|
Các diễn gia thảo luận tại Diễn đàn về khung chính sách về chuyển đổi công nghiệp ở TP.HCM. (Ảnh: TTXVN)
|
Trước áp lực kép từ việc duy trì tăng trưởng kinh tế, trong khi các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội ngày càng khắt khe hơn khiến việc chuyển đổi công nghiệp ở Tp. Hồ Chí Minh theo hướng bền vững trở thành vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết.
Đây cũng là lý do mà Tp. Hồ Chí Minh tổ chức 2 sự kiện quan trọng là Đối thoại Hữu nghị và Diễn đàn Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh năm 2024 đều với chủ đề về chuyển đổi công nghiệp, với nhiều ý kiến kiến tạo khung chính sách cho quá trình chuyển đổi công nghiệp ở Tp. Hồ Chí Minh.
Ưu tiên đầu tư vào công nghệ và nhân tài
Porto – một trung tâm kinh tế du lịch và là một thành phố lớn thứ 2 của Bồ Đào Nha. Từ kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi công nghiệp ở Porto, ông Ricardo Valente, Phó Thị trưởng phụ trách kinh tế của Porto đã có một số gợi ý cho quá trình chuyển đổi công nghiệp ở Tp. Hồ Chí Minh.
Theo ông Ricardo Valente, việc xây dựng khuôn khổ chính sách vững chắc nhấn mạnh vào sự đổi mới, tính bền vững và toàn diện sẽ tạo nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi công nghiệp. Porto đã triển khai các chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D), cung cấp các ưu đãi tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và thúc đẩy quan hệ đối tác công tư.
“Tp. Hồ Chí Minh có thể áp dụng cách tiếp cận tương tự bằng cách ưu tiên các chính sách khuyến khích đổi mới và áp dụng công nghệ. Các ưu đãi thuế cho R&D, tài trợ cho các công ty khởi nghiệp trong các ngành công nghiệp chiến lược và trợ cấp cho các khoản đầu tư vào công nghệ xanh đều có thể đóng vai trò thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp”, ông Ricardo Valente gợi ý.
Bên cạnh đó, thành phố có thể cân nhắc các chính sách thúc đẩy giáo dục và đào tạo về kỹ năng số và công nghệ xanh, đảm bảo lực lượng lao động được trang bị để đáp ứng nhu cầu của bối cảnh công nghiệp đang thay đổi.
Các chính sách tạo điều kiện tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được cho là rất quan trọng. “Tại Porto, chúng tôi đã thấy tác động tích cực của các chương trình cho vay do Chính phủ hỗ trợ và các quỹ đầu tư mạo hiểm cung cấp nguồn vốn rất cần thiết cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp này là xương sống của nền kinh tế và thành công của họ là một phần không thể thiếu trong nỗ lực chuyển đổi công nghiệp rộng lớn hơn”, Phó Thị trưởng phụ trách Kinh tế của Porto chia sẻ.
Mặt khác, Tp. Hồ Chí Minh có thể đẩy mạnh các chính sách thu hút những bộ óc và nguồn lực tốt nhất, thành phố phải tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự đổi mới và tinh thần kinh doanh. Các ưu đãi dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, các quy định kinh doanh hợp lý và khuôn khổ sở hữu trí tuệ mạnh mẽ sẽ giúp thu hút các công ty đa quốc gia và các chuyên gia hàng đầu.
Ngoài ra, việc thu hút cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, những người mang đến các kỹ năng, mạng lưới và vốn có giá trị, có thể đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển đổi công nghiệp của thành phố.
Bà Saskia Loer Hansen, quyền Tổng giám đốc RMIT Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút nguồn lực và nhân tài toàn cầu cho quá trình chuyển đổi công nghiệp.
Theo bà Saskia Loer Hansen, ưu tiên đầu tư vào giáo dục đại học và R&D là rất quan trọng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng nền kinh tế dựa trên tri thức. Việc khuyến khích quan hệ đối tác giữa học viện và ngành công nghiệp sẽ thúc đẩy những tiến bộ công nghệ và tăng trưởng công nghiệp. Cách tiếp cận này không chỉ phát triển lực lượng lao động lành nghề mà còn thu hút nhân tài toàn cầu, định vị Tp. Hồ Chí Minh là trung tâm đổi mới sáng tạo.
Song song đó, Tp. Hồ Chí Minh nên tập trung vào việc thu hút FDI phù hợp với các mục tiêu chiến lược dài hạn, nhắm vào các lĩnh vực có giá trị cao như công nghệ, năng lượng tái tạo và sản xuất tiên tiến, từ đó có thể xây dựng lợi thế cạnh tranh trong các ngành công nghiệp chủ chốt.
Để thu hút nhân tài và đầu tư hàng đầu, bà Saskia Loer Hansen cho rằng, Tp. Hồ Chí Minh nên xây dựng các chương trình khuyến khích có mục tiêu, bao gồm các lợi ích về thuế, trợ cấp và quy trình cấp thị thực hợp lý. Thành phố có thể thiết kế các sáng kiến thu hút các chuyên gia và nhà đầu tư trong các ngành công nghiệp quan trọng như công nghệ, năng lượng tái tạo và sản xuất tiên tiến. Các ưu đãi này sẽ phù hợp với các mục tiêu kinh tế của thành phố và cung cấp các nguồn lực cần thiết cho quá trình chuyển đổi công nghiệp.
