Hiện thực mục tiêu vươn mình trong kỷ nguyên mới
Cầu vượt sông Thu Bồn sau khi được hoàn thành. (Ảnh: TTXVN)

Cầu vượt sông Thu Bồn sau khi được hoàn thành. (Ảnh: TTXVN)

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/01/2024 với mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm và đến năm 2030 phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, trở thành cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đây cũng là tiền đề để Quảng Nam tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tối ưu hóa các nguồn lực cho kết cấu hạ tầng

Nhìn cây cầu Sông Thu sừng sững vượt sông Thu Bồn nối liền hai huyện Duy Xuyên và Đại Lộc, được khởi công xây dựng vào tháng 7/2022 là một trong những dự án lớn của tỉnh Quảng Nam đang dần hoàn thiện, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Phan Xuân Cảnh kỳ vọng, những công trình vượt sông Thu Bồn khi đưa vào sử dụng, không những có khả năng kết nối, tạo diện mạo mới cho hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại - thuận lợi - hiệu quả - an toàn, tăng tính kết nối, lan tỏa, mà còn đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng không gian phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ, du lịch của địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết: Trên cơ sở đánh giá vai trò, mức độ ảnh hưởng, tiềm năng, lợi thế, cơ hội và các điều kiện phát triển, các trụ cột tăng trưởng của tỉnh trong giai đoạn tới được xác định là: du lịch, công nghiệp cơ khí chế tạo và công nghiệp năng lượng, dịch vụ logistics và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược trong thời kỳ mới để tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, quy mô nền kinh tế của tỉnh trong năm 2024 dự kiến đạt 129 nghìn tỷ đồng, năm 2025 dự kiến đạt gần 136,4 nghìn tỷ đồng, tăng gần 38 nghìn tỷ đồng so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, theo đúng mô hình tăng trưởng được xác định nhằm tối ưu hóa các nguồn lực với cơ cấu kinh tế lấy công nghiệp làm trọng tâm, du lịch làm mũi nhọn và nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế công nghiệp và xây dựng 33,2%; dịch vụ 35,4%; khu vực nông - lâm - thủy sản chiếm khoảng 14%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 55 triệu đồng/người/năm.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam Nguyễn Quang Thử cho hay, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030, trong những năm qua, các chương trình, dự án được triển khai thực hiện theo hướng tập trung đầu tư sớm đi vào khai thác, vận hành hiệu quả, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ hạ tầng cơ bản.

Nhiều dự án, công trình trọng điểm, quan trọng được đầu tư đã hoàn thành đưa vào sử dụng; nhất là dự án hệ thống đường ven biển, đường nối ven biển với đường quốc lộ và đường cao tốc, và các công trình cầu vượt sông, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ, tạo điều kiện thúc đẩy hát triển kinh tế - xã hội.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam, cùng với triển khai các dự án trọng điểm, tỉnh Quảng Nam thực hiện có hiệu quả Đề án kiên cố hóa hệ thống đường huyện và giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025, qua đó nâng tỷ lệ đường đến trung tâm thôn được cứng hóa lên 99,2%.

Thực hiện thí điểm một số dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với phát triển vùng nguyên liệu, khu vực sản xuất, khu dân cư trên địa bàn các huyện miền núi, đem lại hiệu quả trong việc giải quyết lưu thông hàng hóa, nông sản, kết hợp phục vụ đi lại dân sinh.

Hạ tầng từng bước được cải thiện góp phần tích cực trong việc thúc đẩy kinh tế công nghiệp phát triển. Tỉnh hiện có 13 khu công nghiệp đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng diện tích được phê duyệt 3.527 ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 60%. Có 58 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập, trong đó 53 cụm công nghiệp đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 1.468 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt xấp xỉ 72%.

Đột phá chiến lược

Tại hội thảo “Đổi mới các nhiệm vụ đột phá chiến lược vì sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh Quảng Nam” mới được tổ chức, các chuyên gia kinh tế đánh giá, Quảng Nam có được những thành tựu như hiện nay là nhờ lựa chọn đúng mô hình phát triển, thực hiện các chủ trương của Trung ương và của tỉnh về đổi mới, phát triển kinh tế- xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên nhiều lĩnh vực, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và định hướng phát triển chung của cả nước trên từng giai đoạn.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Tuy vậy, các ngành kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tận dụng được lợi thế địa lý, đặc biệt lợi thế phát triển kinh tế biển. Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, dịch vụ chưa đồng bộ, tính kết nối chưa cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng nhìn nhận: Để đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế -xã hội hiện đại, đồng bộ, Quảng Nam tiếp tục lấy phát triển bền vững kinh tế biển làm trọng tâm đột phá, xây dựng Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, động lực phát triển của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước.

Đầu tư xây dựng hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch ven biển sinh thái, hiện đại; tiếp tực đầu tư cải thiện hạ tầng nông thôn, hạ tầng nông nghiệp. Cùng đó, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa bao gồm mở rộng không gian tại các đô thị hiện hữu và phát triển thêm một số khu đô thị mới theo quy hoạch.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trong giai đoạn phát triển mới, Quảng Nam tiếp tục phát huy các lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Cùng với đó là tạo tính động lực, tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, tìm kiếm cơ hội nổi trội nhằm phát huy vai trò quan trọng của Khu kinh tế mở Chu Lai, tiềm năng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang.

Mở rộng và hình thành thêm các khu công nghiệp; phát triển các khu công nghiệp có năng lực cạnh tranh quốc gia và quốc tế, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển mạnh công nghiệp cơ khí, tự động hóa, chế biến, chế tạo, vật liệu xây dựng.

Quang cảnh Hội thảo “Đổi mới các nhiệm vụ đột phá chiến lược vì sự phát triển nhanh và bền vững”  do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức chiều 31/10/2024. (Ảnh: TTXVN)

Quang cảnh Hội thảo “Đổi mới các nhiệm vụ đột phá chiến lược vì sự phát triển nhanh và bền vững” do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức chiều 31/10/2024. (Ảnh: TTXVN)

Tính đến nay, Quảng Nam có 8.607 doanh nghiệp đang hoạt động, có 201 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 6,4 tỷ USD; 1.168 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 228 nghìn tỷ đồng; trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách hàng năm cho tỉnh.

Để thúc đẩy kinh tế phát triển, quy trình, thủ tục về đầu tư ngày càng được đơn giản hóa nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Mặt khác tỉnh còn thành lập các tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Cùng với phát triển công nghiệp, dịch vụ, Quảng Nam tiếp tục kiên trì mục tiêu chuyển đổi mạnh sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp; trong đó đột phá về các loại hình kinh tế tập thể liên kết với doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo ổn định vùng nguyên liệu cho chế biến sâu, phát triển mạnh về số lượng và chất lượng các sản phẩm OCOP gắn với hoạt động khởi nghiệp, thực hiện có hiệu quả ngày càng cao Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Hình thành một số cụm liên kết ngành trong lĩnh vực công nghiệp, du lịch, nông nghiệp với một số doanh nghiệp lớn làm hạt nhân, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh làm vệ tinh, hiện thực hóa khát vọng đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030, tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất