(TTĐN) - Vùng ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, đóng góp quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu hàng hóa nông sản xuất khẩu của quốc gia. Trong đó có nhiều mặt hàng đóng góp tỷ USD cho ngành nông nghiệp như thủy sản, trái cây, lúa gạo và các mặt hàng này đang được các địa phương đẩy mạnh xúc tiến vào các thị trường tiềm năng để nâng cao giá trị của các mặt hàng.
|
Các địa phương vùng ĐBSCL đóng góp quan trọng trong sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
|
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2024 của vùng Tây Nam Bộ đạt 15,7 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ, chiếm 6,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Các địa phương có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm nay gồm Long An 4,35 tỷ USD, Tiền Giang 3,66 tỷ USD, Đồng Tháp 1,42 tỷ USD và Sóc Trăng 1,04 tỷ USD. Các địa phương còn lại đều có mức kim ngạch dưới 1 tỷ USD.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, các địa phương vùng ĐBSCL đóng góp quan trọng trong sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, các mặt hàng gạo, thủy sản và rau quả trái cây như sầu riêng, thanh long, mít, xoài, quýt. Hiện, vùng ĐBSCL đang đóng góp 95% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Các thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu của vùng bao gồm cả các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm như Trung Quốc, Philippines và Malaysia, Bờ biển Ngà và các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như Liên bang Nga và các thị trường khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á như Nam Phi, Algerie, Angola, các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, đối với mặt hàng rau quả, nhiều loại trái cây được khơi thông, thâm nhập, mở rộng xuất khẩu vào nhiều thị trường như sầu riêng, dừa tươi vào thị trường Trung Quốc; nhãn, thanh long, dừa tươi vào thị trường Hoa Kỳ; vải, nhãn vào thị trường Nhật Bản; xoài, bưởi vào Hàn Quốc; chanh, bưởi vào thị trường Newzealand đã góp phần giúp xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh. Bên cạnh đó mặt hàng thủy sản của vùng ĐBSCL hiện đứng đầu cả nước khi chiếm 60% tổng giá trị xuất khẩu. Cá tra và tôm đã trở thành sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao và là một trong những mặt hàng thủy sản chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cho vùng.
Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, vùng ĐBSCL nắm giữ và đóng góp nhiều mặt hàng trong xuất khẩu tỷ USD, nhưng vùng vẫn chưa có chiến lược xuất khẩu bền vững cho từng thị trường. Tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhưng chưa vững chắc, dễ bị tổn thương bởi các cú sốc từ bên ngoài. Ngoài ra, một số mặt hàng nông sản chưa đáp ứng được những yêu cầu của thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản do sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, hàm lượng công nghệ thấp. Ngoài ra, khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông chưa có sự gắn kết chặt chẽ, nguy cơ đứt gãy rất dễ xảy ra. Vì vậy cần có chiến lược phát triển xuất khẩu bền vững và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu, trong thời gian tới.
|
Xuất khẩu trái cây của vùng ĐBSCL đóng góp quan trọng vào thành tựu của ngành nông nghiệp.
|
Ông Toản nói: "Xây dựng những vùng, những chuỗi liên kết sản xuất lớn, khi mà xuất khẩu chúng ta phải đảm bảo được cái số lượng hàng hóa xuất khẩu, cái thứ hai là chất lượng, cái thứ ba là đảm bảo về công tác truy xuất nguồn gốc, về xuất xứ cũng như là nhãn hiệu, thương hiệu của chúng ta trên các thị trường, cái này cũng cần có sự liên kết, phối hợp. Khu vực ĐBSCL các sản phẩm của chúng ta xuất khẩu vẫn đang còn theo hình thức tiểu ngạch, quy mô nhỏ lẻ, trong thời gian tới chúng ta cần phối hợp, đẩy mạnh xuất khẩu theo hình thức chính ngạch để làm sao các sản phẩm của chúng ta đi vào các thị trường lớn được và các thị trường khó tính"./.
Phạm Hải
Nguồn: vov.vn