|
Khu công nghiệp Thăng Long II thuộc địa bàn các huyện: Yên Mỹ, Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. (Ảnh tư liệu: TTXVN)
|
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 588 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký trên 7,6 tỷ USD.
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn cho biết, một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên sức hút đầu tư của tỉnh Hưng Yên đó là tỉnh đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp. Ngay từ đầu năm 2024, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 31/KH-UBND về việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024.
Theo ông Trần Quốc Văn, để tăng cường sức hút đầu tư vào tỉnh, UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư; nâng cao chất lượng cải cách, danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; nâng cao hiệu quả quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Cùng đó, tỉnh tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững. Đồng thời, nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc.
Những định hướng đúng đắn trong thu hút đầu tư đã đưa Hưng Yên trở thành trong những "điểm đến" được các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn. Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2024, tỉnh thu hút mới và điều chỉnh tăng vốn đạt 1,7 tỷ USD, đây là kết quả cao nhất từ trước đến nay. Điều này đã minh chứng cho những nỗ lực trong việc thu hút đầu tư của các cấp lãnh đạo ở địa phương này.
Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là Nhật Bản có 147 dự án, với vốn đăng ký là 3,6 tỷ USD, chiếm 54% tổng số vốn đăng ký; Trung Quốc có 70 dự án, với vốn đăng ký 957 triệu USD, chiếm 15% tổng số vốn đăng ký; Hàn Quốc 63 dự án với vốn đăng ký 650 triệu USD, chiếm 10% tổng số vốn đăng ký...
Chủ tịch Công ty cổ phần Vinhomes Phạm Thiếu Hoa chia sẻ, những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã đầu tư đồng bộ về hệ thống cơ sở hạ tầng với số lượng dự án và quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Tiêu biểu như dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, dự án đường bộ nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình. Đáng chú ý, trong quá trình phát triển, Hưng Yên đã đặc biệt chú trọng trong việc thu hút kêu gọi các nhà đầu tư tham gia phát triển hạ tầng đô thị nhằm giải quyết bài toán về nhà ở cho người dân, các chuyên gia, người lao động, cũng như các điểm đến vui chơi, mua sắm đẳng cấp. Đến nay, công ty đã triển khai hai dự án tại Hưng Yên là dự án Khu đô thị Đại An và dự án Khu đô thị sinh thái Dream City.
Trong Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế, trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước, theo hướng trở thành một đô thị thông minh, xanh, môi trường sống tốt, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại, công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước.
Theo đó, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 35 khu công nghiệp được quy hoạch phát triển, với diện tích trên 12.000 ha. Cụ thể, giai đoạn đến năm 2030, tỉnh quy hoạch phát triển mới 30 khu công nghiệp, với tổng diện tích 9.100 ha; quy hoạch phát triển mở rộng 4 khu công nghiệp, với tổng diện tích trên 400 ha. Đến giai đoạn sau năm 2030, tỉnh quy hoạch phát triển mới 5 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 2.500 ha...
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định, Hưng Yên luôn cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và tôn trọng lợi ích của doanh nghiệp bằng việc chỉ đạo cải cách hành chính, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp về thuế, đầu tư, xây dựng, đất đai, đào tạo lao động...
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, để hiện thực hóa mục tiêu, tỉnh Hưng Yên tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bảo đảm thông thoáng, thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Cùng đó, tỉnh đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư; thu hút các dự án đầu tư lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư lớn, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp nền tảng; công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường, phát thải carbon thấp...
"Tỉnh luôn xác định, doanh nghiệp, nhà đầu tư là một lực lượng quan trọng cùng với chính quyền thực hiện mục tiêu xây dựng Hưng Yên thực sự trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, giàu đẹp, văn minh. Vì thế, tỉnh cam kết sẽ làm tất cả những gì pháp luật cho phép để đem lại sự thành công cho doanh nghiệp với triết lý sự thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư là sự thịnh vượng của Hưng Yên", ông Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh.
Quang Nhiều
Nguồn: baotintuc.vn