Bên cạnh đó, đại diện RMIT Việt Nam cũng khuyến nghị Tp. Hồ Chí Minh nên tận dụng các cơ chế đặc biệt từ Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24-6-2023, của Quốc hội “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh” (Nghị quyết 98) để đẩy nhanh việc triển khai các sáng kiến quan trọng. Điều này bao gồm việc thúc đẩy các dự án liên quan đến thành phố thông minh, các chương trình khuyến khích có mục tiêu và các mục tiêu phát triển bền vững đầy tham vọng. Bằng cách tận dụng hiệu quả các cơ chế này, TP.HCM có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công nghiệp, định vị mình là đơn vị dẫn đầu khu vực về đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và phát triển kinh tế.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
|
Ông Rich McClellan, Giám đốc quốc gia Viện Tony Blair vì sự Thay đổi Toàn cầu (Anh) tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Tp.HCM 2024. (Ảnh: TTXVN)
|
Theo ông Rich McClellan, Giám đốc quốc gia Viện Tony Blair vì sự Thay đổi Toàn cầu (Anh) tại Việt Nam, là trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh có vị thế độc đáo để tận dụng các thế mạnh hiện có, đồng thời bắt nhịp với các xu hướng công nghiệp toàn cầu.
Ông Rich McClellan gợi ý có 4 ngành chiến lược cần được ưu tiên cho Tp. Hồ Chí Minh là điện tử và sản xuất công nghệ cao; kinh tế số và dịch vụ công nghệ thông tin; năng lượng tái tạo và công nghệ xanh; và tài chính xanh; trong đó, sản xuất công nghệ cao giúp tận dụng cơ sở hạ tầng công nghiệp và lực lượng lao động lành nghề. Kinh tế số có điều kiện nhờ hệ sinh thái công nghệ sôi động, dân số trẻ am hiểu công nghệ. Phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ xanh phù hợp với xu hướng phát triển bền vững, có thể mang đến cho Tp. Hồ Chí Minh cơ hội dẫn đầu trong phát triển kinh tế xanh.
Để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp này, ông Rich McClellan khuyến nghị các chính sách chung cần tập trung vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, tinh gọn các quy thủ tục quản lý và đầu tư vào phát triển lực lượng lao động. Song song đó, cần có các chính sách riêng cho từng ngành bao gồm tạo ra các cụm công nghiệp công nghệ cao, ươm tạo các công ty khởi nghiệp công nghệ, đặt ra các mục tiêu năng lượng tái tạo tham vọng và phát triển hệ thống phân loại xanh để định hướng cho các khoản đầu tư bền vững.
Trên thực tế, việc thiếu đồng bộ trong quy trình thủ tục quản lý và hạ tầng cho chuyển đổi công nghiệp cũng là một trong những thách thức lớn cho quá trình chuyển đổi công nghiệp ở Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung. Điều này có thể nhìn rõ hơn qua sự phát triển các khu công nghiệp sinh thái hiện nay.
The dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 5/2024, cả nước đã có 299 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Thế nhưng, chỉ có khoảng từ 1-2% trong số đó đang thực hiện các bước để chuyển đổi, trở thành các Khu công nghiệp sinh thái - nơi tụ họp các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ hướng về một mục tiêu bảo vệ môi trường.
Ngoài những vướng mắc pháp lý, việc thiếu cơ chế ưu đãi được cho là lý do chính khiến mô hình này chưa phát triển mạnh ở Việt Nam. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư lớn nước ngoài như LEGO, Heineken… đã quan tâm đặc biệt đến sản xuất xanh thông qua xây dựng các nhà máy trung hòa carbon ở Việt Nam, đồng thời sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Theo ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Công ty cổ phần Shinec, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng của một khu công nghiệp sinh thái cao hơn ít nhất 20% so với các khu công nghiệp truyền thống. Do đó, nếu không có cơ chế riêng hoặc ưu đãi tốt hơn, doanh nghiệp sẽ vẫn phải đầu tư vào khu công nghiệp truyền thống, thay vì đầu tư vào khu công nghiệp sinh thái, hoặc trở thành “doanh nghiệp sinh thái”.
Những đề xuất, kiến nghị của các chuyên gia, doanh nghiệp cho thấy có những quy định vượt tầm quyết định của chính quyền thành phố, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương trong quá trình chuyển đổi công nghiệp ở Tp. Hồ Chí Minh.
Trong phiên đối thoại chính sách trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa thể hiện thông điệp và sự quyết tâm của Chính phủ trong chuyển đổi nền kinh tế thích nghi, hòa nhập với sự phát triển của thế giới.
Trên bình diện chung, người đứng đầu Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Đối với quyết tâm chuyển đổi công nghiệp ở Tp. Hồ Chí Minh, ông yêu cầu các bộ, ngành cần ưu tiên nguồn lực, cơ chế chính sách, xây dựng thể chế phù hợp nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho thành phố phát triển, đảm bảo Tp. Hồ Chí Minh là hình mẫu về chuyển đổi công nghiệp thành công, từ đó tạo động lực chuyển đổi cho cả vùng và lan tỏa ra cả nước./.
H.Chung
Nguồn: Bnews.vn