|
Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế thành phố Hải Phòng và tỉnh Tây Ninh tham quan tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.
|
Tây Ninh là tỉnh biên giới giáp 3 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia gồm Svay Rieng, Prey Veng và Tboung Khmum. Đặc biệt, Tây Ninh là cửa ngõ giao thông đường bộ quan trọng sang Campuchia và các nước ASEAN khi có 3 cửa khẩu quốc tế gồm Mộc Bài, Xa Mát và Tân Nam; 3 cửa khẩu chính là Kà Tum, Chàng Riệc và Phước Tân và 10 cửa khẩu phụ.
Nhờ lợi thế đó, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài hiện là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm được Chính phủ lựa chọn để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025. Từ đó, góp phần mở rộng giao thương với các nước ASEAN thông qua hoạt động xuất nhập khẩu qua lại cửa khẩu.
Bà Phạm Vũ Anh Thi, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh cho biết, tính đến nay, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã thu hút được 59 dự án đầu tư. Trong số đó, có 25 dự án vốn nước ngoài và 34 dự án có vốn đầu tư trong nước.
Tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 457,78 triệu USD và 8.502 tỷ đồng. Hiện có 33 dự án đang triển khai hoạt động gồm 12 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 21 dự án có vốn đầu tư trong nước. Các dự án tạo việc làm ổn định cho 10.460 lao động.
Về đóng góp của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đối với phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh cho biết, kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu Mộc Bài không ngừng tăng lên.
Ngoài ra, Mộc Bài cũng tạo nguồn ngân sách ổn định và không ngừng tăng cho tỉnh thông qua thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng đối với phương tiện ra vào cửa khẩu Mộc Bài (được thông qua HĐND tỉnh, áp dụng từ năm 2014).
|
Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo Hội nhập quốc tế thành phố Hải Phòng trao đổi tại buổi làm việc.
|
Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo Hội nhập quốc tế thành phố Hải Phòng đã chia sẻ, nhiều giải pháp trong hội nhập quốc tế thuộc nhiều lĩnh vực mà thành phố này đã áp dụng.
Nổi bật, trên lĩnh vực đối ngoại, 6 tháng đầu năm 2024, thành phố Hải Phòng mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, tập trung các đối tác: Hà Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Bỉ, Anh Quốc, Nauy, Liên minh châu Âu. Trên lĩnh vực du lịch, thành phố tích cực tham gia quảng bá đến thị trường quốc tế; tăng cường chuyển đổi số trong du lịch.
Ngoài ra, Hải Phòng cũng thực hiện công tác hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, nông nghiệp, giáo dục, ngân hàng, y tế, quốc phòng, cải cách thủ hành chính, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư… với nhiều kết quả khả quan.
Tại buổi làm việc, các đại biểu thành phố Hải Phòng đã đặt ra nhiều vấn đề quan tâm đối với Tây Ninh - một tỉnh có đường biên giới dài hơn 240 km giáp Campuchia.
Trong số đó, đại biểu quan tâm đến lượng du khách quốc tế đến Tây Ninh; định hướng của tỉnh trong phát triển thương mại, dịch vụ khu kinh tế cửa khẩu; kim ngạch xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu; thu hút đầu tư nước ngoài; tăng trưởng dịch vụ logistic…
Ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, tỉnh luôn xác định kinh tế đối ngoại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của công tác đối ngoại. Nhờ đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 4.679,98 triệu USD (tăng 35,22% so cùng kỳ). Trong số đó, xuất khẩu đạt 2.303,36 triệu USD (tăng 51%% so cùng kỳ), nhập khẩu 2.376,62 triệu USD (tăng 27,44% so cùng kỳ). Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa với Campuchia của các doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh đạt 784,8 triệu USD; trong đó, xuất khẩu đạt 8,52 triệu USD, nhập khẩu đạt 776,28 triệu USD.
Về hội nhập kinh tế quốc tế, Tây Ninh đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, đã mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác hiệu quả.
Theo ông Dương Văn Thắng, Tây Ninh là tỉnh biên giới có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Hàng năm, nhiều cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh với lãnh đạo các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia được tổ chức, tạo được sự gắn kết hữu nghị, truyền thống lâu dài, đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các tỉnh giáp biên: Svay Rieng, Prey Veng và Tboung Khmum và 1 tỉnh kết nghĩa Kampong Cham, Campuchia trên nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kinh tế - hợp tác đầu tư vùng trồng các loại cây công nghiệp (mía, cao su,...), lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trao đổi thông tin có liên quan đến tình hình biên giới. Ngoài ra, Tây Ninh cũng đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với các tỉnh trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, các địa phương có nhiều điểm tương đồng của các nước trong khu vực tiếp tục được mở rộng.
|
Các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm trong hội nhập kinh tế quốc tế trong buổi làm việc tại UBND tỉnh Tây Ninh.
|
Trong 6 tháng đầu năm 2024, khách tham quan các khu, điểm du lịch đạt 3,4 triệu lượt khách; tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.845 tỷ đồng. Thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 5.469 tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 160,4 triệu USD. Cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 357 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 3.968 tỷ đồng.
Cùng với đó, Tây Ninh cũng quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các hội nghị hợp tác phát triển thương mại Việt Nam với các nước, các hội chợ thương mại quốc tế. Tỉnh tổ chức các hội thảo giới thiệu xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; thường xuyên tiếp xúc, trao đổi thông tin với các tổ chức nước ngoài.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng chia sẻ, phân tích những tồn tại, hạn chế và đề xuất những giải pháp liên quan trong quá trình triển khai hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đó, nhằm đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, phù hợp với chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và phù hợp với thực tiễn tại địa phương.
Hai tỉnh cũng chia sẻ những định hướng trong hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, giải pháp nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại trực tuyến, xuất khẩu qua các nền tảng số; những mô hình, sáng kiến, giải pháp trong cải cách hành chính tại các địa phương. Đồng thời, hai bên cũng đã thảo luận, nghiên cứu cơ chế hợp tác, kết nối liên thông giữa các địa phương trong lĩnh vực logistics; tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp của các địa phương với nhau./.
Giang Phương
Nguồn: baotintuc.vn