|
Hiện nay có khoảng 3.000 sản phẩm của Việt Nam nhận được chứng chỉ Halal của Malaysia. Trong ảnh là Hội chợ Thực phẩm và Đồ uống Việt Nam tại bang Penang của Malaysia tháng 12/2023. (Nguồn: TTXVN)
|
Thị trường Halal là "mỏ vàng", tiềm năng của Halal "không biên giới", Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh ra sao trong sân chơi Halal toàn cầu? Trong chương trình talk show "Ngành công nghiệp Halal của Việt Nam: Chân trời tươi sáng" của báo Thế giới và Việt Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Áo, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi Nguyễn Trung Kiên; PGS. TS Đinh Công Hoàng, Trưởng phòng Nghiên cứu Trung Đông và Tây Á, Viện nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi và Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Đinh Ngọc Linh đã phân tích những thuận lợi mà Việt Nam đang có, giống như những tấm "hộ chiếu" giúp vượt qua những rào cản khai mở thị trường tiềm năng này.
Không cạnh tranh, không muộn
Ông Nguyễn Trung Kiên cho rằng trong bất cứ lĩnh vực nào, cạnh tranh vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội. Tuy nhiên, đối với ngành Halal, Việt Nam không phải cạnh tranh và sự tham gia của Việt Nam vào thị trường này cũng không muộn.
Do đó, để khẳng định vị trí vững vàng hơn, Việt Nam phải vươn lên trong thị trường này, vượt lên chính mình, làm cho sản phẩm đạt chuẩn và chiếm lĩnh thị trường. Ông Nguyễn Trung Kiên tự tin Việt Nam hoàn toàn có thể làm được.
Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Đông-châu Phi, một trong những quan điểm xuyên suốt của cán bộ ngoại giao trong những năm gần đây là: Ngoại giao suy cho cùng vẫn là phục vụ phát triển, phục vụ kinh tế.
Đối với câu chuyện về Halal, các cán bộ ngoại giao cũng có một quyết tâm lớn như vậy. Các nhà ngoại giao luôn nhận thức được rằng, nhu cầu về các sản phẩm phục vụ dân số Hồi giáo rất lớn và Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được. Do đó, bằng mọi cách, các nhà ngoại giao thúc đẩy ngành công nghiệp Halal, cho thấy quyết tâm làm ngoại giao để phục vụ phát triển.
Để củng cố thêm quan điểm "không muộn, không cạnh tranh" của ông Nguyễn Trung Kiên, từ “thực địa”, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Đinh Ngọc Linh chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng của nước sở tại trong việc hình thành và phát triển ngành công nghiệp Halal.
Đại sứ Đinh Ngọc Linh cho biết, khác với Việt Nam, Malaysia có quốc giáo là đạo Hồi, cơ sở thuận lợi trong việc phát triển ngành công nghiệp Halal. Tuy nhiên, không phải từ những ngày đầu lập quốc Malaysia đã có ngành công nghiệp Halal mà đó cũng là một quá trình tương đối lâu dài.
Năm 1970, Malaysia mở một nhà hàng đáp ứng các tiêu chuẩn Halal quốc tế, bước khởi đầu để Malaysia gia nhập thị trường này, sau đó, từng bước hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý và mới đây nhất, Malaysia đưa ra chiến lược phát triển ngành công nghiệp này đến năm 2030.
Theo Đại sứ Đinh Ngọc Linh, thực tế trên cho thấy Malaysia đã đi trước khá lâu, tuy nhiên, cho tới nay, họ vẫn luôn trăn trở không khác gì Việt Nam về các tiêu chuẩn Halal, cơ sở chính sách, pháp lý, phát triển ngành công nghiệp Halal sâu rộng hơn…
Như vậy, mặc dù Việt Nam đang đi những bước đầu tiên trong ngành công nghiệp Halal nhưng là những bước đi rất quan trọng và đạt được những thành quả ban đầu. Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa để vươn lên, khẳng định mình.
"Các nước đang có ngành công nghiệp Halal phát triển hàng đầu thế giới không phải là các quốc gia đạo Hồi, vì vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin để chinh phục hành trình này", Đại sứ Đinh Ngọc Linh nhấn mạnh.
Những lợi thế so sánh hiếm có
PGS. TS Đinh Công Hoàng khẳng định, Halal là một mỏ vàng của thế giới và các quốc gia đều có thể tham gia vào thị trường này. Trong nhiều năm qua, các quốc gia đạo Hồi như Indonesia, Malaysia, Pakistan và các quốc gia phi đạo Hồi như Ấn Độ, Thái Lan, Australia và Brazil đã khai thác rất tốt “mỏ vàng" này.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Trung Kiên, ông Đinh Công Hoàng cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin chiếm lĩnh thị trường này khi nắm giữ trong tay những lợi thế so sánh mà không phải quốc gia nào cũng có được. Cụ thể:
Thứ nhất, xét về địa lý, Việt Nam ở trung tâm ASEAN, rất gần với các thị trường Halal lớn như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Pakistan, Trung Đông-châu Phi, Trung Á.
Thứ hai, Việt Nam có được nguồn nguyên liệu phong phú, đặc biệt là nông, thủy sản – những nguyên liệu quan trọng trong các sản phẩm Halal.
Thứ ba, sau gần 40 năm Đổi mới, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã xây dựng được một “thương hiệu” sản xuất – nằm trong top 20 các quốc gia có nền ngoại thương lớn nhất thế giới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam gần 700 tỷ USD, xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia trên thế giới, xuất khẩu khoảng 30 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD.
Thứ tư, quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước rất tốt đẹp, dựa trên nền tảng của 17 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chất lượng cao, với cả những thị trường khắt khe như liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản hay Hoa Kỳ. Do đó, Việt Nam có nền tảng vô cùng vững chắc để vượt qua những rào cản thương mại phi thuế quan của Halal.
Cuối cùng, theo ông Đinh Công Hoàng, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm phát triển công nghiệp Halal, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp khai mở thị trường này với hai dấu ấn nổi bật là việc phê duyệt Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030" và thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Đây là những tấm “hộ chiếu” giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể khai mở được thị trường Halal giàu tiềm năng.
Tựu trung, các nhà ngoại giao, chuyên gia về Halal đều khẳng định rằng Việt Nam bước chân vào ngành công nghiệp Halal không muộn và không có cạnh tranh. Đặc biệt, Việt Nam có nhiều lợi thế so sánh hiếm có, không phải quốc gia nào cũng có được, vì vậy, hoàn toàn có thể tự tin bước tiếp về phía trước, khẳng định vị thế trên bản đồ Halal toàn cầu.
Vy Anh
Nguồn: baoquocte.vn