Nâng cấp cửa khẩu, phát triển hạ tầng thương mại biên giới
Nâng cấp tỉnh lộ 1 sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội, phù hợp với quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2030. (Ảnh: Cẩm Linh)

Nâng cấp tỉnh lộ 1 sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội, phù hợp với quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2030. (Ảnh: Cẩm Linh)

Đắk Nông hiện có 2 cửa khẩu gồm Bu Prăng ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức và Đắk Peur ở xã Thuận An, huyện Đắk Mil; 4 chợ ở xã biên giới gồm chợ Thuận An, huyện Đắk Mil; chợ xã Đắk Wil, huyện Cư Jút; chợ xã Quảng Trực, chợ xã Đắk Bu So, huyện Tuy Đức là những chợ hoạt động giao thương, trao đổi hàng hoá của nhân dân khu vực hai bên biên giới.

Theo báo cáo của Sở Công thương Đắk Nông, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh 9 tháng 2024 dự kiến đạt 702,6 triệu USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, sản lượng cà phê, tiêu giảm so với cùng kỳ năm trước, mặc dù sản lượng giảm nhưng do giá cao nên kim ngạch xuất khẩu cà phê ước đạt 195,7 triệu USD, tăng 54,6%, tiêu ước đạt 56,1 triệu USD tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước. Còn alumin giảm công suất do việc khai thác quặng boxit gặp nhiều khó khăn, các sản phẩm khác đều giảm khi thị trường tiêu thụ giảm và cước vận chuyển tăng cao. Đối với kim ngạch xuất khẩu, kế hoạch đề ra năm 2024 là 300 triệu USD, dự kiến 9 tháng năm 2024 thu được 232,2 triệu USD, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 77,4% kế hoạch.

Để ổn định, phát triển toàn diện, nhất là nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới, Đắk Nông đã ưu tiên nguồn vốn từ các chương trình, dự án của Trung ương, địa phương đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông, ổn định dân cư, phát triển sản xuất, đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nhằm đảm bảo nhu cầu đời sống dân cư khu vực vùng biên giới, góp phần thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất và nhập khẩu chung của tỉnh.

Ngày 14/10/2023, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định 1200/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2030, Đắk Nông đã từng bước đầu tư hạ tầng giao thông ở cửa khẩu với các tỉnh lân cận như uu tiên sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ, đường giao thông ở cửa khẩu Đắk Peur tới tỉnh lộ 3…, đầu tư có định hướng về hạ tầng kho, bãi, khu chức năng, đảm bảo trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đồng bộ tại cửa khẩu Đắk Peur, Bu Prăng để từng bước đưa cửa khẩu Đắk Peur, Bu Prăng trở thành cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh.

Tại từng cửa khẩu, các khu vực chức năng như khu trung tâm thương mại, logistics, dịch vụ và du lịch được quy hoạch hài hòa, hợp lý, phát triển tương xứng với tiềm năng và nhu cầu giao thương giữa các tỉnh biên giới. Tuy nhiên, do giao thông đi lại qua các cửa khẩu chưa được đầu tư, phát triển đồng bộ nên hoạt động thương mại biên giới giữa hai bên còn hạn chế, chậm phát triển. Hoạt động giao thương chủ yếu là hàng hóa tiêu dùng, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, dăm gỗ nguyên liệu, gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Bên cạnh đó, mật độ dân cư vùng biên giới phân bố không tập trung, đời sống của nhân dân hai bên biên giới phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp nên việc kêu gọi đầu tư, xây dựng hạ tầng thương mại khu vực biên giới còn gặp rất nhiều khó khăn.

Tuyến đường vào cửa khẩu Bu Prăng (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) xuống cấp trầm trọng, đây là tuyến đường giao thông huyết mạch có lượng phương tiện qua lại nhiều. (Ảnh: Cẩm Linh)

Tuyến đường vào cửa khẩu Bu Prăng (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) xuống cấp trầm trọng, đây là tuyến đường giao thông huyết mạch có lượng phương tiện qua lại nhiều. (Ảnh: Cẩm Linh)

Trước thực trạng đó, vừa qua, tỉnh Đắk Nông đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương Dự án cải tạo nâng cấp tỉnh lộ 1 với tổng kinh phí 600 tỷ đồng. Tỉnh lộ 1 còn gọi là tỉnh lộ 681, có chiều dài 36km, với điểm đầu giao với đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14 cũ tại ngã ba Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông, điểm cuối là quốc lộ 36 giao với quốc lộ 14C kết nối ra cửa khẩu Bu Prăng, tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia, là tuyến đường giao thông huyết mạch, có phương tiện lưu thông lớn nhưng đường đã bị xuống cấp trầm trọng. Do đó, việc cải tạo nâng cấp tỉnh lộ 1 nâng cấp tuyến đường quy mô đạt cấp 3 miền núi, nền đường rộng 9m, mặt đường rộng 6m, tổng số vốn đầu tư dự kiến là 600 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, bắt đầu thực hiện từ năm 2025 đến 2028 sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội phù hợp với quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo kế hoạch, đến năm 2050, Đắk Nông sẽ nâng cấp cửa khẩu Bu Prăng từ cửa khẩu chính thành cửa khẩu quốc tế. Giai đoạn 2021-2030, Đắk Nông cũng ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, tăng cường giao lưu hợp tác giữa hai bên biên giới Việt Nam - Campuchia, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, tập trung các nguồn lực để phát triển hạ tầng thương mại biên giới, tỉnh Đắk Nông cũng ban hành Kế hoạch số 384/KH-UBND về Phát triển hạ tầng thương mại biên giới đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030.

Bên cạnh đó, Đắk Nông cũng đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại, dự án trung tâm thương mại Đắk Mil, huyện Đắk Mil đang xây dựng với tổng kinh phí đầu tư là 645 tỷ đồng, diện tích hơn 7.500 m2, dự kiến quý I năm 2026 sẽ hoàn thành. Còn trung tâm thương mại Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp đã hoàn thiện giai đoạn I, tiếp tục thực hiện xây dựng giai đoạn 2. Ngoài ra, tỉnh Đắk Nông cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường thông qua xúc tiến thương mại… nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai địa phương, đồng thời giới thiệu tiềm năng kinh tế và các sản phẩm chủ lực của mỗi bên.

Năm 2024, tỉnh Đắk Nông phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 1.012 triệu USD tăng 14,9% so với năm 2023. Kim ngạch nhập khẩu đạt 300 triệu USD, đạt kế hoạch và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, tỉnh sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách, phát triển hạ tầng thương mại biên giới, rà soát, tích hợp các quy hoạch liên quan vào quy hoạch chung của tỉnh. Huy động các nguồn lực để đầu tư, xây dựng hạ tầng thương mại; kết nối, hợp tác kinh tế với tỉnh Mondulkiri của Vương quốc Campuchia; thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tham gia kinh doanh ở trung tâm thương mại, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về hoạt động thương mại khu vực biên giới./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất