Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp Tây Nguyên với doanh nghiệp xuất khẩu
35 biên bản ghi nhớ, ký kết hợp tác kinh doanh giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2024. (Ảnh: TTXVN)

35 biên bản ghi nhớ, ký kết hợp tác kinh doanh giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2024. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 4/9, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị "Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2024" với sự tham dự của gần 100 doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu của 18 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại là cơ hội cho doanh nghiệp các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và các tỉnh, thành phố trong nước tham gia quảng bá, giới thiệu các thương hiệu sản phẩm hàng hóa có thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu, góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tăng cường hợp tác xúc tiến thương mại trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Phát biểu tại hội nghị, bà Đào Thị Thu Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, cho biết, thời gian qua, hoạt động xuất khẩu của tỉnh Gia Lai liên tục tăng trưởng về quy mô, sản phẩm xuất khẩu ngày càng được nâng cao cả về chất và lượng đến 40 quốc gia, đáp ứng được yêu cầu chất lượng cao đối với thị trường quốc tế: Mỹ, Châu Âu, và Nhật Bản. Tỉnh Gia Lai đã có hơn 300 sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng miền tiêu biểu của tỉnh, chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn thương mại, có khả năng xuất khẩu như cà phê, hồ tiêu, mật ong, hạt mắc ca, hạt điều, tổ yến, chè xanh.

Một số tham luận với các nội dung về giải pháp xây dựng sản phẩm đặc trưng chất lượng cao, giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, kinh nghiệm về thực hiện các thủ tục pháp lý mà doanh nghiệp cần thực hiện để xuất khẩu sản phẩm cũng được đại diện Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng; Hiệp Hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam; Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Gia Lai trình bày tại hội nghị. Một số doanh nghiệp cũng có ý kiến chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, mong được các sở, ngành có liên quan hỗ trợ tháo gỡ tại hội nghị.

Ông Phan Thanh Thiên, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Gia Lai cho hay, việc kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp và doanh nghiệp xuất khẩu không chỉ giúp mở rộng thị trường mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Tây Nguyên. Việc tạo ra các cầu nối trực tiếp giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng quốc tế sẽ giúp cải thiện chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa quy trình sản xuất và giảm thiểu chi phí trung gian. Đồng thời, sự hợp tác này sẽ thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất.

Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam và các Trung tâm Xúc tiến Thương mại khu vực phía Bắc đã ký kết hợp tác bảo trợ thông tin cho các doanh nghiệp. (Ảnh: TTXVN)

Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam và các Trung tâm Xúc tiến Thương mại khu vực phía Bắc đã ký kết hợp tác bảo trợ thông tin cho các doanh nghiệp. (Ảnh: TTXVN)

Ông Thiên cũng cho rằng, quá trình kết nối giao thương cũng gặp phải không ít thách thức như các vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn xuất khẩu và quy trình logistics. Để vượt qua những thách thức này, theo ông Thiên, các bên cần hợp tác chặt chẽ, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quản lý và sản xuất.

Thạc sỹ Nguyễn Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, Trưởng cơ quan đại diện Miền Trung-Tây Nguyên, cho rằng, để tiếp tục thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Tây Nguyên phát triển bền vững và kết nối giao thương, xuất khẩu phải nâng cao sức cạnh tranh của nông sản bằng cách tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe mà thị trường thế giới yêu cầu và người tiêu dùng hướng đến, phải xây dựng được chiến lược kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ cho từng mặt hàng nông sản, tổ chức sản xuất theo xu hướng tiêu dùng xanh của thế giới, gắn kết đồng bộ hệ thống logistics với các điạ phương, các nước trong khu vực và quốc tế.

Theo ông Dũng, một trong những giải pháp quan trọng hiện nay là sớm củng cố kiện toàn, thành lập các hiệp hội, hợp tác xã ngành hàng như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, yến sào, mắc ca, dược liệu... gắn với các tổ chức nông hội để kết nối sản xuất với thị trường, duy trì các sản phẩm OCOP với diện tích, sản lượng ổn định, ký kết các hợp đồng cung ứng với số lượng lớn.

Việc mời gọi ký kết hợp tác đầu tư, hợp đồng liên kết kinh doanh cần các doanh nghiệp có năng lực tài chính, kỹ thuật, quản trị, am hiểu pháp lý và thị trường để tổ chức kết nối sản xuất, hổ trợ nông dân sản xuất, ứng dụng công nghệ trong canh tác; đầu tư các nhà máy sơ chế, chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản cũng là giải pháp cấp thiết có tính chất quyết định hiện nay.

Tại hội nghị, đã có 35 biên bản ghi nhớ, ký kết hợp tác kinh doanh giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2024.

Ngoài ra, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh phía Bắc có thêm thông tin, kết nối, liên kết mở rộng hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp thành viên thuộc Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam khu vực Tây Nguyên, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam và các Trung tâm Xúc tiến Thương mại khu vực phía Bắc đã ký kết hợp tác bảo trợ thông tin cho các doanh nghiệp./. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất