng: Về cơ bản, cộng đồng doanh nghiệp của cả Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ thiệt hại khi Hoa Kỳ không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nhất là khi đã có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận. Trong đó, có rất nhiều nền kinh tế tương đồng với Hoa Kỳ và cũng là nền kinh tế có thể chế chính trị, kinh tế tương đồng với Hoa Kỳ.
Cụ thể, với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, hiện rất nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng như đặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó bao gồm cả những mặt hàng truyền thống như từ nông, thủy sản đến dệt may, đồ gỗ, da giày cho đến những mặt hàng cao cấp và có giá trị cao như điện thoại, thiết bị máy móc điện tử. Hay những mặt hàng điện tử có giá trị cao, không chỉ là những nhà trung gian mà là những nhà sản xuất trực tiếp như: Apple, Microsoft, Google… đều đã kết nối trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đó, việc Hoa Kỳ không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ làm thiệt hại cho chính các doanh nghiệp Hoa Kỳ và các doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với nhau, doanh nghiệp 2 bên sẽ phải chịu những chi phí tuân thủ pháp luật lớn hơn so với việc Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường. Khi chịu hao tổn về chi phí, có thể doanh nghiệp sẽ chuyển sang các thị trường khác ngoài Việt Nam mà có tính cạnh tranh cao.
“Bên cạnh đó, việc không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường cũng khiến Hoa Kỳ phải chịu những thiệt hại về mặt uy tín. Bởi tại sao những quốc gia tương đồng về thể chế chính trị, kinh tế - xã hội với Hoa Kỳ đã công nhận Việt Nam với những sự phấn đấu gần 40 năm sau đổi mới, Việt Nam cũng đã được 73 nền kinh tế công nhận, trong khi đó Hoa Kỳ lại không công nhận?” – TS Nguyễn Quốc Việt đặt dấu hỏi.
Không chỉ phía Hoa Kỳ thiệt hại, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng, việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường cũng khiến Việt Nam phải chịu những tổn hại nhất định. Trong đó, với doanh nghiệp Việt Nam, quy trình xuất khẩu hàng hóa, thông quan hàng hóa vào Hoa Kỳ sẽ lâu hơn, phức tạp hơn và chi phí tuân thủ các quy trình, thủ tục sẽ nhiều hơn so với các nước có mặt hàng tương đối cạnh tranh đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, với những quy chế bảo hộ sản xuất nội địa của Hoa Kỳ sẽ khiến cho hàng hóa từ các nước không được công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ chịu thiệt hại hơn, dễ bị đưa vào danh sách điều tra chống bán phá giá và khi bị đưa vào danh sách điều tra chống bán phá giá thì lại không được công nhận là các chi phí đầu vào hợp lý.
6 tiêu chí mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra khi xem xét công nhận một quốc gia có nền kinh tế thị trường, bao gồm: (i) Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; (ii) Vấn đề đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; (iii) Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; (iv) Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; (v) Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả và (vi) Các yếu tố khác. |
Nguyễn Hòa
Nguồn: congthuong.vn